Tin mới

Phật giáo tỉnh Long An góp phần xây dựng nông thôn mới

(Mặt trận) -Với phương châm “sống tốt đời, đẹp đạo”, những năm qua, nhà tu hành, chức sắc, tín đồ Phật giáo tỉnh Long An luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, tham gia phát triển KT-XH, góp phần xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh.

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

Những năm trước đây, giao thông nông thôn tại xã Tân Bình, huyện Tân Thạnh còn gặp nhiều khó khăn. Đường giao thông chủ yếu là đường đất hoặc đá đỏ, còn cầu nông thôn chủ yếu là cầu cây, thậm chí có nơi không có cầu qua lại, người dân phải đi đò,... Mấy năm gần đây, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều tổ chức, cá nhân, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) huyện Tân Thạnh vận động các nhà hảo tâm, tăng, ni, phật tử xây dựng những căn nhà, cầu nông thôn, giúp người dân có chỗ ở ổn định, kết nối đôi bờ, tạo sự phấn khởi cho người dân địa phương. Trong đó, những ngày đầu tháng 5/2022, tại xã Tân Bình tổ chức khánh thành cầu Vạn Đức, thuộc ấp Hiệp Thành trong sự vui mừng của người dân. Cầu Vạn Đức bắc qua kênh 2000 Nam, có chiều dài 24m, rộng 3,5m, tải trọng 3 tấn, tổng kinh phí xây dựng 470 triệu đồng. Trong đó, Ban Trị sự GHPGVN huyện vận động bà Bùi Thùy Linh - phật tử chùa Vạn Đức (TP.HCM), hỗ trợ 100 triệu đồng, phần còn lại do ngân sách huyện, xã và người dân địa phương đóng góp. Công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng, không chỉ tạo điều kiện cho nhân dân trong xã đi lại thuận lợi, vận chuyển hàng hóa, phát triển KT-XH mà còn góp phần xây dựng xã Tân Bình đạt chuẩn NTM trong năm 2022.

 Cầu Bình Phước đưa vào sử dụng trong niềm vui của người dân xã Kiến Bình và Thạnh Phước

Cũng giữa những ngày tháng 5/2022, 2 cầu giao thông nông thôn là cầu Bình Phước, bắc qua kênh Bù Cạp, nối liền xã Kiến Bình (huyện Tân Thạnh) và xã Thạnh Phước (huyện Thạnh Hóa); cầu Tịnh xá Ngọc An bắc qua 2 bờ Đông - Tây, kênh Nhà Thờ, ấp Kênh Nhà Thờ, xã Tân Lập đưa vào sử dụng có đóng góp của chư tôn đức ni, phật tử tịnh xá Ngọc An (TP.Tân An) lên đến 450 triệu đồng.

Bà Lê Thị Xuyến (xã Tân Lập) chia sẻ: “Cầu được xây mới, chúng tôi rất vui. Giờ đây, người dân mỗi khi đi lại hay vận chuyển nông sản thuận lợi hơn rất nhiều. Mong rằng ngày càng có nhiều chương trình an sinh, xây dựng những cây cầu ý nghĩa, giúp cuộc sống chúng tôi tốt hơn và giúp Tân Lập tiến đến xây dựng xã NTM nâng cao”.

 Sư cô, phật tử tặng quà cho người khiếm thị

Hòa thượng Thích Minh Thiện - Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh, cho biết, với mục tiêu gắn đạo với đời, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, của MTTQ, GHPGVN, tăng, ni, phật tử trong tỉnh luôn đồng hành cùng dân tộc để thúc đẩy và hoàn thành các mục tiêu trong nội dung của chương trình xây dựng NTM. Và xây dựng NTM giờ đây đã thật sự gắn liền với mọi công tác phật sự từ thiện - xã hội của Phật giáo, trong đó nổi bật là xây dựng những cây cầu giao thông nông thôn, xây dựng nhà tình thương, hỗ trợ quà cho người nghèo,...

Hưởng ứng chương trình hoạt động từ thiện của Ban Từ thiện xã hội Trung ương GHPGVN; ban, ngành, đoàn thể các cấp; Ban Từ thiện xã hội GHPGVN tỉnh đã kêu gọi, vận động chư tôn đức tăng, ni, quý phật tử, mạnh thường quân tham gia các hoạt động tiêu biểu. Giai đoạn 2017-2022, GHPGVN tỉnh vận động xây dựng 181 cầu giao thông nông thôn; trao tặng 124 căn nhà tình thương, tình nghĩa, nhà Đại đoàn kết, nhà tình nghĩa quân - dân; 1 xe cứu thương (trị giá 1 tỉ đồng); tặng giếng nước, máy lọc nước cùng nhiều chương trình an sinh xã hội lên đến hàng trăm tỉ đồng. Riêng Lễ Phật đản năm 2022, Hòa thượng Thích Minh Thiện kêu gọi xây dựng 10 cây cầu giao thông nông thôn (trung bình mỗi cầu từ 200-300 triệu đồng, có cầu lên đến 500 triệu đồng); 5 căn nhà tình thương và hỗ trợ nhiều phần quà cho đồng bào nghèo,...

SN-TL

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản