Tin mới

Những kết quả nổi bật trên hành trình giảm nghèo bền vững ở Vĩnh Linh

(Mặt trận) -Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, thời gian qua, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị đã triển khai thực hiện hiệu quả chính sách giảm nghèo, các dự án thuộc chương trình, đặc biệt là dự án hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho hộ nghèo; hỗ trợ người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Từ đó, tác động trực tiếp đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội; tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm dần qua từng năm.

Gia Lai: Người có uy tín chung sức xây dựng quê hương

Nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng

Những kết quả nổi bật trên hành trình giảm nghèo bền vững ở Vĩnh Linh

Trao mô hình sinh kế cho người dân xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh -Ảnh: M.H

Thực hiện chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, năm 2021, Vĩnh Linh tổ chức tổng điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo, kết quả toàn huyện có 1.001 hộ nghèo, chiếm 3,69%; 1.118 hộ cận nghèo, chiếm 4,12%. Nhằm đạt mục tiêu giảm nghèo bao trùm, bền vững, bên cạnh những chính sách của trung ương, huyện đã ban hành kế hoạch giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 với nhiều giải pháp, đặt mục tiêu sử dụng hiệu quả các nguồn lực giảm nghèo bền vững ở giai đoạn mới.

Phấn đấu tỉ lệ hộ nghèo giảm bình quân 0,5 - 1%/năm, đến cuối năm 2025 tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện ở dưới mức 2%. Bên cạnh đó, nâng cao mức độ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân: 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được tư vấn, định hướng nghề nghiệp, hỗ trợ tìm việc làm; 100% người dân được hỗ trợ tham gia BHYT; 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% hộ có nhu cầu được tiếp cận sử dụng dịch vụ internet...

Để hoàn thành mục tiêu quan trọng này, giải pháp hàng đầu chính là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng và sự điều hành của chính quyền các cấp đối với công tác giảm nghèo bền vững. Hằng năm, đưa chỉ tiêu giảm nghèo vào kế hoạch phát triển KT-XH ở địa phương. Chú trọng gắn kết công tác giảm nghèo với xây dựng nông thôn mới.

Cùng với đó, tăng cường huy động mọi nguồn lực thực hiện công tác giảm nghèo; tập trung xây dựng, nhân rộng các mô hình nhằm tạo sinh kế cho người nghèo, đảm bảo 100% hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đều tiếp cận được nguồn vốn vay khi có nhu cầu vay vốn sản xuất, phát triển kinh tế gia đình...

Các đơn vị, địa phương cũng chủ động cụ thể hóa chương trình MTQG giảm nghèo thành chương trình, kế hoạch phù hợp với tình hình đơn vị, điều kiện KT-XH tại địa phương, lồng ghép và gắn với các chương trình phát triển bền vững KTXH của huyện. Các chính sách, dự án, tiểu dự án về giảm nghèo bền vững được huyện tập trung thực hiện góp phần quan trọng trong phát triển KT-XH của địa phương, làm thay đổi diện mạo nông thôn, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu sản xuất và dân sinh.

Giai đoạn 2021 - 2023, huyện Vĩnh Linh đã dành trên 20,6 tỉ đồng để thực hiện các dự án giảm nghèo bền vững trên địa bàn, gồm: đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; truyền thông và giảm nghèo về thông tin; nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá chương trình.

Đặc biệt đã hỗ trợ xây dựng, nhân rộng 5 mô hình/11 dự án phát triển sản xuất nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững cho 99 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn; huy động xã hội hóa các nguồn lực, xây mới và sửa chữa 233 nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo với tổng kinh phí trên 11,5 tỉ đồng... Nhờ vậy, đến cuối năm 2023, toàn huyện còn 540 hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều, chiếm tỉ lệ 1,91%, vượt chỉ tiêu đề ra.

Trong thời gian còn lại của giai đoạn, huyện Vĩnh Linh tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế theo thế mạnh của mỗi địa phương, ưu tiên phát triển các mô hình tại chỗ nhằm tạo việc làm cho người nghèo, hộ nghèo. Huy động nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, vận dụng các nguồn lực sẵn có, đẩy mạnh phát triển các công trình có sự hỗ trợ của người dân theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”. Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo và dạy nghề, làm tốt công tác hướng nghiệp, dạy nghề cho người lao động theo hướng chuyên môn hóa để phân luồng lao động, phát triển nguồn lực lao động chất lượng cao.

Bên cạnh đó, hoàn thiện cơ sở thiết chế văn hóa, thông tin để người dân, đặc biệt là người nghèo, cận nghèo dễ dàng tiếp cận các chính sách mới của Đảng và Nhà nước ban hành. Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân; nâng cao chất lượng nguồn lực và giải quyết việc làm, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, tổ chức, cá nhân trong việc tham gia thực hiện chương trình MTQG giảm nghèo, đặc biệt là sự tham gia của các doanh nghiệp vào quá trình xã hội hóa trong việc cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản trong công tác giảm nghèo. Tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng KT-XH; đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội bền vững...

Mặt khác, phát huy vai trò, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc triển khai thực hiện các phong trào, cuộc vận động, nhất là cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, “Tháng hành động vì người nghèo”... Kịp thời phát hiện, tôn vinh, khen thưởng, động viên những tổ chức, cá nhân có nhiều thành tích, đóng góp cho công tác giảm nghèo và những tấm gương sáng thoát nghèo điển hình, tiêu biểu trong cộng đồng.

Mỹ Hằng

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản