Tin mới

Những người kết nối bản làng

(Mặt trận) -Dọc theo dãy Trường Sơn hùng vĩ ở địa phận tỉnh Quảng Bình là hàng trăm bản làng đồng bào các dân tộc thiểu số. Dưới những tán rừng hay bên sườn núi, đời sống của người dân ở nơi vùng cao, vùng biên giới này đang từng bước đổi thay. Trong sự đổi thay đó, không thể không nhắc đến công sức của những già làng, trưởng bản...

Phú Yên: Đẩy mạnh hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất

Đức Cơ nỗ lực giúp người nghèo an cư

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

 Hỗ trợ xây dựng các công trình an sinh xã hội giúp đồng bào nghèo vùng dân tộc thiểu số vươn lên

Tỉnh Quảng Bình hiện có 104 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số và nhiều già làng, trưởng bản, cá nhân tiêu biểu. Phát huy bản tính cần cù, giàu kinh nghiệm trong cuộc sống, những người tiêu biểu, có uy tín luôn là những điển hình trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Họ luôn động viên con cháu, bà con trong bản làng tích cực lao động, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xóa bỏ những tập quán canh tác lạc hậu, tạo ra những mô hình, điển hình làm kinh tế mới.

Ở dưới dãy Giăng Màn, nơi vùng biên giới của xã Dân Hoá (huyện Minh Hoá, Quảng Bình), ông Hồ Thoong, người có uy tín ở bản Hà Vi chia sẻ, được bà con trong bản tín nhiệm bầu làm người có uy tín, ông luôn phối hợp với MTTQ xã, trưởng bản và các già làng của các bản khác thực hiện hiệu quả các phong trào, các cuộc vận động, nhất là cuộc vận động xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó tổ chức xây dựng hương ước, quy ước, kiện toàn ban hòa giải bản.

“Nhờ làm tốt các công việc này nên mọi khúc mắc, mâu thuẫn của người dân trong bản luôn được các già làng, trưởng bản, người có uy tín hòa giải ngay từ cơ sở. Trong mỗi vụ việc, mọi người chủ yếu lấy tình làng nghĩa xóm ra để mà khuyên răn nhau. Thế nên tình nghĩa của mọi người luôn được gắn kết. Các tệ nạn xã hội như mê tín dị đoan, trộm cắp, cờ bạc, rượu chè và các tệ nạn khác cũng rất ít xảy ra” - ông Thoong cho biết.

Với cương vị là trưởng bản Khe Ngang (xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh), ông Hồ Nam luôn luôn tuyên truyền, vận động bà con dân bản thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, từng bước đẩy lùi các hủ tục lạc hậu, thực hiện nếp sống văn hóa, xây dựng bản văn hóa.

Ngoài ra, người trưởng bản này còn biết làm giàu, nâng cao đời sống gia đình khi trồng rừng kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm. Hiện tại, nguồn thu hằng năm từ 1 ha cao su; 3,5 ha keo tràm hoa vàng; hàng chục con bò, con lợn và hàng trăm con gà đã giúp gia đình ôngcó của ăn của để, nuôi con cái học hành đến nơi đến chốn.

Ở sâu nơi dãy Trường Sơn, bà Hồ Thị Con (64 tuổi, dân tộc Bru Vân Kiều) ở bản Bến Đường, xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh) là người tích cực phối hợp với chính quyền địa phương và Đồn biên phòng Làng Mô để vận động bà con trong bản đẩy lùi các tập tục lạc hậu như tục “nối dây”, nạn tảo hôn...

Đặc biệt, với suy nghĩ “mình làm được thì hướng dẫn bà con dân bản cùng làm theo để thoát nghèo”, bà Hồ Thị Con đã kiên trì vận động bà con dân bản không phá rừng mà nhận đất trồng rừng, phát triển chăn nuôi để có cái ăn, cái mặc.

Học theo bà Con, đến nay nhiều hộ gia đình như Hồ Văn Trung, Hồ Văn Râng, Hồ Văn Xi (ở bản Nước Đắng), Hồ Thị Thư (ở bản Đá Chát); Hồ Văn Thuần (bản Thượng Sơn); Hồ Văn Dũng, Hồ Văn Phần, (bản Trung Sơn); Nguyễn Văn Lành, Nguyễn Văn Bền (ở bản Cổ Tràng)… phát triển chăn nuôi, kết hợp trồng rừng và nuôi ong lấy mật.

Ông Trương Văn Hởi, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Bình cho hay: Những già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thực sự là cầu nối quan trọng giữa Đảng, chính quyền và nhân dân, góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở ngày càng vững mạnh.

Đây là những hạt nhân tiêu biểu, phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu trong thực hiện và tuyên truyền, vận động bà con chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, có nhiều đóng góp tích cực trong thực hiện phong trào thi đua, hoạt động ở bản, làng.

"Thực tế đã chứng minh, đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Bình đã và đang phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu trên mọi lĩnh vực, góp phần cùng với cấp ủy, chính quyền bảo đảm ổn định tình hình an ninh trật tự, giảm nghèo ở địa phương. Tuy nhiên, để tiếp tục phát huy vai trò hạt nhân của người tiêu biểu, có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số, Trung ương và địa phương cần có những chính sách đãi ngộ đặc thù hơn nữa cho đội ngũ này” - ông Trương Văn Hởi chia sẻ.

XUÂN THI

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản