Tin mới

Nông thôn mới “thắp sáng” phum, sóc vùng đồng bào Khmer

(Mặt trận) -Những năm qua, tỉnh Kiên Giang đã huy động các nguồn lực, lồng ghép nhiều chương trình, dự án thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc. Nhờ vậy, diện mạo vùng đồng bào Khmer ngày càng khởi sắc, cuộc sống ngày càng ổn định.

Nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng

Những kết quả nổi bật trên hành trình giảm nghèo bền vững ở Vĩnh Linh

Phát huy vai trò người có uy tín ở xã Trung Sơn

 Các chương trình hỗ trợ sản xuất đã phát huy hiệu quả giúp đồng bào Khmer ở xã Sơn Bình, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang đầu tư phát triển cây tiêu cho thu nhập cao. Ảnh: Phương Nghi

Vùng đồng bào Khmer ngày càng khởi sắc

Về Định Hòa (huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang), xã có trên 65% đồng bào dân tộc Khmer, diện mạo nông thôn nơi đây thay da đổi thịt nhờ những chiếc cầu và đường bê tông liên ấp, liên xã phục vụ giao thông đi lại của người dân thuận tiện, nhanh chóng. Đèn điện bừng sáng phum, sóc khi đêm về với những công trình “Thắp sáng đường quê”.

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Định Hòa, ông Chương Hoàng Tha cho biết: “Định Hòa có nhiều ấp 100% là đồng bào dân tộc Khmer. Giờ đây, nông thôn Định Hòa khởi sắc, đời sống bà con cải thiện, nâng lên đáng kể. Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, cuộc sống nghèo khổ trước đây đã được đẩy lùi và hiện nay, bà con có cuộc sống vui tươi, ngày càng ấm no, hạnh phúc hơn”.

Là người có uy tín trong cộng đồng - ông Danh Coi, ở ấp Hòa Hớn, xã Định Hòa cho biết: “Qua hơn 11 năm xây dựng nông thôn mới, diện mạo vùng đồng bào dân tộc xã Định Hòa đổi thay rõ nét, nhất là về hạ tầng nông thôn. Nhiều tuyến đường bê tông đã được xây dựng nối liền các xóm ấp, ô tô đến tận nơi. Nhờ vậy, việc đi lại của người dân dễ dàng, hàng hóa cũng không còn chịu cảnh bị ép giá như trước. Đường sá thông thoáng, nhà xây thay nhà lá mọc lên khắp phum, sóc”.

Những năm qua, đời sống của đồng bào Khmer trên vùng biên giới huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang có nhiều khởi sắc. Nhờ sự giúp đỡ BĐBP nên nhiều hộ dân ở đây trở nên khá hơn. Để giúp đồng bào Khmer thoát nghèo, các đơn vị BĐBP hướng dẫn bà con thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp, tận dụng diện tích đất trống, cải tạo vườn tạp để thực hiện mô hình vườn - ao - chuồng, từ đó nâng cao thu nhập, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.

Điển hình như ông Lưu Văn Khol, ở ấp Trà Phọt, xã Phú Lợi (huyện Giang Thành) luôn phát huy tính gương mẫu, nói đi đôi với làm. Không chỉ tiên phong thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, ông Khol và gia đình còn tiên phong trong phong trào lao động sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt.

Ông Khol chia sẻ: “Tham gia xây dựng xã nông thôn mới, người dân ở đây hưởng ứng rất tích cực, thực hiện tốt các phần việc của hộ gia đình do xã phát động. Phú Lợi so với trước đây, kinh tế, văn hóa và xã hội phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên. Tôi và người dân ở đây tiếp tục nỗ lực lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình có hiệu quả để góp phần xây dựng Giang Thành đạt chuẩn nông thôn mới”.

Ông Danh Phúc, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang cho biết: Nhiều năm qua, với sự hỗ trợ đầu tư của Trung ương, cùng sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền địa phương, hàng loạt các công trình, dự án được triển khai thực hiện theo từng năm, từng mục tiêu để phục vụ dân sinh cho vùng đồng bào Khmer. Đến nay, 100% xã trong vùng đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn có đường giao thông nông thôn đến trung tâm xã, có trạm y tế; 101/116 xã (có 33 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc Khmer) và 5 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; số hộ sử dụng điện lưới quốc gia đạt 99%, hộ đồng bào Khmer sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 89,3%.

Phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ nay đến năm 2025, tỉnh Kiên Giang thực hiện 10 dự án phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số với tổng nguồn vốn khoảng 1.684 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương đầu tư hơn 785 tỷ đồng, ngân sách địa phương gần 98 đồng, vốn vay tín dụng chính sách là 782,7 tỷ đồng, vốn huy động hợp pháp khác là 18 tỷ đồng.

 Từ nguồn vốn vay ưu đãi, ông Lưu Văn Khol thực hiện mô hình nuôi bò sinh sản, góp phần phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: Phương Nghi

Ông Nguyễn Lưu Trung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết: Từ nguồn vốn nói trên, hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất cho 2.973 hộ, bố trí sắp xếp ổn định dân cư vùng biên giới cho hơn 650 hộ; chuyển đổi ngành nghề, giải quyết sinh kế cho 5.296 hộ, đào tạo nghề cho khoảng 22.589 người; tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho khoảng 10.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số... Kiên Giang phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng trên 2 lần so với hiện nay; hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 1,5-2%/năm, phấn đấu có ít nhất 60% số xã không còn đặc biệt khó khăn.

“Để đạt mục tiêu này, Kiên Giang tiếp tục thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tạo đột phá trong phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, tỉnh thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm nghèo nhanh, bền vững, cải thiện rõ rệt đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa các dân tộc, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng. Tiếp đó, chú trọng việc hỗ trợ vốn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, chuyển giao khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, tăng sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa. Các địa phương hướng bà con vào các hợp tác xã, sản xuất nông nghiệp theo mô hình cánh đồng lớn để thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, hiệu quả kinh tế kém, đồng thời chuyển giao những mô hình kinh tế hiệu quả, hướng dẫn người dân sản xuất...” - ông Trung nói.

Với việc thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc đã khẳng định sự quan tâm chăm lo của Đảng và Nhà nước đối với sự phát triển của đồng bào Khmer. Diện mạo ở các vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống đã đổi thay, bà con yên tâm lao động, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, xây dựng đời sống văn hóa, góp phần chung sức xây dựng phum, sóc phát triển ngày thêm khởi sắc.

“Diện mạo các phum, sóc đang thay đổi từng ngày, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer không ngừng cải thiện, hộ nghèo Khmer giảm nhanh. Đến cuối năm 2022, hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm còn 3.314 hộ (chiếm 4,73%)” - ông Danh Phúc chia sẻ.

Phương Nghi

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản