Tin mới

Nhiều đồng bào Khmer thoát nghèo từ nguồn vốn vay ưu đãi

(Mặt trận) -Là một địa phương có đông bà con dân tộc Khmer sinh sống nên công tác giảm nghèo luôn được lãnh đạo xã Lâm Tân (huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng) quan tâm thực hiện. Đặc biệt, nguồn vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) đã trở thành một kênh quan trọng, góp phần giúp nhiều lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác ở địa phương vươn lên thoát nghèo bền vững.

Phú Yên: Đẩy mạnh hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất

Đức Cơ nỗ lực giúp người nghèo an cư

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

 Nhờ nguồn vốn hỗ trợ của NHCSXH, chị Lý Hồng Thanh (bìa trái) đã vươn lên thoát nghèo, trở thành chủ cơ sở vật tư xây dựng.

Xã Lâm Tân là một xã vùng sâu của huyện Thạnh Trị, có hơn 34% là người dân tộc Khmer sinh sống. Những năm gần đây, thực hiện các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế cho đồng bào dân tộc Khmer, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện. Đặc biệt, nhiều hộ gia đình từ diện khó khăn đã vươn lên thoát nghèo, trở nên khá giả nhờ phát huy hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ.

Từng là một nông dân Khmer nghèo, không đất canh tác, chị Lý Thị Hồng Thanh (41 tuổi), ở ấp Kiết Lập B giờ đã trở thành người phụ nữ tiêu biểu của địa phương nhờ sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH, vươn lên thoát nghèo bền vững. Chúng tôi cùng chị Huỳnh Cẩm Tú, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Lâm Tân đến thăm gia đình chị Thanh. Trong căn nhà mới khang trang, có đầy đủ tiện nghi, chị tiếp chúng tôi niềm nở, trên gương mặt không giấu được niềm vui và tự hào.

Chị Thanh nhớ lại những ngày khó khăn trước đây: “Khi tôi lấy chồng, cha mẹ hai bên đều nghèo nên ra riêng chỉ với hai bàn tay trắng. Không có đất sản xuất, chồng đi làm phụ hồ, còn tôi thì ai mướn gì làm nấy,quần quật từ sáng sớm đến khuya nhưng cũng chỉ tạm đủ sống qua ngày. Hai con càng lớn, chi phí sinh hoạt càng nhiều, công việc lại bấp bênh, nên khó khăn chồng chất khó khăn”.

Xét thấy hoàn cảnh gia đình chị Thanh nghèo khó, nhưng lại chịu khó làm ăn, Hội LHPN xã Lâm Tân đã tạo điều kiện giới thiệu,kết nạp chị Thanh vào Tổ tiết kiệm và vay vốn. Hàng tháng, chị Thanh đều tham gia các cuộc họp của tổ, của Hội, ngoài nắm được thông tin công tác hội, chính sách tín dụng ưu đãi, chị còn được hướng dẫn cách tính toán làm ăn, cách sử dụng vốn đúng mục đích và hiệu quả.

Hội LHPN phường đã hướng dẫn làm hồ sơ để chị vay vốn từ NHCSXH. Sau khi hoàn thành hồ sơ, chị Thanh được vay 5 triệu đồng từ chương trình cho hộ nghèo vay vốn của NHCSXH.

“Khi nhận được nguồn vốn vay, tôi bàn với chồng mua máy móc để làm công trình. Số tiền đi làm phụ hồ có được, một phần tôi dành trang trải cuộc sống, số còn lại tích góp mua máy phục vụ việc xây dựng công trình, trong đó, tôi trích ra 100 nghìn đồng mỗi tháng tham gia vào Tổ tiết kiệm để xoay vốn. Công việc làm ăn thuận lợi, vợ chồng tôi mướn thêm người, nhận thêm công trình, dần dần, tôi mua rạp cưới, chén dĩa về cho thuê lại. Giờ đây, tôi đã mở thêm cửa hàng vật liệu xây dựng, cuộc sống gia đình đã ổn định hơn trước rất nhiều”- Chị Thanh cho hay.

Nhờ tiết kiệm và chí thú làm ăn, đến nay, vợ chồng chị Thanh đã xây dựng được căn nhà khang trang và có tiền nuôi hai con ăn học. Niềm vui của gia đình chị Thanh đã được nhân đôi, khi không chỉ được ở trong căn nhà mới rộng rãi, mà mới đây, gia đình chị còn được chính quyền địa phương xét đủ điều kiện thoát nghèo.

Đời sống gia đình ổn định, chị Thanh lại góp sức hỗ trợ các chị em phụ nữ khác, đến nay, cơ sở của chị đã tạo việc làm thường xuyên cho từ 3 đến 7 người, hầu hết những người làm thuê là chồng, con của các chị em khác trong Tổ phụ nữ ấp.

Chưa dừng lại ở đó, chị Thanh còn ấp ủ ước mơ giúp cho nhiều người thoát nghèo. Chị đã bỏ công tìm hiểu mô hình nuôi lươn không bùn, hỗ trợ kinh phí xây dựng chuồng trại, tìm nhà cung ứng con giống, kỹ thuật để các chị em phát triển mô hình làm ăn hiệu quả. Dự kiến, trong đợt đầu tiên sẽ hỗ trợ cho khoảng 5 đến 6 gia đình hội viên áp dụng mô hình.

Trải qua nhiều gian nan, thử thách và những vất vả, chị Thanh lại càng trân trọng những gì đang có.

Chị tâm tình: “Cuộc sống của gia đình tôi đã thay đổi rất nhiều, tất cả là nhờ vào Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, Hội LHPN xã, Tổ tiết kiệm và vay vốn đã tạo điều kiện giúp đỡ nguồn vốn vay để vợ chồng tôi phát triển kinh tế gia đình, từng bước vươn lên trong cuộc sống. Nếu không có đồng vốn vay ưu đãi từ NHCSXH, chắc hai vợ chồng tôi đi mần mướn suốt đời cũng không xây dựng được căn nhà khang trang để ở.”

Nhận xét về gia đình chị Lý Thị Hồng Thanh, chị Huỳnh Cẩm Tú, Chủ tịch Hội LHPN xã Lâm Tân cho biết, đa số các hộ nghèo địa phương được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi đều rất chí thú làm ăn. Gia đình chị Thanh là hộ luôn chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của Hội cũng như nguyên tắc hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn, nguồn vốn vay được chị sử dụng đúng mục đích nên đã phát huy hiệu quả. Mặc dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng hai vợ chồng chị luôn chí thú làm ăn, chi tiêu tiết kiệm và vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Nhiều năm qua, chính sách tín dụng ưu đãi đối với đồng bào dân tộc thiểu số đã làm thay đổi đời sống của người dân xã Lâm Tân, củng cố niềm tin của bà con đối với Đảng, Nhà nước, hướng đến mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, nâng cao thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân vùng dân tộc thiểu số.

Hồng Diễm

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản