Tin mới

Ninh Thuận chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) -Trong những năm qua, tỉnh Ninh Thuận luôn quan tâm thực hiện tốt các chính sách nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN). Trong đó, việc ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu, góp phần làm thay đổi diện mạo ở các địa bàn có người đồng bào sinh sống.

Phú Yên: Đẩy mạnh hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất

Đức Cơ nỗ lực giúp người nghèo an cư

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

Ông Bá Bình Yên, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận, cho biết: Toàn tỉnh  Ninh Thuận hiện có trên 144.000 người DTTS, chiếm 24,4% dân số toàn tỉnh. Chủ trương đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu vực đồng bào DTTS&MN được xem là nhiệm vụ chính trị quan trọng mà Đảng và Nhà nước đề ra trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào. Ngoài phát huy tối đa nội lực, tranh thủ sự hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành trung ương, các tổ chức phi Chính phủ, tỉnh còn làm tốt công tác huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp để đầu tư cải thiện kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục... Các chương trình, dự án được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng căn bản nhu cầu thiết yếu phục vụ sinh hoạt và sản xuất, nâng cao đời sống cho người dân.

Để giải quyết khó khăn trong việc đi lại cũng như kết nối quá trình giao thương với các vùng lân cận, lĩnh vực hạ tầng giao thông được tỉnh quan tâm đầu tư khá đồng bộ. Theo đó, ngoài việc đầu tư, nâng cấp các tuyến quốc lộ 27, 27B đi qua địa bàn các huyện miền núi Ninh Sơn, Bác Ái, từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã bố trí trên 790 tỷ đồng để xây dựng 207 công trình như: Tuyến đường Phước Sơn - Hòa Sơn, đường Phước Chiến - Phước Thành, An Hòa - Phước Trung, Ma Nới - Gia Hoa… Bên cạnh hạ tầng giao thông có quy mô lớn, mạng lưới giao thông nội thôn, nội đồng cũng được quan tâm đầu tư theo chuẩn nông thôn mới. Đối với hạ tầng thủy lợi, toàn tỉnh xây mới, nâng cấp, mở rộng 66 công trình hồ chứa nước, kè, đập, hệ thống kênh cấp 2, cấp 3, với tổng vốn đầu tư gần 1.700 tỷ đồng; qua đó, góp phần nâng cao năng lực phòng, chống hạn, mở rộng vùng tưới tăng thêm hơn 6.000 ha đất canh tác, trong đó vùng DTTS&MN là trên 2.200 ha, nhiều cánh đồng chủ động được nước tưới tiêu 2 vụ/năm; đồng thời, hiện nay tỉnh đang tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng hồ chứa nước Sông Than (Ninh Sơn), với dung tích 82,8 triệu m3, sau khi hoàn thành sẽ phục vụ tưới cho khoảng 4.500 ha đất sản xuất của toàn vùng.

 Kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, góp phần nâng cao sự hưởng thụ của người dân đồng bàodân tộc thiểu số ở huyện Ninh Phước.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất trường lớp cũng được đầu tư bài bản ở khu vực đồng bào DTTS&MN sinh sống, với 94 công trình được xây mới, sửa chữa mở rộng phòng học ở các cấp, có tổng vốn hơn 199,7 tỷ đồng. Mạng lưới trường dân tộc nội trú (DTNT) và phổ thông dân tộc bán trú được quan tâm nâng cấp; trong đó, có 4 trường DTNT cấp huyện, 1 trường DTNT cấp tỉnh và 15 trường hoạt động theo mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của con em vùng đồng bào. Ngoài ra, hạ tầng y tế cũng được quan tâm đúng mức, thông qua nhiều nguồn vốn, tỉnh đầu tư 19 công trình xây dựng nâng cấp, mở rộng, hỗ trợ trang thiết bị cho bệnh viện đa khoa huyện Thuận Nam, Ninh Sơn và 17 trạm y tế xã, với số vốn hơn 37,6 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Song song với việc ưu tiên đầu tư các công trình hạ tầng KT-XH thiết yếu trên, tỉnh còn dành phần lớn nguồn vốn xây dựng các công trình phục vụ dân sinh khác như: Hỗ trợ xây mới nhà ở cho đồng bào DTTS nghèo, vùng đặc biệt khó khăn; khai hoang, cải tạo và phục hóa trên 2.500 ha đất sản xuất; thực hiện các dự án di dân chống sạt lở tại địa điểm có nguy cơ cao; nâng cấp mở rộng công trình chợ nông thôn, hệ thống lưới điện, nước sinh hoạt. Đặc biệt hơn, với việc nhà nước chú trọng đầu tư các công trình văn hóa đã góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và văn hóa tín ngưỡng của đồng bào DTTS sinh sống trên địa bàn tỉnh.

Ghi nhận tại một số địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống, có thể cảm nhận rõ bước tiến mới về kết cấu hạ tầng, các chính sách đầu tư đã đem lại nhiều kết quả hết sức khích lệ, mức độ thụ hưởng các công trình phúc lợi xã hội được tăng lên. Ông Bá Bình Yên, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết thêm: Nhằm từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng, trong Đề án phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN đến năm 2025, định huớng đến năm 2030, tỉnh ưu tiên phát triển mạng lưới giao thông tạo kết nối giữa các vùng; đầu tư hoàn thiện mạng lưới thủy lợi phục vụ nhu cầu sản xuất và một số cơ sở hạ tầng về giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, xã hội. Đây được xem là đề án chiến lược, tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển bền vững ở khu vực đồng bào DTTS&MN của tỉnh trong những năm tới.

Hồng Lâm

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản