Tin mới

Phát huy vai trò già làng, trưởng bản, người có uy tín trong bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia

(Mặt trận) -Những năm qua, lực lượng bộ đội biên phòng (BĐBP) Thanh Hóa luôn đoàn kết thống nhất khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Đạt được kết quả trên, có một phần đóng góp không nhỏ của những già làng, trưởng bản, người có uy tín trên 2 tuyến biên giới của tỉnh.

Huyện Như Xuân (Thanh Hóa): Chăm lo tạo sinh kế cho người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số

Nho Quan (Ninh Bình): Thực hiện hiệu quả Dự án 1 cho đồng bào dân tộc thiểu số

Thạch Thành phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

 Anh Phan Văn Cấu, bản Suối Tút, xã Quang Chiểu (Mường Lát) cùng người cháu dọn vệ sinh, phát quang bảo vệ cột mốc 286.

Với phương châm hướng về cơ sở, gần dân, trọng dân, hiểu dân, có trách nhiệm với Nhân dân, thời gian qua lực lượng BĐBP trên các tuyến biên giới đã luôn “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm cho dân tin”, “Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc”. Qua đó, đã tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên; nâng cao tinh thần cảnh giác và ý thức của quần chúng Nhân dân đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đến nay, toàn bộ hệ thống đường biên, cột mốc và trên các vùng biển, đảo của tỉnh đều được Nhân dân đăng ký cam kết tự nguyện tham gia bảo vệ với nhiều mô hình như: dòng họ, gia đình tự quản an ninh trật tự; tổ tàu thuyền an toàn; tổ tự quản an ninh trật tự; tổ nuôi trồng thủy sản an toàn, bến, bãi an toàn; các tập thể, hộ gia đình, cá nhân tự nguyện đăng ký tham gia. Cụ thể đã vận động được 1 tập thể, 19 hộ gia đình, 90 cá nhân tự nguyện đăng ký tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc; 141 tổ/523 tổ viên tự quản an ninh trật tự thôn, bản...

Những lần đi kiểm tra cột mốc, chị Phan Thị Náy - vợ anh Phan Văn Cấu, người dân tộc Dao ở bản Suối Tút, xã Quang Chiểu (Mường Lát) luôn chuẩn bị cho chồng và người cháu cơm nắm, nước uống và những vật dụng quen thuộc, bởi một chuyến đi rừng có thể mất nhiều giờ. Thế rồi chuyến đi của 2 bác cháu phải qua nhiều cánh rừng, vượt dốc cao lên đỉnh núi Kéo Táp, cao gần 2.000m so với mặt nước biển để thực hiện nhiệm vụ trông coi, bảo vệ cột mốc 286.

Anh Phan Văn Cấu chia sẻ: Cột mốc 286 là cột mốc mà cha tôi - già làng Phan Văn Xiết tình nguyện bảo vệ trong suốt hơn 30 năm qua. Trước khi qua đời năm 2019, cha tôi đã trao lại nhiệm vụ thiêng liêng này cho con, cháu trong dòng họ để tiếp tục đảm nhận trông coi. Với tôi, được tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc không chỉ là trách nhiệm, mà là tâm nguyện của cha và là truyền thống của gia đình từ đời ông nội, mặt khác đó còn là niềm tự hào, hạnh phúc. Do vậy, tôi thường xuyên đưa các cháu trong gia đình đi cùng để các cháu nhận thức trách nhiệm cao cả sau này.

Mặc dù tuổi đời còn rất trẻ, anh Giàng A Chìa, người dân tộc Mông ở bản Ón, xã Tam Chung (Mường Lát) đã có thời gian hơn 20 năm tự nguyện đăng ký tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc. Dù thời tiết nắng nóng hay mưa rét, cứ mỗi tháng một lần, những dấu chân của anh đã quá đỗi thân quen, in đậm trên cung đường hơn 10km đường rừng lên để kiểm tra, bảo vệ đường biên, cột mốc. Anh vẫn cần mẫn phát quang những cây cỏ xung quanh cột mốc, kiểm tra tỉ mỉ, kịp thời phát hiện các dấu hiệu đường biên, cột mốc là báo cáo ngay cho BĐBP xử lý. Để việc bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh trật tự, đường biên, cột mốc có nhiều người tham gia, anh Giàng A Chìa đã đến từng hộ gia đình trong bản để tuyên truyền, nói cho từng người dân được biết ý nghĩa, mục đích, tầm quan trọng của việc bảo vệ đường biên, cột mốc, kiên quyết đấu tranh với mọi hoạt động xâm phạm chủ quyền biên giới, vượt biên trái phép, đốt nương, làm rẫy. Đồng thời chung tay cùng BĐBP bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.

Đứng chân trên địa bàn xa xôi và khó khăn nhất của tỉnh Thanh Hóa, Đồn Biên phòng Quang Chiểu có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 46,7km đường biên giới, 22 mốc quốc giới. Anh Lâu Văn Lâu, người dân tộc Mông ở bản Pù Đứa, xã Quang Chiểu (Mường Lát) gần 5 năm nay, cứ mỗi tháng 2 lần anh lại băng rừng, lội suối để thực hiện nhiệm vụ trông coi, bảo vệ cột mốc 304.

30 năm âm thầm tuần tra biên giới, bảo vệ đường biên, cột mốc và giúp bà con phát triển kinh tế, già làng Hà Văn Chốn đã nhận được hàng chục tấm bằng khen của các cấp, các ngành trao tặng. Với ông, phần thưởng lớn hơn chính là sự quan tâm ủng hộ của Nhân dân trong bản và sự tin tưởng của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Mìn... Từng là bộ đội rồi khi xuất ngũ về địa phương, già làng Hà Văn Chốn vẫn mang trong mình phẩm chất của người lính, ý thức bảo vệ biên giới vẫn thôi thúc ông không ngừng nghỉ. Ở bản Yên, ông đã tuyên truyền cho con cháu, dòng họ và bà con Nhân dân chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước các hiệp định, hiệp nghị quy chế biên giới. Hơn thế nữa, ông còn lập ra đội tự quản bảo vệ đường biên, cột mốc.

Để thực hiện tốt phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, đội ngũ chuyên trách vận động quần chúng của các đồn biên phòng luôn sâu sát, gần gũi với Nhân dân, thực hiện phương châm “4 bám” (bám nghị quyết, chủ trương của Đảng; bám nhiệm vụ chính trị của đơn vị, địa phương; bám địa bàn; bám dân để tuyên truyền, vận động); đồng thời, làm nòng cốt trong việc tham mưu cho địa phương thành lập các tổ an ninh tự quản. Vì thế đã tạo được sự đồng thuận cao của quần chúng Nhân dân, huy động được sức mạnh của Nhân dân tham gia xây dựng nền biên phòng toàn dân, an ninh Nhân dân vững mạnh.

Có thể nói, diện mạo trên biên giới Thanh Hóa hôm nay đã và đang khởi sắc từng ngày. Đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội của đồng bào các dân tộc không ngừng được nâng lên, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững. Thành quả đó luôn có sự đóng góp không nhỏ của đồng bào các dân tộc trên biên giới, đặc biệt là già làng, trưởng bản, người có uy tín trên khắp các thôn, bản biên giới xứ Thanh.

Hoàng Lan

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản