(Mặt trận) -Xã Thạch Lập, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa hiện có 12 người có uy tín (NCUT) trong đồng bào dân tộc thiểu số. Bằng tiếng nói của mình, những NCUT của xã đã và đang phát huy vai trò quan trọng trong vận động bà con phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới (XDNTM), góp phần tích cực vào sự phát triển đi lên của quê hương.
|
Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đã có những đóng góp quan trọng trong xây dựng nông thôn mới ở thôn Lương Ngô, xã Thạch Lập. |
Những ngày giữa tháng 6, về các thôn, làng của xã Thạch Lập đâu đâu cũng bắt gặp không khí hối hả thu hoạch lúa đông xuân của người dân địa phương. Thôn Tân Thành nằm ven sườn một ngọn núi với 102 hộ dân sinh sống, trong đó đồng bào Dao chiếm tới 99%. Dưới thời tiết oi bức, nắng nóng của buổi trưa hè, tranh thủ lúc người dân ở nhà nghỉ ngơi, Trưởng thôn Bàn Sinh Đoàn và NCUT Triệu Đăng Khoa đi đến từng hộ gia đình để nắm bắt tình hình, tiến độ thu hoạch lúa đông xuân, cũng như tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Khoe với chúng tôi, ông Bàn Sinh Đoàn vui mừng cho biết: “Cùng với nguồn hỗ trợ của Nhà nước, các công trình nhà văn hóa, đường giao thông nội thôn đều từ sức dân đấy!. Thành quả đó có sự đóng góp không nhỏ của các già làng, NCUT của thôn. Năm 2013, thôn bắt đầu triển khai XDNTM, với vai trò là NCUT trong đồng bào Dao ở Tân Thành, ông Triệu Đăng Khoa luôn tận tụy, hết lòng với công việc chung của cộng đồng”.
Trước năm 2017, hơn 1,3 km đường nội thôn Tân Thành chủ yếu là đường đất, đi lại khó khăn. Sau nhiều cuộc họp bàn bạc, các hộ dân trong thôn đã thống nhất, quyết định lựa chọn kiên cố toàn bộ 1,3 km đường giao thông, nhằm tạo điều kiện cho Nhân dân đi lại, sản xuất thuận lợi. Ngoài nguồn xi măng của Nhà nước hỗ trợ, ông Khoa đã cùng với chi bộ, ban công tác mặt trận thôn không quản ngại nắng, mưa “đến từng ngõ, gõ từng nhà” vận động mỗi hộ dân đóng góp 1 triệu đồng để làm đường giao thông. Uy tín, tiếng nói của ông Khoa đã tạo nên sự đồng thuận của Nhân dân và chỉ hơn 1 năm sau, 1,3 km đường giao thông của thôn đã được đổ bê tông. Với phương châm, phát huy nội lực trong Nhân dân, năm 2020, chi bộ thôn tiếp tục có chủ trương xây dựng nhà văn hóa thôn. Bằng uy tín của mình, ông Khoa lại là người tiên phong đi vận động các hộ dân trong thôn Tân Thành đóng góp được 400 triệu đồng để xây dựng nhà văn hóa. Bằng cách làm phù hợp và phát huy được vai trò của NCUT, thôn Tân Thành đã khơi dậy được sức dân trong XDNTM. Đến nay, Tân Thành đã “về đích” thôn NTM, với đường bê tông kiên cố, sạch đẹp, nhà văn hóa khang trang. Cùng với đó, Nhà nước cũng hỗ trợ cây, con giống giúp cho nhiều hộ đồng bào Dao ở Tân Thành phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Nhờ vậy, tính đến cuối năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của thôn được nâng lên 38 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 4,9%. Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, đồng bào Dao thôn Tân Thành đang quyết tâm, nỗ lực thi đua lao động, sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no hơn, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ mà nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.
Thôn Lương Ngô có 138 hộ dân, với 639 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Mường. Trong vai trò trưởng thôn và NCUT trong đồng bào dân tộc Mường ở Lương Ngô, ông Phạm Văn Khánh không chỉ gương mẫu, đi đầu trong các phong trào thi đua ở địa phương, mà còn là “cầu nối” đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào Mường trong thôn. Để thôn Lương Ngô có diện mạo NTM như hôm nay, ông Khánh thường xuyên trực tiếp đến từng nhà tuyên truyền, vận động bà con hiến đất, đóng góp tiền để làm đường giao thông, sửa chữa nhà văn hóa. Lời nói của ông vừa có lý, vừa có tình nên đồng bào dân tộc Mường trong thôn tin tưởng và làm theo. Không dừng lại ở đó, trong các cuộc họp thôn, ông Khánh còn vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, khai thác tiềm năng, thế mạnh về đất đai, đồi rừng của địa phương để đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống. Nhờ vậy, tính đến cuối năm 2020, thôn Lương Ngô chỉ còn 6 hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người đạt 36 triệu đồng/năm.
Năm 2021 này, xã Thạch Lập đặt ra mục tiêu nâng mức thu nhập bình quân đầu người toàn xã lên 42 triệu đồng. Trên cơ sở đó, xã đề ra các giải pháp về đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả và giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác; xây dựng các mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao, từng bước giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 2,3%. Cùng với đó, xã phấn đấu đến cuối tháng 11-2021 hoàn thành 2 tiêu chí còn lại trong XDNTM, đó là tiêu chí về trường học và môi trường, an toàn thực phẩm; cứng hóa 4 km đường giao thông các loại. Đồng thời, chỉ đạo các thôn Hoa Sơn, Đô Quăn, Đô Sơn hoàn thành các tiêu chí thôn NTM. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, cấp ủy đảng, chính quyền xã Thạch Lập chắc chắn cần tiếng nói của những NCUT để việc vận động người dân tích cực tham gia các phong trào thi đua, nhất là đẩy mạnh sản xuất, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, phát triển kinh tế hộ gia đình, cũng như tích cực tham gia XDNTM.
Trần Thanh