Tin mới

Ninh Phước (Ninh Thuận): Phát huy vai trò người có uy tín xây dựng nông thôn mới

(Mặt trận) -Toàn huyện Ninh Phước hiện có 11.157 hộ đồng bào Chăm với 51.000 nhân khẩu, sống tập trung tại 20 thôn, khu phố thuộc địa bàn 8 xã, thị trấn. Đồng bào dân tộc Raglai có 745 hộ với 3.034 nhân khẩu sinh sống tập trung ở hai thôn Tà Dương (Phước Thái) và Liên Sơn 2 (Phước Vinh).

Nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng

Những kết quả nổi bật trên hành trình giảm nghèo bền vững ở Vĩnh Linh

Phát huy vai trò người có uy tín ở xã Trung Sơn

Toàn huyện có 22 người có uy tín (NCUT) ở các khu dân cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có ảnh hưởng trong dòng tộc và cộng đồng thôn xóm. NCUT là chỗ dựa tin cậy của cấp ủy, chính quyền xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tích cực góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh khu dân cư. NCUT huyện Ninh Phước tích cực tham gia tuyên truyền, vận động thôn xóm, bà con tộc họ đoàn kết chung tay cùng chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới (NTM). NCUT các xã, thị trấn tham gia vận động thực hiện tốt các mô hình nông nghiệp công nghệ cao (CNC); bảo vệ môi trường nông thôn; phát triển làng nghề truyền thống; tộc họ khuyến học, khuyến tài; phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống...

 Ông Châu Văn Bính, người có uy tín thôn Thành Tín, xã Phước Hải vận động bà con thôn xóm trồng măng tây xanh cho thu nhập cao.

Đến xã An Hải vào những ngày trung tuần tháng 8/2023, chúng tôi ghi nhận cuộc sống, sản xuất của người dân địa phương diễn ra nhộn nhịp. An Hải vừa tổ chức đón nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2022 tạo tâm lý phấn khởi trong cán bộ, đảng viên, NCUT và nhân dân địa phương. Đồng chí Trần Khánh Thành, Phó Chủ tịch UBND xã An Hải cho biết Tuấn Tú là khu dân cư vùng đồng bào Chăm áp dụng hiệu quả mô hình sản xuất nông nghiệp CNC cây măng tây xanh với diện tích 65 ha cho thu nhập cao. Với vai trò NCUT trong cộng đồng, chị Kiều Thị Khuê vận động đồng bào Chăm đóng góp sức người, sức của chung tay cùng chính quyền địa phương xây dựng bộ mặt NTM khu dân cư Tuấn Tú ngày càng khởi sắc. Thôn Tuấn Tú huy động các nguồn vốn trên 18 tỷ đồng đầu tư xây dựng NTM, bao gồm vốn do cấp trên hỗ trợ 11,3 tỷ đồng; vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án 3,2 tỷ đồng; vốn vay tín dụng 2,6 tỷ đồng; vốn do nhân dân và doanh nghiệp đóng góp 1,3 tỷ đồng. Nguồn vốn huy động đầu tư xây dựng giao thông, thủy lợi, phát triển sản xuất nông nghiệp CNC. Đồng bào Chăm thôn Tuấn Tú bảo đảm cuộc sống gia đình no ấm; toàn thôn còn 6 hộ nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội.

Ông Châu Văn Bính, NCUT thôn Thành Tín, xã Phước Hải, cho biết: Toàn thôn có 1.085 hộ với trên 5.405 nhân khẩu đồng bào Chăm. Với trách nhiệm của NCUT cao tuổi am hiểu phong tục, tập quán làng xóm, ông tích cực vận động bà con mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ bắp, đậu sang cây măng tây xanh với diện tích khoảng 20 ha trên cánh đồng Pu Rế đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp 7-8 lần so với trồng lúa. Nhiều bà con trồng măng tây xanh theo tiêu chuẩn VietGAP tiêu thụ ổn định với giá 45.000-50.000 đồng/kg, bảo đảm cuộc sống gia đình no ấm. Tính đến nay, thôn Thành Tín chỉ còn 51 hộ nghèo, chiếm 5,6%. Ông tham gia vận động chị em phụ nữ thực hiện mô hình “Xách giỏ đi chợ”, hạn chế việc sử dụng bao nylon, góp phần bảo vệ môi trường khu dân cư xanh - sạch - đẹp.

Ông Lưu Văn Thính là NCUT tiêu biểu ở thôn Hoài Ni thuộc xã Phước Thái. Ông tuyên truyền, vận động bà con thôn xóm hiến đất mở đường và đóng góp kinh phí bê tông giao thông đường làng ngõ xóm khang trang đạt các tiêu chí khu dân cư NTM sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn. Đồng thời vận động bà con tộc họ Kút Mú Tom xây dựng nguồn quỹ tộc họ hiện có 620 triệu đồng sử dụng khen thưởng học sinh, sinh viên đạt thành tích tốt trong học tập. Đồng thời sử dụng nguồn quỹ tộc họ thăm hỏi các hộ thành viên già yếu, ốm đau, hoạn nạn, khó khăn. Ông Lưu Văn Thính được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen “NCUT tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ an ninh trật tự tại địa phương năm 2022”...

Với sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước đời sống kinh tế, văn hóa vùng đồng bào DTTS huyện Ninh Phước ngày càng phát triển. Đến nay, người dân có thu nhập bình quân đầu người đạt 64,45 triệu đồng, vượt 0,32 triệu đồng so với kế hoạch; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 3,48%. Số hộ nghèo ở các xã vùng đồng bào Chăm giảm thấp hơn 1-2% so với tỷ lệ hộ nghèo của huyện Ninh Phước. Đơn cử xã Phước Hậu có 4.559 hộ dân cư, hộ nghèo còn 89 hộ, chiếm 1,98%; Phước Thuận có 4.737 hộ dân cư, hộ nghèo còn 92 hộ, chiếm 1,94%; Phước Hữu 4.575 hộ dân cư, hộ nghèo còn 118 hộ, chiếm 2,58%; An Hải có 4.998 hộ dân cư, hộ nghèo hiện còn 113 hộ, chiếm 2,26%. Ninh Phước có 8/8 xã đạt chuẩn các tiêu chí NTM; trong đó có 2 xã có đồng bào Chăm sinh sống đạt tiêu chí xã NTM nâng cao là Phước Thuận và An Hải.

Đồng chí Ngô Khánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước cho biết: Nhờ phát huy tốt vai trò NCUT tích cực tham gia thực hiện hiệu quả các chương trình đầu tư phát triển nông nghiệp CNC, bà con nông dân có thu nhập bình quân đạt 196,5 triệu đồng/ha. Mục tiêu của huyện Ninh Phước phấn đấu đến cuối năm 2023 nâng thu nhập bình quân đầu người lên 71,43 triệu đồng; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 2,48%. Mô hình sáng - xanh - đẹp - an toàn thực hiện đồng bộ ở các khu dân cư được nhân dân đồng thuận thực hiện tạo nên diện mạo NTM ngày càng phát triển bền vững. Cấp ủy, chính quyền tiếp tục phát huy tốt vai trò NCUT tạo chỗ dựa vững chắc cho hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, chăm lo nâng cao chất lượng cuộc sống vùng đồng bào DTTS, chung tay xây dựng các xã đạt tiêu chí NTM nâng cao.

Sơn Ngọc

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản