Tin mới

Những hộ đồng bào dân tộc Khmer vượt khó làm giàu

(Mặt trận) -Nhiều năm qua, Hậu Giang không ngừng chăm lo cho đời sống của đồng bào dân tộc Khmer, nhất là hộ nghèo, từ đó, đã thổi một luồng gió mới làm thay đổi cách nghĩ, cách làm cũ, khuyến khích người dân áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt. Giờ đây, nhiều hộ Khmer đã biết chí thú làm ăn, chăm lo cho con cái ăn học, để sau này trưởng thành, có nhiều đóng góp tích cực cho xã hội.

Phát huy vai trò người có uy tín ở xã Trung Sơn

Sóc Trăng họp mặt mừng Tết Chôl Chnăm Thmây năm 2024

Ủy ban MTTQ tỉnh Kiên Giang trao 500 phần quà cho đồng bào Khmer

 Ông Danh Quận bên giấy khen của các con.

Vươn lên từ đôi bàn tay trắng

Tại ấp 6 và ấp 8, xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, nhờ chính quyền và đoàn thể có biện pháp liên kết hợp tác từ đầu vào đến đầu ra, nên nhiều thành viên của Tổ hợp tác nuôi ba ba thương phẩm trở nên khấm khá. Từ một vài hộ nuôi đơn lẻ, đến nay, 2 ấp này có trên 30 hộ nuôi, chủ yếu là người dân Khmer, hộ nuôi quy mô nhỏ khoảng 1.000 con, hộ nuôi nhiều nhất khoảng trên 10.000 con. Ngoài nuôi ao truyền thống, nhiều hộ còn kết hợp giữa nuôi ao và nuôi ruộng.

Một trong những người tiên phong phát triển mô hình này là anh Danh Đến, ở ấp 8. Hiện tại, anh Đến có 7.000m2 ruộng lúa, thả nuôi trên 10.000 con ba ba/vụ. Nhờ được các hộ đi trước hướng dẫn cặn kẽ kỹ thuật nuôi ba ba, nên anh Đến đã thắng lớn ngay từ vụ đầu tiên. Hiện tại, trong ao và ruộng nhà anh có trên 10.000 con ba ba thịt. Với giá thành nuôi từ 75.000 - 80.000 đồng/kg, trừ các khoản chi phí, anh thu lãi trên 300 triệu đồng sau 14 tháng nuôi. Anh Đến chia sẻ: “Trước kia, ruộng đất ít, vợ chồng tôi phải đi làm thuê, làm mướn, nuôi bán vịt thịt, nhưng cuộc sống rất bấp bênh. Rồi tôi đi làm phụ giúp trang trại nuôi ba ba của người chú họ, được ông hướng dẫn kỹ thuật nên tôi đã mạnh dạn nuôi thử. Tuy cực vì phải bỏ công chăm sóc, nhưng nghề này cho thu nhập ổn định và không phải nay đây, mai đó đi làm thuê như trước kia nữa”.

Trong khi đó, ở ấp 12, thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, gia đình anh Mai Lạng “nổi tiếng” vì nghèo khó, nhưng biết vươn lên trong cuộc sống. Anh Lạng kể, anh cưới vợ năm 1996 và được cho ra riêng với vẻn vẹn căn nhà lá đơn sơ, cái ăn, cái mặc của gia đình phụ thuộc hoàn toàn vào nghề cắt lúa mướn của hai vợ chồng. Anh chị làm mướn có tiếng ở nhiều cánh đồng vì đi sớm và về trễ, cắt lúa nhanh, ít đổ; vô chính vụ, anh chị còn nhận tiền công trước, cắt lúa sau... “Tuy nghèo khó, nhưng tôi không chán nản mà luôn cố gắng dậy sớm để đi làm. Khi được chính quyền địa phương xét cấp cho ngôi nhà tình thương, hai vợ chồng mừng muốn xỉu. Đó là động lực rất lớn để vợ chồng tôi ra sức mần mướn nhiều hơn nữa” - anh Lạng chia sẻ.

Để rồi, cứ xong 1 đợt lúa, dư chút đỉnh, tích cóp lại, dần dà, anh chị mua được 2 công ruộng và 1 công đất liếp trồng rau màu. Đặc biệt, anh chị không để đất trống ngày nào, hễ hết vụ này thì lại thâm canh vụ khác. Qua ngày tháng tích lũy, đến nay, gia sản của vợ chồng anh có trên chục công đất. Ông Phạm Thành Đắng, Trưởng ấp 12 thông tin, gia đình anh Lạng vươn lên làm giàu nhanh nhất trong số các hộ Khmer của ấp, nhà anh Lạng bây giờ rất khá giả, là tấm gương cho nhiều hộ Khmer ở ấp học hỏi.

Bằng đại học của con tính bằng lúa, bằng ngô

Không chỉ thay đổi tư duy trong làm kinh tế, nhiều hộ Khmer còn quan tâm đầu tư chuyện học hành cho con cái để nuôi chí hướng vươn lên, có cơ hội đóng góp cho xã hội. Điển hình như ông Danh Đê, ngoài tích cực tham gia công tác xã hội với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội nông dân, Trưởng ấp và hiện nay là Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp 8, xã Vị Thủy, thì gia đình ông Danh Đê còn được công nhận danh hiệu “Gia đình hiếu học” cấp huyện nhiều năm liền. Điều đáng ghi nhận ở ông Đê là dù có đến 8 người con gái, nhà chỉ canh tác ruộng và làm dịch vụ tuốt lúa, nhưng cả 8 người con của ông đều được đến trường. Trong đó, 2 người con hiện đang học phổ thông trung học, 2 người tốt nghiệp đại học, còn lại học trung cấp, học nghề; những người ra trường đều có công ăn việc làm ổn định.

 Anh Danh Đến (bìa trái) thu hoạch ba ba.

Ông Đê chia sẻ: “Nhiều người bảo tôi, con gái lớn rồi cũng đi lấy chồng, cho nó học nhiều làm gì cho tốn kém. Nhưng tôi nghĩ, là con gái lại càng phải lo cho nó học hành đàng hoàng để tụi nó có nhận thức, có hiểu biết, sau này mới tự chủ trong cuộc sống, lo cho bản thân và gia đình sau này. Vợ chồng tôi không hề sợ vất vả, chỉ sợ tụi nhỏ bỏ học giữa chừng”. Nói thì đơn giản, nhưng để lo cho con ăn học, vợ chồng ông Đê đã phải làm quần quật từ sáng đến tối mịt không ngơi nghỉ. Thậm chí, có thời điểm, ông bà phải bán hết 5 công ruộng để lo chi phí học hành cho các con. Đến giờ, khi thấy các con đã trưởng thành và có cuộc sống ổn định, ông bà vui mừng không sao kể xiết.

Hộ ông Đê là vậy, còn hộ ông Danh Quận, ở ấp 10, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ cũng đầu tư cho con ăn học không thua kém gì. Với hơn 1 công đất ruộng và bằng mọi giá “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để kiếm tiền lo cho con ăn học, vợ chồng ông Quận đã lo cho cả 5 người con hoàn thành đại học. “Vợ chồng tôi làm đủ việc, từ trồng lúa, chăn nuôi heo, gà vịt, phụ hồ, giăng lưới, cắm câu, vay theo chế độ sinh viên. Con tôi đi học thì tối chạy bàn, làm gia sư, đứa lớn có tiền lại lo tiếp cho đứa nhỏ. Chú thấy bên hông nhà có trụ phát sóng di động không? Thay vì cho thuê hàng năm thì tôi bán đứt 12 năm lấy 75 triệu đồng để dành đó cho con” - ông Quận kể thêm.

Báo đáp công ơn của cha mẹ, các con của ông Quận lần lượt ăn học thành tài. Nếu bằng tốt nghiệp của con ông Danh Đê tính bằng lúa, bằng ngô, thì của con ông Quận tính bằng những sợi tóc bạc trên mái đầu mẹ cha. Người con thứ hai của ông Quận bây giờ là thạc sĩ đang dạy ở Trường Đại học Cần Thơ - anh Danh Khe Ma Ra, rất thấm thía công lao của mẹ cha nên luôn động viên các em cố vươn lên hơn nữa trong cuộc sống.

Những hộ đồng bào dân tộc Khmer với suy nghĩ tích cực, có ý chí vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng ở Hậu Giang trên đây đã trở thành những tấm gương sáng lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, góp phần xây dựng phum, sóc, quê hương ngày thêm đổi thay, phát triển.

Trí Thức - Thu Hiền

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản