Tin mới

Phú Thọ: Bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc thiểu số

(Mặt trận) -Phú Thọ là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Trong đó, dân tộc Mường, Dao, Mông và Cao Lan sống chủ yếu ở các huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập, Đoan Hùng và Thanh Thủy.

Phát huy vai trò người có uy tín ở xã Trung Sơn

Sóc Trăng họp mặt mừng Tết Chôl Chnăm Thmây năm 2024

Ủy ban MTTQ tỉnh Kiên Giang trao 500 phần quà cho đồng bào Khmer

Di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Phú Thọ còn lưu giữ được khá đa dạng và phong phú như tiếng nói, chữ viết, kho tàng tri thức dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, lễ hội truyền thống, trang phục, công cụ lao động, nhạc cụ… Tuy nhiên, qua thời gian phát triển, nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số đã bị mai một do các yếu tố tác động tiêu cực. Trước thực trạng này, nhiều địa phương trong tỉnh đã có những cách làm hay để góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo thống kê, gần 60% dân số ở huyện Thanh Sơn là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó dân tộc Mường chiếm tỷ lệ cao nhất. Bởi vậy, huyện đã triển khai “Đề án kiểm kê, sưu tầm, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025”. Sau 4 năm thực hiện, huyện đã thành lập và duy trì hoạt động 126 Câu lạc bộ văn hóa dân tộc Mường tại các khu dân cư, trường học; bảo tồn 634 chiếc chiêng, 123 bộ nhạc cụ, hàng nghìn bộ trang phục, 115 nhà sàn truyền thống trong cộng đồng và nhiều đồ dùng, công cụ lao động, sản xuất, sinh hoạt của đồng bào Mường.

Đặc biệt, huyện Thanh Sơn đang tập trung phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại xã Khả Cửu gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường, góp phần xây dựng, phát triển đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh cho đồng bào các dân tộc vùng núi Thanh Sơn và thúc đẩy kinh tế - xã hội ngày càng phát triển.

Trong những cách làm hay còn phải kể đến việc thực hiện mô hình “Trường học gắn với văn hóa truyền thống địa phương - không gian văn hóa Mường” của thầy trò Trường Tiểu học Tân Sơn (xã Tân Sơn, huyện Tân Sơn). Cán bộ, giáo viên nhà trường đã vận động phụ huynh, người dân trong và ngoài xã ủng hộ các đồ dùng, công cụ lao động, trang phục đặc trưng của người Mường; sưu tầm tài liệu liên quan đến văn hóa truyền thống địa phương, chép lại lời bài hát, truyện cổ… để trưng bày trong thư viện trường.

Tại xã Nga Hoàng (huyện Yên Lập) những năm qua cũng đặc biệt quan tâm tới việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc thiểu số. Nhiều hoạt động bảo tồn thiết thực như: Truyền dạy tiếng nói, chữ viết của đồng bào Dao, phục dựng và truyền dạy một số nghi lễ đặc trưng (Lễ cấp sắc, Lễ tạ mộ tổ)…

Đặc biệt, trong năm 2021, cộng đồng người Dao ở xã Nga Hoàng đã phục dựng, tổ chức Lễ cúng Bàn Vương, với sự tham gia của các họ người Dao tại xã, các họ người Dao trên địa bàn tỉnh và huyện lân cận của tỉnh Yên Bái. Nghi lễ này được coi là sợi dây liên kết cộng đồng người Dao.

Để làm tốt hơn nữa công tác bảo tồn và phát huy nét đẹp truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ cho biết: Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung thực hiện các giải pháp phù hợp điều kiện thực tế và từng giai đoạn. Khuyến khích và tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tham gia vào công tác bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch cộng đồng; khôi phục các loại hình văn hóa phi vật thể đặc sắc đang có nguy cơ mai một. Tỉnh tổ chức tập huấn, nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý văn hóa; từng bước thực hiện việc tư liệu hóa và số hóa các di sản.

T. L

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản