Tin mới

Phật giáo Tiền Giang :Tiếp nối tinh thần hộ quốc an dân

(Mặt trận) -Đạo Phật là một trong những đạo từ bi. Quan điểm của người tu sĩ Phật giáo là xuất thế, xa rời những thị phi, dục vọng của cuộc đời, nhưng lại nhập thế “phục vụ chúng sinh”. Với sự điều hành của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Tiền Giang, thời gian qua, Phật giáo luôn đi tiên phong trong các phong trào, cuộc vận động lớn của địa phương.

Thanh Sơn tập trung thực hiện chính sách người dân tộc

Hiệu quả trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi tại xã biên giới Bạch Đích

Đời sống đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng ngày càng khởi sắc

CHỞ ĐẠO ĐẾN VỚI ĐỜI

Tại Tiền Giang có 419 cơ sở thờ tự Phật giáo, với gần 1.300 tăng, ni thuộc nhiều hệ phái khác nhau, đóng vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của đa số người dân. Tiếng mõ sớm chuông chiều nơi cửa thiền đã đi vào lòng của bao người.

 Đồng bào Phật giáo trong tỉnh Tiền Giang đóng góp trao tặng hàng trăm “Mái ấm Khuyến học” cho học sinh nghèo hiếu học trên địa bàn tỉnh thời gian qua.

Phật giáo Tiền Giang vốn sẵn tinh thần yêu nước và phụng sự đạo pháp đã được hun đúc bằng những tấm gương quý báu của các hòa thượng tiền bối hữu công như: Hòa thượng Thích Thiện Chiếu (Nguyễn Văn Tài), Hòa thượng Thích Pháp Hoa, Hòa thượng Thích Pháp Tràng...

Thực tiễn, dưới ánh sáng Nghị quyết Giáo hội Phật giáo Việt Nam khóa VIII đã đề ra chương trình hoạt động Phật sự phù hợp với xu thế của thời đại, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của các tăng, ni và phật tử. Đồng thời, khẳng định một chặng đường hơn 40 năm vươn lên trong sức sống mãnh liệt đưa đến sự trưởng thành và vững mạnh của Giáo hội.

Đó là những nhân tố, những động lực thúc đẩy Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Tiền Giang vững vàng trên đường hoằng dương chánh pháp, phục vụ nhân sinh, luôn kiên định lập trường “Phụng sự đạo pháp, phục vụ Tổ quốc và nhân sinh, tiếp nối sự nghiệp người đi trước, dẫn bước người đi sau”. Chính vì lẽ đó mà Ban Trị sự Phật giáo tỉnh đã thực hiện thành công các lĩnh vực: Tăng sự, giáo dục Phật giáo, Hoằng pháp, hướng dẫn phật tử làm công tác từ thiện - xã hội.

Phật giáo Tiền Giang luôn đồng hành cùng dân tộc, vững bước trên con đường xây dựng và bảo vệ đất nước, dốc lòng cùng Đảng và Nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu xóa khó giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, từng bước đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Phật giáo luôn hoạt động đúng theo Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo.

Nhìn chung, trong đồng bào Phật giáo, từ chức sắc đến phật tử đều thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; hưởng ứng tích cực các phong trào, chương trình hành động do địa phương phát động. Phong trào Xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa được giới tăng, ni hưởng ứng mạnh mẽ; và làm nòng cốt trong Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” trong đồng bào phật tử.

Đặc biệt, công tác từ thiện - xã hội của Phật giáo các cấp trong tỉnh rất sôi nổi. Hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân, xây dựng nhà tình thương, nhà tình nghĩa, tương trợ, cứu trợ… của Phật giáo đã đóng góp tích cực trong công tác xóa đói giảm nghèo, xóa khó giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Thượng tọa Thích Quảng Lộc, Phó Trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh khẳng định: “Các ngành, các cấp trong tỉnh luôn dành mọi sự ưu ái cho Phật giáo. Giới tăng, ni, phật tử vô cùng phấn khởi với công tác phật sự phát triển, tự viện được trùng tu khang trang…

Với vai trò cơ quan đại diện Phật giáo tỉnh nhà, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh đã và đang tiếp tục điều hành tăng, ni, phật tử tuân thủ Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thực hiện phương châm “Đạo pháp - Dân tộc và Chủ nghĩa xã hội”. Chúng tôi luôn quán triệt tư tưởng “Muốn tốt cho đạo thì trước tiên phải làm đẹp cho đời”. Sự hòa hợp giữa đạo và đời đã đem lại hiệu quả to lớn trong đời sống xã hội, đặc biệt là góp phần cùng Nhà nước chăm lo cho một bộ phận nhân dân gặp nhiều khó khăn”.

PHỤC VỤ CHÚNG SINH

“Phục vụ chúng sinh là cúng dường chư Phật”. Với phương châm hành động này, người theo đạo Phật luôn xem việc làm từ thiện, những việc làm lợi lạc quần sinh là nhiệm vụ cao cả. Có thể nói, hoạt động từ thiện - xã hội của Phật giáo tỉnh nhà trong những năm qua là một hoạt động lớn, đã tạo thành sợi dây gắn kết giữa đạo và đời.

Hạnh phúc khi thấy người khác hạnh phúc, xót lòng khi nhìn người bất hạnh. Đó là cái tâm từ bi của đạo Phật và cũng là truyền thống nhân ái của dân tộc Việt Nam. Các hoạt động từ thiện - xã hội của Phật giáo tỉnh nhà luôn hướng tới những người cơ nhỡ, khó khăn trong xã hội, vì thế đã thu hút được sự đồng thuận của những tấm lòng nhân ái trong cộng đồng.

Trong 5 năm (2017 - 2022), Phật giáo Tiền Giang đã đóng góp gần 350 tỷ đồng cho các hoạt động từ thiện - xã hội như: Phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, đỡ đầu gia đình chính sách khó khăn, xây dựng công trình phúc lợi công cộng, chăm sóc sức khỏe nhân dân, xây dựng nhà tình thương, tặng quà cho gia đình khó khăn, giúp đỡ và chăm sóc trẻ em nghèo trong tỉnh; đặc biệt là đồng bào Phật giáo đã đóng góp to lớn nhằm đồng hành cùng với tỉnh nhà vượt qua đại dịch Covid-19 thời gian qua…

Thực tế cho thấy, hoạt động từ thiện - xã hội của Phật giáo đã góp phần không nhỏ trong việc đảm bảo an sinh xã hội ở tỉnh Tiền Giang. Những đồng vốn nghĩa tình, những ngôi nhà ấm áp tình thương, những món quà cho học sinh và chương trình phẫu thuật mắt cho người mù… đã làm thay đổi cuộc sống của nhiều người.

Em Nguyễn Quốc Nam Anh, học sinh lớp 10A5, Trường THPT Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây là một trong số hàng ngàn học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đã được vòng tay của những người con Phật giúp đỡ. Nam Anh xúc động: “Cha mất sớm, một mình mẹ em phải lượm ve chai nuôi 3 anh em của em đi học nên vô cùng khó khăn. Em tưởng đã phải rời xa mái trường do gia đình không có điều kiện để cho em học tiếp. Nhờ các sư ở chùa trao tặng học bổng để em có điều kiện tiếp tục học những năm cuối bậc THPT hầu chạm đến ước mơ bước chân vào giảng đường đại học sau này. Cảm ơn các sư đã nâng bước em trên đường đi tìm tương lai tốt đẹp!...”.

Với phương châm “Sống tốt đời, đẹp đạo”, đồng bào Phật giáo tỉnh Tiền Giang đã hòa nhập cùng cộng đồng, tích cực tham gia các phong trào, cuộc vận động lớn ở khu dân cư. Chính sự hòa hợp giữa đạo và đời đã đem lại hiệu quả to lớn trong đời sống xã hội.

THỦY HÀ

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản