(Mặt trận) -Thời gian qua, MTTQ các cấp tỉnh Hà Giang đã không ngừng đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, tăng cường vận động, đoàn kết đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào các tôn giáo trên địa bàn tỉnh.
|
Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân xã Tiên Nguyên (huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang). |
Theo bà Dương Ánh Phượng - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Giang, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số có vị trí, vai trò hết sức quan trọng, là lực lượng nòng cốt, là cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân. Để phát huy vai trò của người có uy tín, MTTQ tỉnh đã thường xuyên quan tâm đến việc củng cố, kiện toàn và định hướng nhiệm vụ, nội dung tuyên truyền, vận động và cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đang thực hiện, mới ban hành.
Việc phát huy vai trò của đội ngũ người có uy tín trong các dân tộc, tôn giáo trên địa bàn đã được phát huy hiệu quả trong công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, công tác quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội tại cơ sở, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong thời gian qua, đồng hành cùng các tôn giáo trên địa bàn tỉnh, MTTQ các cấp tỉnh Hà Giang đã tích cực phối hợp vận động đồng bào các tôn giáo tham gia các phong trào thi đua yêu nước, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các hoạt động vì người nghèo; đồng thời tuyên truyền, vận động các tổ chức tôn giáo và các tín đồ, phật tử tham gia hoạt động nhân đạo, từ thiện, đền ơn đáp nghĩa, giúp đỡ những gia đình nghèo, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người già neo đơn, trẻ em khuyết tật, mồ côi,… từ đó, tạo sự sẻ chia, gắn kết trong cộng đồng.
Bà Phượng cho biết, thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2022- 2025, định hướng đến năm 2030, MTTQ các cấp tỉnh đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền thường xuyên, liên tục, linh hoạt, sinh động, dễ hiểu, phù hợp với từng dân tộc, từng đối tượng nhằm vừa giúp đồng bào hiểu rõ những tác hại của các hủ tục lạc hậu, vừa hướng bà con nhân dân tham gia những hoạt động sinh hoạt văn hóa lành mạnh.
Tiêu biểu như tục thách cưới cao đã giảm tại một số dòng họ dân tộc Mông ở xã Tả Ván, Nghĩa Thuận, Thái An; dân tộc Dao ở xã Tùng Vài, Lùng Tám, Quyết Tiến; dân tộc Tày ở thị trấn Tam Sơn, xã Quản Bạ; tục ép hôn, gả bán hầu như không còn ở đa số các dân tộc (như dân tộc Tày, Dao, Nùng…); đặc biệt dân tộc Mông cơ bản đã xóa bỏ được tục kéo vợ mà trước đây diễn ra phổ biến ở nhiều nơi, nhất là ở vùng sâu, vùng xa; các nghi lễ tổ chức đám cưới đã được giảm bớt, tiết kiệm ở một số nơi.
Trong thời gian tới, việc nắm thông tin, dư luận xã hội tiếp tục được MTTQ tỉnh Hà Giang quán triệt tới MTTQ các cấp bằng nhiều hình thức, thông qua các hội nghị tiếp xúc cử tri, các buổi sinh hoạt đoàn thể, họp thôn, bản, tổ dân phố, đối thoại trực tiếp với người dân; tiếp tục huy động sự tham gia hiệu quả của những người có uy tín, già làng ở vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh để nắm bắt thông tin, định hướng dư luận xã hội và tham mưu với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương giải quyết các vấn đề người dân quan tâm.
Mọi luồng thông tin từ nhân dân, như thắc mắc về chủ trương, chính sách đất đai, các phương án đo đếm, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; các chính sách hỗ trợ người dân, hộ nghèo,... luôn được đội ngũ cán bộ cơ sở nắm bắt, trong đó có đội ngũ người có uy tín trong đồng bào dân tộc, tôn giáo để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng vào cuộc, kịp thời tháo gỡ.
TIẾN ĐẠT