Tin mới

Phát triển Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên

(Mặt trận) -Khu vực Tây Nguyên có dân số hơn 5 triệu người gồm 47 dân tộc anh em, trong đó có nhiều dân tộc thiểu số gốc địa phương. Trong những năm qua, công tác phát triển đảng viên nói chung, phát triển đảng viên người dân tộc thiểu số nói riêng được các cấp ủy trong khu vực hết sức quan tâm.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Phú Yên thăm các tổ chức Công giáo, Tin Lành nhân lễ Phục sinh 2024

Ủy ban MTTQ Tây Ninh thăm, chúc mừng lễ Phục sinh 2024

Quảng Ngãi: Thăm, chúc mừng các tổ chức, chức sắc nhân dịp lễ Phục sinh 2024

 Quan tâm phát triển đảng viên người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. 

Kiện toàn, củng cố tổ chức đảng và phát triển đảng viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số là nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của đảng ở địa bàn cơ sở. Tuy nhiên công tác này dù đã đạt rất nhiều kết quả nhưng vẫn còn không ít khó khăn cần được tháo gỡ.

Số lượng, chất lượng đảng viên tăng

Nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk kết nạp 17.176 đảng viên, trong đó có 4.338 đảng viên người dân tộc thiểu số. Năm 2021, toàn đảng bộ kết nạp thêm 1.985 đảng viên, trong đó có 482 đảng viên là người dân tộc thiểu số, nâng tổng số đảng viên toàn đảng bộ lên 83.923 người, trong đó có 14.218 đảng viên người dân tộc thiểu số. Tất cả 2.475 thôn, buôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh đều có chi bộ và 2.473/2.475 thôn, buôn có đảng viên là người dân tộc tại chỗ, đạt tỷ lệ 99,91%. Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Hải Đông cho biết: "Các cấp ủy trong toàn tỉnh đều nhận thức sâu sắc về yêu cầu, nhiệm vụ và tính cấp thiết trong việc xây dựng, củng cố các tổ chức đảng và phát triển đảng viên mới, nhất là đảng viên người dân tộc thiểu số. Nhiều đảng bộ, chi bộ cơ sở đã có những cách làm sáng tạo, phù hợp thực tiễn".

Đến cuối năm 2021, tỉnh Lâm Đồng có 47.521 đảng viên, trong đó đảng viên là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 11%. Từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh kết nạp được 11.513 đảng viên; trong đó có 1.743 đảng viên là người dân tộc thiểu số, đạt tỷ lệ hơn 15%. Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy Lâm Đồng, cấp ủy các cấp luôn quan tâm chỉ đạo; các thủ tục, điều kiện được cụ thể hóa; công tác thẩm tra, xác minh thuận lợi và trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số thời gian qua nổi lên nhiều quần chúng ưu tú. Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Quốc Kỳ cho biết: "Những năm gần đây, phần lớn đảng viên mới ở khu vực nông thôn đều tập trung vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đó là một tín hiệu đáng mừng".

Từ năm 2016 đến 2020, Đảng bộ tỉnh Gia Lai cũng kết nạp gần 15.927 đảng viên là người dân tộc thiểu số, chiếm khoảng 25,5%. Đến nay, 100% số thôn, buôn, tổ dân phố trong tỉnh có chi bộ và đảng viên; Gia Lai là đảng bộ đầu tiên trong khu vực Tây Nguyên hoàn thành công tác xóa "trắng" chi bộ ở thôn, buôn, tổ dân phố.

Đồng chí Nguyễn Huy Châu, Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Gia Lai, thông tin: "Hằng năm, cấp ủy các cấp đã xây dựng, ban hành các nghị quyết chuyên đề; rà soát nguồn phát triển đảng là người dân tộc thiểu số và có kế hoạch cụ thể để bồi dưỡng, kết nạp".

Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đắk Nông Trần Duy Thọ và Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Kon Tum Châu Văn Hiệp, cũng có chung ý kiến: Đảng viên người đồng bào dân tộc thiểu số là hạt nhân chính trị, là nguồn dự bị trong tổ chức bộ máy lãnh đạo, tiêu biểu trong việc nêu gương với quần chúng nhân dân ở cơ sở. Các tỉnh luôn coi việc phát triển đảng viên ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng. Theo đó, đảng bộ tỉnh Kon Tum có tổng số 29.738 đảng viên, trong đó đã có 9.252 đảng viên là người dân tộc thiểu số (chiếm 31,11%). Tại Đắk Nông, trong tổng số đảng viên mới hằng năm có khoảng 30% là người dân tộc thiểu số, bình quân toàn nhiệm kỳ khoảng 28-35%...

Nhờ sự chú trọng công tác tạo nguồn phát triển, chất lượng đảng viên mới kết nạp là người dân tộc thiểu số tại khu vực Tây Nguyên ngày càng được nâng lên. Theo khảo sát, phần lớn đảng viên có trình độ học vấn là trung học phổ thông, tỷ lệ đảng viên được đào tạo về chuyên môn ngày càng tăng.

Phát huy vai trò "hạt giống đỏ"

Cấp ủy các huyện ở Tây Nguyên luôn coi trọng công tác phát triển đảng trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Các huyện chỉ đạo sát sao cơ sở trong việc phát hiện, bồi dưỡng nguồn đảng viên mới. Từ đó, nhiều tổ chức cơ sở đảng đã giao nhiệm vụ cho đảng ủy viên phụ trách địa bàn về sinh hoạt tại các chi bộ. Qua đó tiếp cận, phát hiện những nhân tố tích cực để bồi dưỡng, tạo nguồn. Chủ động nguồn phát triển đảng, bảo đảm tính kế thừa đội ngũ là nét chung ở các cấp huyện và cơ sở ở Tây Nguyên.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020, Huyện ủy Lạc Dương (Lâm Đồng) đã ban hành các nghị quyết về công tác xây dựng Đảng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương, đề ra kế hoạch cụ thể, phù hợp; đồng thời, chú trọng tập trung nâng cao chất lượng tổ chức đảng và phát triển đội ngũ đảng viên. Trong nhiệm kỳ, Đảng bộ huyện Lạc Dương kết nạp được 360 đảng viên, trong đó có 150 đảng viên người dân tộc thiểu số. Huyện Tuy Đức (Đắk Nông) có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 44,21%. Khi thành lập huyện vào năm 2007, đảng bộ huyện có 23 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc, với 485 đảng viên, trong đó người đồng bào dân tộc thiểu số chỉ có 109 đảng viên; nhiều thôn, buôn "trắng" đảng viên. Đến nay, toàn đảng bộ tăng lên 27 tổ chức cơ sở đảng, 1.845 đảng viên, trong đó có 314 đảng viên là người đồng bào dân tộc thiểu số. Bằng việc triển khai nhiều giải pháp, công tác tạo nguồn và kết nạp đảng viên đạt được nhiều kết quả quan trọng đã giúp Tuy Đức xóa được tình trạng thôn, buôn "trắng" đảng viên và không còn tình trạng sinh hoạt ghép.

Tại Đắk Lắk, Huyện ủy Krông Pắk là đơn vị dẫn đầu tỉnh trong công tác phát triển đảng viên mới, đảng viên người dân tộc thiểu số. Đồng chí Trần Quốc Vĩnh, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy cho biết: Các đảng bộ, chi bộ định hướng tạo nguồn phát triển đảng từ các phong trào đoàn thể, tập trung vào những hạt nhân là trưởng, phó các đoàn thể chính trị-xã hội, quần chúng là người dân tộc thiểu số, người theo tôn giáo có trình độ và tích cực tham gia các phong trào ở địa phương.

Từ năm 2015 đến 2020, Đảng bộ huyện kết nạp được 1.681 đảng viên mới, trong đó có 289 đảng viên là người dân tộc thiểu số. Nhìn chung các đảng viên người dân tộc thiểu số trong các buôn làng Tây Nguyên luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, xứng đáng là hạt nhân đoàn kết và lãnh đạo ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội ở cơ sở.

Chi bộ làng Sung Kép (xã Ia Kla, Đức Cơ, Gia Lai) là một trong những chi bộ điển hình trong công tác phát triển đảng viên người dân tộc thiểu số. Trong tổng số 41 đảng viên của chi bộ, hiện đã có 37 đảng viên là người dân tộc thiểu số. Đồng chí Rơ Mah H’Lih, Phó Bí thư Đảng ủy xã Ia Kla, nói: "Các đảng viên là người tại chỗ, trưởng thành từ cơ sở nên sâu sát thực tế, gần gũi, hiểu rõ tâm tư của bà con, vì vậy đã phát huy được tính gương mẫu đi đầu và có đóng góp thiết thực vào các hoạt động của buôn làng". Hay xã Mô Rai (Sa Thầy, Kon Tum) nơi đồng bào người dân tộc thiểu số chiếm hơn 74%, các đảng viên trẻ ở đây đều được rèn luyện, trưởng thành từ cơ sở qua các phong trào của các tổ chức đoàn, hội, nhiều "hạt giống" tiêu biểu đã được giới thiệu vào đảng. Phó Bí thư Đảng ủy xã A Vớt cho biết: Đó là những cá nhân ngoài hoạt động tích cực, sản xuất giỏi, tiên phong trong các phong trào còn là những người tích cực, nhiệt tình vận động, tuyên truyền bà con xóa bỏ các hủ tục…

Những khó khăn và giải pháp tháo gỡ

Theo đồng chí Nguyễn Quốc Kỳ, Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Lâm Đồng, vướng mắc của việc phát triển đảng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số là tiêu chuẩn, điều kiện về học vấn. Đồng thời, số cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số công tác ở một số cơ quan đảng, chính quyền các cấp còn thấp. Tỉnh Đắk Nông cũng đang gặp khó khăn do lực lượng đoàn viên, thanh niên trong các buôn làng phần lớn đi học và làm ăn xa không có điều kiện để theo dõi, bồi dưỡng, tạo nguồn phát triển. Tình trạng vi phạm chính sách kế hoạch hóa gia đình, di cư không theo quy hoạch, ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên không thể tổ chức thẩm tra lý lịch… cũng là những vấn đề nan giải.

Đồng chí Nguyễn Huy Châu, Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Gia Lai cho biết thêm, số lượng đảng viên là người dân tộc thiểu số ở Gia Lai còn thấp (25,5%) so với tỷ lệ tổng số người dân tộc thiểu số của toàn tỉnh (46,2%). Gần đây, việc kết nạp đảng viên là người dân tộc thiểu số hằng năm có xu hướng giảm. Lý do là một bộ phận lớn thanh niên người dân tộc thiểu số bỏ học sớm, tảo hôn, sinh nhiều con, không được gia đình ủng hộ vào đảng nên động lực phấn đấu bị "triệt tiêu".

Đồng chí Nguyễn Hải Đông, Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đắk Lắk, thẳng thắn chia sẻ: Chất lượng đảng viên mới kết nạp vẫn còn thấp, chưa thể hiện rõ vai trò tiên phong, gương mẫu. Nhiều đảng bộ, chi bộ còn thụ động trong việc lựa chọn và giới thiệu nguồn quần chúng ưu tú để giáo dục, bồi dưỡng để giới thiệu, kết nạp vào đảng.

Từ những khó khăn, vướng mắc nêu trên, cấp ủy các địa phương đã và đang tìm kiếm giải pháp khắc phục. Tại Đắk Lắk, ngay từ đầu nhiệm kỳ, các đảng bộ, chi bộ đều đưa ra chỉ tiêu về phát triển đảng viên, trong đó có đảng viên là người dân tộc thiểu số và giao chỉ tiêu cụ thể cho các tổ chức cơ sở đảng.

Các đồng chí lãnh đạo phụ trách địa bàn thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở việc thực hiện chỉ tiêu phát triển đảng. Đặc biệt, gắn trách nhiệm của bí thư chi bộ trong công tác phát triển đảng và coi đây là một trong những tiêu chí thi đua. Tỉnh ủy Đắk Nông cũng đã lãnh đạo xây dựng các mô hình như: Phát triển đảng viên là già làng, trưởng bản, người có uy tín, cán bộ thôn buôn; bộ đội hoàn thành nghĩa vụ; học sinh, sinh viên…

Theo Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đắk Nông Trần Duy Thọ, để công tác phát triển đảng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt kết quả cao, Đắk Nông tiếp tục thực hiện các đề án về đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp, bố trí cán bộ các cấp là người dân tộc thiểu số vào các vị trí lãnh đạo các cấp nhằm tạo niềm tin, ý chí phấn đấu cho đảng viên vùng dân tộc thiểu số.

Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Hải Đông cũng cho biết, cấp ủy địa phương cần chú trọng hơn nữa vai trò của các tổ chức chính trị-xã hội trong công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. "Cần xác định đúng và cụ thể hóa tiêu chuẩn đảng viên, điều kiện kết nạp đảng viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số để việc tạo nguồn, phát triển đảng viên mới thuận lợi hơn", đồng chí nói.

Theo Báo Nhân Dân

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản