Tin mới

Phát huy vai trò của người có uy tín, nhân sĩ, trí thức, doanh nhân người dân tộc thiểu số

(Mặt trận) -Những năm qua, đội ngũ người có uy tín, nhân sĩ, trí thức và doanh nhân là người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã và đang có nhiều đóng góp, ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Ủy ban MTTQ tỉnh Hải Dương gặp mặt các chức sắc tôn giáo

Người uy tín - “nhịp cầu” gắn kết cộng đồng ở Tánh Linh

Đổi thay ở vùng miền núi Quảng Ngãi

 Chị Lý Thị Quyên (bên trái) đang thực hiện đóng gói sản phẩm của HTX

Bằng uy tín, sự am hiểu văn hóa, phong tục tập quán địa phương, người có uy tín luôn đi đầu trong các phong trào thi đua lao động sản xuất, giảm nghèo. Đồng thời, không ngừng tuyên truyền đến Nhân dân ở địa bàn tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao và được thị trường ưa chuộng nhằm góp phần vào mục tiêu chung của tỉnh trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Ông Thào Minh Khyào, dân tộc Mông là người có uy tín thôn Nặm Khiếu, xã Nhạn Môn (Pác Nặm). Phát huy vai trò của mình, ông đã tích cực vận động các hộ dân trong thôn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nuôi trâu, bò vỗ béo… để nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo. Cùng với đó, ông đã tuyên truyền, vận động bà con tích cực tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, thành lập và duy trì hiệu quả mô hình “An ninh tự quản dòng họ” tại thôn. Phối hợp tuyên truyền, vận động người dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, qua đó góp phần bảo đảm an ninh trật tự và được Công an huyện đánh giá cao. Đặc biệt, bản thân ông luôn tuyên truyền để người dân nâng cao cảnh giác với mọi âm mưu lợi dụng dân tộc, tôn giáo. Trong thời gian bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, ông đã phối hợp tuyên truyền, vận động để người dân trong thôn hiểu được mục đích, ý nghĩa của việc tham gia bầu cử. Vì thế, trong ngày bầu cử, 100% cử tri của thôn đã tham gia đầy đủ.

Trong thực tế cuộc sống, có rất nhiều tấm gương nhân sĩ, trí thức tiêu biểu trên các lĩnh vực. Cụ thể như trong lĩnh vực giáo dục, thầy giáo Mã Văn Huân, dân tộc Tày, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghiên Loan I (Pác Nặm) đã có nhiều thành tích nổi bật, tận tâm với nghề, có nhiều cống hiến đối với công tác giáo dục tại địa phương. Từ khi thầy giáo Mã Văn Huân được giao giữ vai trò là cán bộ quản lý đến nay, Trường Tiểu học Nghiên Loan I luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; nhiều cá nhân đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, tập thể nhà trường đạt “Tập thể lao động xuất sắc”, được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen.

Hay như trong lĩnh vực y tế, ông Lộc Văn Huân, dân tộc Tày, Trưởng khoa Ngoại - Gây mê hồi sức và Kiểm soát nhiễm khuẩn (Trung tâm Y tế huyện Pác Nặm) đã áp dụng những kỹ thuật mới vào thực tế, đặc biệt trong điều trị Ngoại khoa như mổ ruột thừa, mổ thủng dạ dày, mổ lấy thai lần hai... Những kỹ thuật này trước kia chưa thực hiện được tại đơn vị, từ đó góp phần giảm số lượng bệnh nhân chuyển tuyến, từng bước nâng cao chất lượng khám và điều trị bệnh cho người dân.

Ngoài ra, có không ít tấm gương đồng bào dân tộc thiểu số là những nghệ nhân có những đóng góp, cống hiến trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Nổi bật như ông Hoàng Văn Phúc, dân tộc Tày, xã Bộc Bố (Pác Nặm), ông là người thực hành thành thạo, nắm giữ tri thức về tập quán xã hội và tín ngưỡng của người Tày. Sưu tầm, dịch sách viết bằng chữ Nôm Tày. Năm 2019, ông được Chủ tịch nước tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân ưu tú”, có đóng góp tích cực trong việc để được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa “Chữ Nôm của người Tày” vào “Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”.

Nhiều doanh nhân là người dân tộc thiểu số cũng khẳng định vai trò tích cực trong phát triển ngành nghề, tích cực đóng góp vào ngân sách, giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Trong số này có thể kể đến chị Lý Thị Quyên, dân tộc Dao hiện là Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thiên An ở xã Vi Hương (Bạch Thông). Hiện HTX có 15 thành viên, trong đó 100% là dân tộc Dao ở địa phương. Những năm đầu HTX Thiên An tập trung vào phát triển sản phẩm, gồm: Chuối sấy, mật ong rừng, măng khô, khoai tây sấy… Các sản phẩm này đều được dán tem, mã vạch, có nguồn gốc xuất xứ và chứng nhận về VSATTP nên nhanh chóng được thị trường đón nhận. Không chỉ dừng lại đó, năm 2020, nhận thấy có nhiều sản phẩm nông sản của bà con dân tộc Dao làm ra rất độc đáo, HTX Thiên An đã nghiên cứu tìm phương án tiêu thụ và mạnh dạn đầu tư thiết bị để sản xuất, mở rộng quy mô kinh doanh đối với nhiều sản phẩm từ các cây thuốc quý của đồng bào Dao ở địa phương, trong đó nổi bật là gối dược liệu... Đến nay HTX Thiên An đã có 06 sản phẩm được UBND tỉnh chứng nhận đạt OCOP 3 sao. Hoạt động của HTX góp phần giải quyết việc làm cho hơn 15 lao động, bao tiêu sản phẩm cho 30 hộ tham gia liên kết, góp phần giải quyết việc làm thường xuyên, tăng thu nhập từ hoạt động liên kết sản xuất.

Trên đây chỉ là những tấm gương tiêu biểu trong hàng trăm tấm gương nhân sĩ, trí thức, người có uy tín và doanh nhân là người dân tộc thiểu số đang bền bỉ nỗ lực cống hiến vì sự phát triển của quê hương Bắc Kạn.

Để đội ngũ người có uy tín, nhân sĩ, trí thức và doanh nhân là người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh tiếp tục có nhiều đóng góp thiết thực về mọi mặt, theo Ban Dân tộc tỉnh, cần tập trung triển khai thực hiện tốt Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, trong đó triển khai thực hiện tốt chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 06/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, sự phối hợp của cấp ủy, chính quyền và đoàn thể trong việc thực hiện chính sách, phát huy vai trò của người có uy tín; định hướng nhiệm vụ, nội dung hoạt động đối với người có uy tín. Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở và nguyên tắc bầu chọn người có uy tín theo quy định.

Cùng với đó, thường xuyên tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về công tác vận động quần chúng; cung cấp thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tình hình, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh của địa phương. Tạo điều kiện thuận lợi để người uy tín tham gia đóng góp ý kiến xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát huy vai trò trên các lĩnh vực đời sống xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn…/.

H.V

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản