(Mặt trận) -Bên cạnh những chính sách hỗ trợ đặc thù của Nhà nước, nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) trong những năm qua đã tạo động lực quan trọng giúp cho hàng ngàn hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận được tiếp cận vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, mở ra cơ hội thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
|
Người dân huyện miền núi Bác Ái phát triển kinh tế từ vốn vay ưu đãi. |
Toàn tỉnh Ninh Thuận hiện có 170.566 người là đồng bào DTTS, chiếm 23% dân số của tỉnh, tập trung ở 28 xã, 8 thôn thuộc địa bàn 7 huyện, thành phố. Ông Bá Bình Yên, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận, chia sẻ: Địa bàn cư trú của đồng bào DTTS tập trung chủ yếu ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, điều kiện đời sống còn nhiều khó khăn và có sự chênh lệch lớn so với vùng đồng bằng, thành thị, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn ở mức cao. Nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH trong thời gian qua phát huy được hiệu quả rõ rệt, giúp cho các hộ đồng bào DTTS có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, tăng thu nhập và giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu của cuộc sống. Đây được xem là chủ trương đúng đắn, mang tính nhân văn sâu sắc của Đảng, Nhà nước, tạo lập niềm tin vững chắc, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân.
Tà Dương là thôn thuộc diện khó khăn của xã Phước Thái (Ninh Phước), toàn thôn hiện có 151 hộ, chủ yếu là dân tộc Raglai sinh sống, kinh tế chủ yếu của bà con phụ thuộc vào sản xuất lúa và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Thông qua việc triển khai đầy đủ các chương trình tín dụng vốn vay ưu đãi đến các hộ dân trong thôn, đời sống của người dân đã có sự cải thiện đáng kể. Gia đình bà Bà Jaghê Thị Năm, từ một hộ khó khăn, nhờ được vay vốn và chí thú làm ăn nên đã thoát nghèo, cuộc sống khấm khá hơn trước. Bà Năm chia sẻ: Từ vốn vay 30 triệu đồng của NHCSXH cùng với vốn tích lũy, tôi cải tạo đất rẫy trồng cỏ và hàng trăm gốc chuối để chăn nuôi 8 con bò, 2 con heo đen. Nhờ đảm bảo nguồn thức ăn, tiêm phòng đầy đủ, đàn vật nuôi phát triển khỏe mạnh, sinh sản nhanh, đem lại nguồn thu nhập ổn định; giờ không chỉ trả hết số tiền vay cho ngân hàng mà gia đình còn có điều kiện sắm sửa các vật sinh hoạt hiện đại, nuôi con ăn học. Tính đến nay, trên địa bàn thôn Tà Dương có 116 hộ vay vốn tín dụng chính sách, với tổng dư nợ đạt hơn 6,3 tỷ đồng; giúp tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trong thôn giảm từ 3-4%/năm.
Với mục tiêu từng bước cải thiện và nâng cao điều kiện sống cho các hộ đồng bào, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Ninh Thuận phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, MTTQ và đoàn thể, địa phương thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của mình trong việc triển khai các nguồn vốn tín dụng chính sách đến 100% các xã vùng đồng bào DTTS&MN, cơ chế và chính sách cho vay, thủ tục, quy trình, hồ sơ được rút ngắn đảm bảo cho các hộ được tiếp cận nhanh chóng vốn vay. Cùng với đó, với việc đổi mới và đa dạng các hình thức tuyên truyền giúp cho người dân nắm bắt kịp thời các chủ trương tín dụng chính sách, tạo điều kiện cho các chương trình cho vay diễn ra thuận lợi. Thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về ban hành các chương trình tín dụng ưu đãi đặc thù đối với vùng đồng bào DTTS&MN như: Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg ngày 5/3/2007 về việc cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn; Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg ngày 4/12/2012 về chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ DTTS đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012-2015; Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS&MN giai đoạn 2017-2020 và Nghị định số 75/2015/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào DTTS giai đoạn 2015-2020, tính đến nay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng đang triển khai tại các vùng đồng bào DTTS&MN tại tỉnh đạt 1.445,12 tỷ đồng, với 36.298 hộ đang sử dụng vốn vay.
Bên cạnh việc chuyển tại kịp thời vốn đến người dân, các hệ thống ngân hàng còn phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp củng cố hoạt nhận ủy thác của các tổ chức chính trị - xã hội, mạng lưới tổ tiết kiệm và vay vốn ở những vùng có đồng bào DTTS sinh sống; định hướng sử dụng vốn đầu tư khai thác vào những tiềm năng, thế mạnh từng vùng, thúc đẩy kinh tế nông hộ phát triển, tạo việc làm, ổn định đời sống, đưa tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS&MN giảm bình quân từ 3-4%/năm (riêng huyện Bác Ái giảm 5,5%/năm).
Ông Lê Minh Lộc, Phó Giám đốc phụ trách NHCSXH tỉnh Ninh Thuận, cho biết: Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu đãi của Đảng, Chính phủ đối với đồng bào DTTS&MN, đơn vị đề ra những giải pháp trong công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương và phối hợp với các sở, ngành liên quan nhằm đẩy nhanh thực hiện chương trình cho vay theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030. Đồng thời, tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất vốn vay cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ đồng bào DTTS và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện đều được tiếp cận vốn vay và sử dụng các dịch vụ do NHCSXH cung cấp.
Hồng Lâm