Tin mới

Phật giáo Nam Tông trong đời sống người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long

(Mặt trận) -Phật giáo Nam tông là tôn giáo có vị trí rất quan trọng đối với đời sống của người Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Nhiều năm qua, Phật giáo Nam tông góp phần giáo dục đạo đức, lễ nghĩa, tôn ti trật tự cho cộng đồng dân tộc Khmer, góp phần bảo tồn và phát huy truyền thống lịch sử văn hóa, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc cùng đồng hành với sự phát triển của đất nước.

Huyện Hòa An (Cao Bằng): Tích cực triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia

Ninh Thuận: Tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số

Lai Châu: Tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số

Truyền thống lịch sử văn hoá của đồng bào Khmer vùng ĐBSCL gắn liền với các ngôi chùa Phật giáo Nam tông 

Đồng bào Khmer vùng ĐBSCL có nền lịch sử văn hoá phong phú, đa dạng với nét nổi bật gắn liền với các ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer và các ngôi tháp trong phum sóc có lối kiến trúc độc đáo cùng mô típ trang trí đặc thù. Văn hoá tinh thần, tiếng nói và chữ viết của đồng bào Khmer được hình thành từ lâu đời, hoàn thiện dần trong quá trình phát triển và đến nay đã cơ bản hoàn chỉnh đủ khả năng sử dụng trên mọi phương diện.

Cùng với đó, nền văn học Khmer có nhiều thể loại như chuyện thần thoại, cổ tích, ngụ ngôn, truyện kể dân gian, truyện thơ, trường ca, văn xuôi, ca dao, tục ngữ, ngạn ngữ, thành ngữ, còn các lễ hội truyền thống của dân tộc Khmer gắn liền với sự tích của Phật giáo Nam tông như Chôl chnăm Thmây, Đôntal, Ok om bok,...và các loại hình nghệ thuật sân khấu Rô Băm, Dù Kê,…rất đặc sắc.

Chia sẻ với phóng viên, Thượng tọa -TS Lý Hùng, Phó Trưởng Ban Pháp chế Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó trưởng Ban trị sự- Trưởng ban Pháp chế Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP. Cần Thơ, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Nam tông Khmer cho biết: “Các loại hình nghệ thuật biểu diễn của đồng bào Khmer vùng ĐBSCL là sản phẩm văn hoá đặc sắc hình thành và phát triển trong quá trình lao động, sáng tạo, chinh phục thiên nhiên, đấu tranh chống giặc ngoại xâm đã góp phần rất lớn trong việc giáo dục đồng bào Khmer vùng ĐBSCL về lòng nhân ái, vị tha, tình yêu đôi lứa trong sáng, tình yêu quê hương đất nước nồng nàn…”.

Theo Thượng tọa - TS Lý Hùng, ngoài việc gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống lịch sử văn hóa của dân tộc, Phật giáo Nam tông Khmer còn tích cực giáo lý cộng đồng dân tộc Khmer về đạo đức, lễ nghĩa, tôn ti trật tự theo triết lý hướng thiện, từ bi, hỷ xả của đức Phật; đồng thời giáo dục kinh tế lành mạnh trong cộng đồng người Khmer. Chính từ việc giáo dục, giáo lý của Phật giáo Nam tông giúp người Khmer vùng ĐBSCL luôn có lối sống ngay thẳng, thật thà, tôn trọng đạo lý, không cạnh tranh, lừa dối, mọi người trong phum, sóc luôn biết nhường nhịn, tương trợ, giúp đỡ nhau, trao đổi kinh nghiệm với nhau,…qua đó phát triển nguồn lực con người góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững, xã hội ổn định và văn minh.

Bên cạnh đó, Phật giáo Nam tông không đơn thuần chỉ là một tôn giáo, thỏa mãn nhu cầu tâm linh của đồng bào Khmer, mà trong lịch sử, tôn giáo này còn có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của cộng đồng Khmer. Các tu sĩ Khmer là những trí thức Khmer, họ nắm toàn bộ tinh hoa tri thức đã tích lũy từ bao đời nay của dân tộc Khmer từ ngôn ngữ đến nghệ thuật, kinh nghiệm sản xuất... và trao truyền lại cho thanh niên Khmer tu học tại chùa, giúp họ nâng cao nhận thức, hiểu biết và vận dụng vào cuộc sống để phát triển kinh tế gia đình, xã hội sau khi hoàn tục; đồng thời tích cực tham gia các hoạt động phúc lợi xã hội như xây dựng trường học, bắc cầu, làm đường phục vụ lợi ích dân sinh.

Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer. Trên cơ sở đó, Phật giáo Nam tông Khmer nói chung, các tu sĩ Khmer nói riêng đã phối hợp cùng các cấp chính quyền lồng ghép tuyên truyền trong các buổi thuyết giảng kinh, luật, luận trên chùa, qua đó góp phần thực hiện hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế- xã hội trong đồng bào dân tộc Khmer vùng ĐBSCL.

Cũng theo Thượng tọa - TS Lý Hùng, bảo tồn và phát huy truyền thống những giá trị văn hóa là một giải pháp trực tiếp tác động đến việc phát huy những giá trị văn hóa Khmer gắn với Phật giáo Nam tông Khmer vùng ĐBSCL trong giai đoạn hiện nay; đồng thời bảo tồn các giá trị văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer để đáp ứng yêu cầu, mục tiêu phát triển của đời sống xã hội, góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.

Bên cạnh đó, giáo dục Phật giáo có thể định hướng phát triển cho một nền giáo dục nhân bản và toàn diện. Vì vậy, giáo dục Phật giáo nói chung, giáo dục Phật giáo Nam tông nói riêng thời kỳ hội nhập quốc tế là vấn đề cần được quan tâm để cải tiến kịp thời theo xu thế hội nhập trong thời gian tới. Để thực hiện tốt chính sách bình đẳng, đoàn kết, phát huy nguồn nhân lực, tương trợ nhau cùng phát triển trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, trong thời gian tới cần tiếp tục nghiên cứu thực hiện một số giải pháp nhằm phát huy vai trò của chức sắc, tu sĩ Phật giáo Nam tông Khmer để hỗ trợ việc tuyên truyền, triển khai thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để thúc đẩy sự phát triển bền vững trong cộng đồng Khmer vùng ĐBSCL.

Lê Hùng 

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản