Tin mới

Nông dân Khmer huyện Vĩnh Lợi thoát nghèo từ mảnh vườn

(Mặt trận) -Với sự cần cù, chịu khó, thời gian qua nhiều hộ Khmer nghèo trên địa bàn huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu đã không ngừng tích cực lao động, sản xuất, tăng thu nhập cho gia đình, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

“TRÁI NGỌT” TỪ SỰ MIỆT MÀI

Mới đây, chúng tôi có dịp theo đoàn cán bộ Phòng Dân tộc và Tôn giáo huyện Vĩnh Lợi đến thăm gia đình chị Lâm Thị Si Na ở ấp Cái Giá (xã Hưng Hội). Tiếp chúng tôi trong căn nhà kiên cố, rộng rãi với đầy đủ tiện nghi, nhìn vào điều kiện sống hiện tại, ít ai biết trước đây gia đình chị Si Na thuộc diện hộ nghèo của huyện.

Kể về quá trình vượt khó vươn lên, chị Si Na cho biết, khi mới lập gia đình ra ở riêng, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, vợ chồng chị và các con sống trong căn nhà tạm bợ cạnh bên bờ kênh. Với quyết tâm không đầu hàng trước số phận, vợ chồng chị thuê đất trồng lúa, trồng màu để có thu nhập. Chị trồng chủ yếu là rau muống, sau thời gian gieo hạt chăm sóc, mỗi đợt thu hoạch từ 50 - 100kg/ngày. Tùy theo thời điểm mà giá bán khác nhau, trung bình mỗi tháng chị thu nhập được vài triệu đồng. Số tiền này chị dùng để trang trải cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của gia đình. Ngoài thời gian phụ tiếp vợ chăm sóc vườn rau, chồng chị còn đi làm thuê, bón phân trên ruộng, mỗi ngày cũng kiếm thêm được khoảng vài trăm ngàn đồng. Nhờ vào sự cần cù, siêng năng, đồng lòng vượt khó của hai vợ chồng mà gia đình chị Si Na từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững, có điều kiện cho các con đến trường.

Chia sẻ thêm về căn nhà của mình, chị Si Na nói: “Có được căn nhà hiện tại, không chỉ là kết quả của quá trình lao động miệt mài, chịu khó của hai vợ chồng, mà còn có sự quan tâm giúp đỡ của mạnh thường quân, quý sư ở địa phương. Trước đây, xét thấy hoàn cảnh của gia đình tôi khó khăn, căn nhà xiêu vẹo mưa gió rất nguy hiểm, các con tôi thì còn nhỏ nên mạnh thường quân và các sư ở chùa hỗ trợ 80 triệu đồng cho vợ chồng tôi xây nhà. Từ tiền hỗ trợ, cộng với số tiền vợ chồng tôi tích góp sau nhiều năm chắt chiu nên căn nhà được hoàn thiện như hiện nay”.

Chị Lâm Thị Si Na (ấp Cái Giá, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi) thu hoạch rau muống bán cho thương lái. Ảnh: T.M 

SIÊNG NĂNG ĐỂ THOÁT NGHÈO

Trong hành trình vượt khó vươn lên thoát nghèo ở ấp Cái Giá (xã Hưng Hội) còn có gia đình bà Sơn Thị Chanh Thi. Vốn là hộ nghèo thu nhập bấp bênh, nhưng nhờ sự quan tâm, hỗ trợ tạo điều kiện của chính quyền địa phương, gia đình bà Chanh Thi hiện nay đã có cuộc sống tương đối khá.

Là hộ nghèo nên bà Chanh Thi được hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền 20 triệu đồng. Từ nguồn vốn được vay, bà đầu tư cải tạo đất xung quanh nhà để trồng rau màu. Nhờ siêng năng chăm sóc, sau mỗi vụ rau khoảng 20 ngày, gia đình bà có được từ 1 - 2 triệu đồng. Mỗi người một việc, bà Chanh Thi thì lo trồng trọt, còn chồng bà thì chăm chỉ, chịu khó đi cày thuê, làm nhân công của máy gặt đập liên hợp với thù lao mỗi ngày khoảng 250.000 đồng. Theo thời gian, 2 con của bà bước vào tuổi lao động và đi làm ở các công trình xây dựng. Gia đình 4 thành viên đều siêng năng, chịu khó làm việc, vì vậy mà kinh tế gia đình dần ổn định và thoát nghèo.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, ngoài sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự giúp đỡ của cộng đồng, thì hơn hết là ý chí, sự nỗ lực của từng hộ nghèo. Gia đình chị Lâm Thị Si Na và bà Sơn Thị Chanh Thi là những điển hình tiêu biểu cho tinh thần vượt khó vươn lên thoát nghèo. Qua đó, góp phần cùng địa phương thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số.

THANH MAI

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản