Tin mới

Những điển hình học tập và làm theo Bác ở huyện biên giới Mường Lát

(Mặt trận) -Vượt Cổng Trời, chúng tôi về bản Lát - bản đầu tiên của xã Tam Chung, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa “về đích” nông thôn mới (NTM). Hình ảnh những con đường đất lầy lội, những ngôi nhà vách gỗ đơn sơ, những lớp học tuyềnh toàng giờ chỉ còn trong ký ức. Bản Lát hôm nay khoác lên mình “tấm áo mới” với các tuyến đường bê tông chạy dài đến từng cổng những nếp nhà kiên cố. Kỳ tích ấy không chỉ được xây kết từ tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng của cán bộ, đảng viên, Nhân dân bản Lát, mà còn là kết quả của việc học tập và làm theo Bác.

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

 Anh Giàng A Chống, bí thư chi bộ, trưởng bản Ón – người có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở xã Tam Chung.

Bản Lát có 292 hộ dân, với 1.147 nhân khẩu. Để việc học tập và làm theo Bác thực sự có kết quả, Chi bộ bản Lát đã tổ chức các hội nghị quán triệt Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đến toàn thể cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân. Cùng với việc đưa những nội dung cốt lõi về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào các buổi sinh hoạt định kỳ hàng tháng, Chi bộ bản Lát còn chỉ đạo các tổ chức đoàn thể chính trị và đảng viên đăng ký “một việc làm theo Bác”. Năm 2020, bản Lát được xã Tam Chung chọn làm điểm chỉ đạo xây dựng NTM. Đây cũng là nội dung mà Chi bộ bản Lát đăng ký “một việc làm theo Bác” với Đảng ủy xã Tam Chung. Xác định phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, giúp đồng bào các dân tộc trong bản thoát nghèo là một trong những nội dung quan trọng, nó vừa là động lực, vừa là mục tiêu của chương trình xây dựng NTM, Chi bộ bản Lát đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn bà con khai hoang các piềng bãi, ruộng bậc thang để trồng lúa nước 2 vụ. Đồng thời, đưa giống lúa ĐT52 vào gieo cấy và sử dụng phân bón cho 16 ha lúa của bản. Nhờ vậy, năng suất lúa nước của bản được nâng lên 46 tạ/ha. Phát huy tiềm năng đất đai, chi bộ còn khuyến khích bà con đưa cây chuối tiêu vào trồng trên các sườn đồi. Đến nay, toàn bản đã trồng được 6,5 ha chuối tiêu và bắt đầu đến thời kỳ thu hoạch. Theo ước tính của bà con trong bản, 1 ha chuối tiêu cho thu hoạch khoảng 15 tấn, giá trị kinh tế đạt từ 50 đến 55 triệu đồng/ha/năm. Song song với việc quy hoạch diện tích đất trồng ngô, lúa rẫy, sắn cho phù hợp để nâng cao năng suất, sản lượng, góp phần ổn định an ninh lương thực, chi bộ còn lãnh đạo Nhân dân phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Hiện tại, bản Lát có 397 con trâu, 1.268 con bò và gần 2.000 con gia cầm. Sản xuất phát triển đã góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người của bản Lát lên 36,2 triệu đồng vào cuối năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 4,79%. Đi liền với đó, đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân trong bản cũng được nâng lên, việc cưới, việc tang được thực hiện theo nếp sống mới.

Trong xây dựng NTM, Chi bộ bản Lát đã tuyên truyền, vận động đóng góp 2,2 tỷ đồng để làm 2,25 km đường giao thông, sửa chữa, nâng cấp nhà văn hóa, xây dựng các công trình vệ sinh gia đình... Từ chỗ khó khăn, nhưng với tinh thần đoàn kết, sự đồng lòng của cán bộ, đảng viên và đồng bào các dân tộc địa phương, đầu năm 2021, bản Lát đã được công nhận bản NTM. Anh Lò Văn Hiền, phó bí thư đảng ủy xã, đánh giá: “Nhiều năm qua, Chi bộ bản Lát luôn là tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu của Đảng bộ xã Tam Chung. Trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chi bộ luôn lấy lời dạy của Bác “Việc gì có lợi cho dân hết sức làm, việc gì có hại cho dân hết sức tránh” để thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Minh chứng rõ nét nhất là đời sống vật chất và tinh thần của bà con dân bản ngày càng được nâng lên, diện mạo quê hương không ngừng khởi sắc”.

Những “đóa hoa” dâng Bác ở huyện biên giới Mường Lát còn có ông Chá Văn Dia, bí thư chi bộ, trưởng bản Pù Toong. Tháng 7-2019, UBND xã Pù Nhi đã phê duyệt Đề án “Xây dựng bản NTM Pù Toong”. Để đưa Pù Toong “về đích” NTM, ông Dia đã cùng với tập thể chi bộ bản tổ chức nhiều cuộc họp để bàn bạc, tìm giải pháp khắc phục những khó khăn và trở lực về cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, sản xuất nông, lâm nghiệp manh mún, lạc hậu, nhất là xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước của một bộ phận người dân. Với tinh thần đảng viên là những hạt nhân “khơi nguồn” để cổ vũ, tạo sức lan tỏa đến quần chúng Nhân dân, ông Dia đã cùng với tập thể chi bộ thống nhất quan điểm “đảng viên đi trước” trong việc đóng góp ngày công, hiến đất làm đường giao thông. Từ nguồn xi măng hỗ trợ “kích cầu” của tỉnh, huyện và các đơn vị, ông Dia và bà con dân bản tích cực tham gia đóng góp nguyên vật liệu, ngày công lao động để đổ bê tông gần 4 km đường liên gia, kênh mương. Ngoài ra, ông còn vận động các hộ dân trong bản chủ động sửa chữa, làm mới gần 100 công trình vệ sinh và xây dựng 1.400m tường rào, cổng ngõ. Không những vậy, tại các cuộc họp bản, ông Dia còn tuyên truyền đến bà con tinh thần: “Xây dựng NTM là mình làm, mình thụ hưởng”. Nghe theo lời ông Dia, bà con bản Pù Toong tiếp tục đóng tiền lắp đặt hơn 2 km đường điện chiếu sáng trên trục đường chính của bản. Ông Dia phấn khởi cho biết: “Thực hiện Chương trình xây dựng NTM, bản Pù Toong đã huy động được 1,214 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 299 triệu đồng; Nhân dân đóng góp 915 triệu đồng. Thành quả sau 2 năm nỗ lực, quyết tâm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân địa phương là Pù Toong đã trở thành bản đồng bào Mông đầu tiên trong tỉnh “về đích” NTM”.

Trong 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, ở huyện biên giới Mường Lát đã có 93 tập thể, 167 cá nhân có thành tích xuất sắc được tỉnh, huyện và xã biểu dương, khen thưởng. Để có được những “đóa hoa” dâng Bác, Ban Thường vụ Huyện ủy Mường Lát đã tổ chức học tập, quán triệt, triển khai sâu rộng Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị đến các cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân. Đồng thời, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể và các tổ chức đảng đưa những nội dung cốt lõi về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào hội nghị cơ quan, sinh hoạt chi bộ định kỳ hàng tháng. Đi liền với đó, Ban Thường vụ Huyện ủy cũng yêu cầu từng cán bộ, đảng viên tự xây dựng kế hoạch phấn đấu và đăng ký “một việc làm theo Bác”, gắn với nhiệm vụ, lĩnh vực công tác. Nhờ vậy, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã trở thành việc làm thường xuyên của các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân trên địa bàn huyện.

 Hòa Bình

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản