(Mặt trận) -Ngày 13/9, Đoàn giám sát của Ban thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Thuận (Đoàn 1) đã có buổi làm việc với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh về thực hiện một số dự án, tiểu dự án trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn đoạn I, năm 2021-2025 (gọi tắt là chương trình).
Dự án đầu tư hệ thống thiết bị sản xuất chương trình Phát thanh, Truyền hình Tiếng dân tộc – Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Ninh Thuận thuộc Dự án số 10, Tiểu dự án 1 của chương trình. Dự án được triển khai từ năm 2022-2025 với tổng mức đầu tư 113,57 tỷ đồng. Trong đó, vốn được bố trí trong 2 năm (2022-2023) là 72,23 tỷ. Thời gian qua, Đài đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện dự án theo đúng kế hoạch và tiến hành giải ngân nguồn vốn cấp đảm bảo đúng tiến độ, đạt 100% kế hoạch hàng năm. Tính đến nay, dự án đã hoàn tất bước thủ tục, triển khai lựa chọn nhà thầu cho các gói thầu đảm bảo theo quy định và kế hoạch được phê duyệt.
|
Đoàn giám sát Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Thuận làm việc với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh. |
Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát đã trao đổi, thảo luận làm rõ công tác tổ chức quán triệt, triển khai dự án của Đài. Đồng thời, đề nghị Đài tăng cường hơn nữa công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện tuyên truyền các chương trình mục tiêu quốc gia; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên nhằm nâng cao chất lượng thông tin, tuyên truyền; đẩy mạnh xây dựng các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đến với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
* Cùng ngày, Đoàn giám sát của Ban thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh (Đoàn 2) đã có buổi làm việc với UBND huyện Thuận Bắc.
|
Đoàn giám sát Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Thuận làm việc với huyện Thuận Bắc. |
Tại buổi làm việc, lãnh đạo UBND huyện Thuận Bắc đã báo cáo kết quả thực hiện 10 dự án, tiểu dự án trong thực hiện chương trình; những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các kiến nghị với cấp tỉnh. Theo đó, kết quả huy động, phân bổ, sử dụng nguồn vốn đầu tư và vốn sự nghiệp trong 2 năm (2022 và 2023) đã giải ngân hơn 37 tỷ đồng. Từ nguồn vốn chương trình đầu tư hạ tầng cơ sở, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân về nhà ở, sản xuất, chăm sóc sức khỏe, giáo dục... nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Bên cạnh kết quả đạt được, tiến độ triển khai thực hiện chương trình và giải ngân nguồn vốn của huyện còn chậm so với kế hoạch. Nguyên nhân do vướng mắc về một số cơ chế, chính sách; văn bản quy định, hướng dẫn triển khai thực hiện của các bộ, ngành chưa cụ thể nên khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện.
Qua buổi làm việc, Đoàn giám sát cũng đã trao đổi, làm rõ cơ chế phân bổ nguồn lực, tiến độ thực hiện các dự án, tiểu dự án trong chương trình; đồng thời đề nghị huyện sớm hoàn thiện báo cáo bổ sung nội dung đề xuất, kiến nghị cụ thể để đoàn tổng hợp gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét.
Lê Thi-Kim Thùy