|
Đường làng quê rợp bóng mát cây xanh, hoa cảnh |
Hừng sáng, khi mặt trời vừa nhấp nhô, ửng đỏ một vùng trời bên dải rừng ngập mặn ven biển, chúng tôi đã chứng kiến những hình ảnh tín đồ đạo Cao đài ở ấp Thạnh Lễ, xã Bảo Thuận cùng người dân địa phương đã làm vệ sinh môi trường, phát quang, dọn dẹp cây dại, thu gom rác tại tuyến đường giao thông nông thôn. Khuôn viên Thánh thất cũng như trên những con đường làng nơi đây khang trang sạch sẽ, những hàng cây xanh ngắt tỏa bóng mát các lối đi, tạo cảm giác mát mẻ, trong lành.
Bà Nguyễn Thị Phụng - một tín đồ đạo Cao Đài - cho biết, từ khi chính quyền địa phương vận động thực hiện mô hình về BVMT, gia đình tôi cũng như các tín đồ họ đạo cùng cộng đồng dân cư đã hưởng ứng tích cực, cùng nhau tham gia với những việc làm thiết thực như: phát quang cây dại, thu gom rác, vệ sinh môi trường, trồng cây xung quanh.
"Mọi người dù có đạo hay không có đạo thì ai ai cũng làm, bởi vì đây là việc chung, làm để giúp cho môi trường cảnh quang thêm xanh, sạch, đẹp”, bà Phụng nói.
Bà Phụng kể, người dân nơi đây từ trước đến nay luôn ý thức chấp hành bỏ rác vào thùng đựng rác, không vứt rác bừa bãi trong nhà, ở trước sân hay ra đường làng. Vì vậy mà từ những con đường làng đến từng ngôi nhà đều thông thoáng, luôn trong tình trạng sạch sẽ, cây xanh rợp bóng mát, hoa kiểng nỡ rực khoe sắc trước sân nhà và dọc theo hai bên đường trông rất đẹp mắt.
Còn tại xã Mỹ Thạnh, địa phương được xem là nơi phát huy hiệu quả cao trong thực hiện cuộc vận động chức sắc, tín đồ đạo Cao đài chung tay bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện Ba Tri thời gian qua. Theo chia sẻ từ đại diện Mặt trận Tổ quốc xã Mỹ Thạnh, từ khi mô hình được triển khai đã thay đổi nhận thức, tác động đến ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng dân cư. Mô hình đã giúp gắn kết giữa đồng bào theo đạo Cao đài, đồng bào theo tôn giáo khác và đồng bào không theo đạo cùng nhau bảo vệ môi trường.
Từ đó, có hàng chục hộ gia đình chăn nuôi đã xây dựng hầm biogas nhằm tạo khí đốt, đồng thời góp phần làm giảm chất thải gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, các tín đồ đạo Cao đài và nhân dân xã Mỹ Thạnh còn tích cực tham gia thực hiện các đợt ra quân nạo vét kênh mương, thu gom vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng, không để nước thải trong chăn nuôi trực tiếp ra môi trường, thường xuyên quét dọn, vệ sinh, chỉnh trang cảnh quang khu vực nhà ở và nơi công cộng cho sạch sẽ, khang trang.
Chia tay với những con người đầy nhiệt huyết làng quê xóm đạo ở Ba Tri, chúng tôi tìm đến Hội Thánh Cao Đài Ban chỉnh đạo Bến Tre để muốn hiểu rõ hơn về phong trào tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường mà tỉnh đã và đang ra sức thực hiện.
Hiến pháp Lữ Minh Châu - Tổng Thư ký Hội Thánh đã chia sẻ những nỗ lực người Đạo Cao Đài đã cùng chung sức chung lòng, tạo được sức lan tỏa trong cộng đồng, góp phần nâng cao ý thức trong việc giữ gìn môi trường tại địa phương.
Trong câu chuyện, ông nói rằng, trong cuộc xây dựng quê hương đất nước, người Đạo Cao Đài đã ý thức góp phần trong phạm vi xã hội môi trường, quyết giữ không làm ô nhiễm môi trường trái lại còn làm trong sạch môi trường như trồng cây gây rừng, làm khang trang các khuôn viên thờ tự, tích cực góp phần vào việc cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn ở địa phương.
Hội Thánh đã và đang tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường như: trồng cây xanh; phối hợp dọn dẹp vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm; đặc biệt là vận động các tín đồ và người thân thay đổi những thói quen trong sinh hoạt, trong hoạt động sản xuất, chăn nuôi có nguy cơ mất vệ sinh, ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái.
Các chức sắc, tín đồ Cao Đài còn tích cực tham gia thực hiện các đợt ra quân nạo vét kênh mương, thu gom vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng, không để nước thải trong chăn nuôi trực tiếp ra môi trường, thường xuyên quét dọn, vệ sinh, chỉnh trang cảnh quang khu vực nhà ở và nơi công cộng.
Hiến pháp Lữ Minh Châu phấn khởi cho hay, từ mô hình vận động chức sắc, tín đồ Đạo Cao Đài tham gia bảo vệ môi trường, đồng bào theo đạo tại các địa phương đã tích cực tham gia với nhiều hoạt động thiết thực. Nếu như trước đây chỉ có khoảng 50% số gia đình bà con tín đồ đạo xây hố xí tự hoại, thì đến nay có tất cả 100% số hộ gia đình đã xây hố xí hợp vệ sinh, tham gia thu gom vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật, thu gom rác... Các hộ gia đình chăn nuôi có quy mô lớn cũng đã xây dựng hầm biogas nhằm tạo khí đốt, đồng thời góp phần làm giảm chất thải gây ô nhiễm môi trường.
Trên toàn tỉnh Bến Tre có 60 thánh thất với khoảng hơn 800.000 tín đồ. Hội Thánh sẽ tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, tích cực tham gia các hoạt động BVMT như: trồng cây xanh tại các cơ sở thờ tự; phối hợp dọn dẹp vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm; đặc biệt là vận động các tín đồ và người thân thay đổi những thói quen trong sinh hoạt, trong hoạt động sản xuất, chăn nuôi có nguy cơ mất vệ sinh, ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái.
“Người Đạo Cao Đài đã tích cực đóng góp, chứng minh được tinh thần đạo đời tương đắc, lương giáo một nhà. Đây là tôn giáo nội sinh, có tôn chỉ đoàn kết các tôn giáo, có nhiệm vụ bảo vệ quê hương đất nước. Tôn giáo là động lực phát triển xã hội, tôn giáo Cao Đài mang đậm bản sắc dân tộc nên với phong trào BVMT càng ý thức rõ điều này. Hướng tới, người Đạo Cao Đài sẽ quyết tâm hơn nữa, nhằm góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần ngày càng tốt hơn”, Hiến pháp Lữ Minh Châu chia sẻ thêm.
N.Thanh