Tin mới

Những già làng “Đảng cử, dân tin”

(Mặt trận) -Huyện miền núi Tân Sơn của tỉnh Phú Thọ có 26 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 83,5%. Những năm qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các đoàn thể chính trị - xã hội huyện Tân Sơn đã thực hiện nhiều chính sách để tăng cường xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong đó, vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín được đặc biệt chú trọng phát huy. Đây là “cầu nối” vận động nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

 Ông Phùng Ngọc Chỉ được nhận Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Đại đoàn kết dân tộc do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trao tặng

Nghỉ hưu khi đang đảm nhiệm vai trò Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Kiệt Sơn, ông Hà Thanh Minh đã cống hiến cả cuộc đời mình góp phần làm đổi thay bộ mặt của xã nghèo. Từng trực tiếp tham gia cầm súng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, ông Minh hiểu hơn ai hết giá trị của độc lập, tự do. Khi trở về địa phương, ông được nhân dân tin tưởng bầu giữ các chức vụ quan trọng. Trong mấy chục năm cống hiến cho địa phương, ông đã đóng góp quan trọng đưa đời sống người dân đi lên, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng các thiết chế y tế và giáo dục. Ông đã từng lặn lội đạp xe từ Tân Sơn xuống Lâm Thao mang về giống lúa tốt, tiên phong cấy ruộng nhà mình và khuyến khích bà con làm theo. Từ giống lúa cho năng suất, chất lượng kém, lần đầu tiên, ông Minh cùng người dân Kiệt Sơn đứng trên đồng ruộng cho năng suất đạt một tạ lúa/sào mà mừng rơi nước mắt. Những năm 80, khi ấy cả huyện chỉ có hai trường cấp ba ở Minh Đài và Kim Thượng, học sinh xã mình phải đi cả mấy chục cây mới đến được trường, nhiều em phải nghỉ học, ông Hà Thanh Minh khi ấy là Phó Chủ tịch UBND xã đã đích thân đi xin đủ chín chữ ký của chín vị chủ tịch xã cam kết vận động con em trong xã đến trường. Bản cam kết chín chữ ký viết tay sau trở thành tiền đề quan trọng để thành lập trường THPT Thạch Kiệt (tiền thân của trường THPT Tân Sơn bây giờ).

Sau khi nghỉ hưu, ông Minh lại là Bí thư chi bộ khu dân cư, “đầu tàu gương mẫu” xây dựng cuộc sống văn minh. Ông là người thúc đẩy phong trào “Tiếng trống học bài”, vận động trên 90% hộ gia đình xây dựng nhà ở kiên cố. Khi nói về nơi mình ở, già làng Hà Thanh Minh tự hào: “Buổi tối đi qua Kiệt Sơn đèn quang điện sáng chẳng thua kém gì thành phố. Camera lắp từ ngoài đường vào đến nhà dân, tình trạng trộm cắp, mất an ninh trật tự cũng giảm hẳn”.

Trong số 42 già làng, trưởng bản ở huyện Tân Sơn, ông Phùng Ngọc Chỉ ở khu 10, xã Tân Phú đã có thâm niên gần 20 năm gắn bó với công tác mặt trận. Đến nhà ông Chỉ, người ta lúc nào cũng thấy một chồng sách to, đủ các loại. Ông quan niệm: “Đọc sách nhiều, hiểu nhiều thì mới truyền tải được chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến nhân dân”. Nếu như già làng Hà Thanh Minh mang về cho người dân Kiệt Sơn được giống lúa tốt thì ông Chỉ lại tiên phong đề xuất ý tưởng ký hợp đồng bao tiêu với xí nghiệp chè Thanh Niên. Từ đó, đầu ra sản phẩm ổn định, người dân yên tâm canh tác, mang lại nguồn thu nhập đáng kể từ cây chè. Là lớp người cũ nhưng đại diện cho tư tưởng mới, ông Chỉ đã vận động nhân dân xóa bỏ nhiều hủ tục lạc hậu, xây dựng quy ước thực hiện nếp sống văn minh. Nhờ có ông, đồng bào dân tộc trong xã bỏ được tục làm ma phải cắt tóc, đánh trống kèn nhiều ngày, mổ trâu mổ bò tốn kém tiền của… Gần 20 năm là Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã, ông cùng cán bộ đã vận động xóa nhà tạm cho 176 hộ. Vì những đóng góp không ngừng nghỉ ấy, ông được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Đại đoàn kết dân tộc. Danh hiệu cao quý như lời khẳng định sự cống hiến của già làng Phùng Ngọc Chỉ cho công cuộc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Với kinh nghiệm, uy tín và ảnh hưởng của mình, các già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín thực sự là cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật của Nhà nước, thực hiện quy ước của bản làng. Để phát huy hơn nữa vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín, đồng chí Hà Văn Nam - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện cho biết: “Ủy ban MTTQ đã tham mưu UBND huyện ban hành văn bản hướng dẫn địa phương bình chọn người có uy tín trong cộng đồng DTTS; quan tâm, thăm hỏi, tặng quà Tết, hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần; thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức; phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của địa phương cho người có uy tín”.

Đóng góp của già làng, trưởng bản, người có uy tín đã góp phần quan trọng trong việc đưa cuộc sống của người dân, đặc biệt bà con vùng sâu, vùng xa, DTTS đi lên, hướng đến mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đời sống văn minh.

Thùy Trang

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản