Tin mới

Quảng Ngãi: Dạy nghề, học nghề để giảm nghèo bền vững

(Mặt trận) -Thực hiện các nội dung của Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, công tác dạy nghề tiếp tục được ngành LĐ-TB&XH cùng các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh thực hiện.

Phát huy vai trò người có uy tín ở xã Trung Sơn

Khánh Hòa: Bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu năm 2024

Sóc Trăng họp mặt mừng Tết Chôl Chnăm Thmây năm 2024

Dạy các nghề theo nhu cầu của người dân 

Những ngày cuối năm, cơn mưa nặng hạt cũng không làm chùn bước các chị em nông dân xã Đức Lân (Mộ Đức) đến lớp học nghề chăn nuôi và thú y. Hiện lớp học đã trải qua tuần thứ 4, với gần 30 thành viên tham gia. Tại lớp học, các học viên được cung cấp những kiến thức cơ bản về cách chuẩn bị chuồng trại, kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm, cách tiêm phòng bệnh... Phương pháp giảng dạy là lý thuyết kết hợp với thực hành, giúp học viên có kiến thức thực tế, áp dụng được trong công việc của mình.

 Hộ nghèo, cận nghèo, lao động có thu nhập thấp... được hỗ trợ học nghề theo Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 - 2025.

“Tôi chăn nuôi gà, bò nhưng chỉ bằng kinh nghiệm, nên không mấy hiệu quả. Tham gia lớp học nghề, tôi được truyền đạt cách tiêm thuốc cho gia súc, gia cầm, cách tính toán liều lượng thuốc, cùng nhiều kiến thức về chăn nuôi khác. Nắm vững kiến thức, thời gian tới tôi sẽ mạnh dạn mở rộng chuồng trại để tăng đàn, phát triển kinh tế”, chị Nguyễn Thị Nhanh, ở thôn Tú Sơn 1, xã Đức Lân, cho biết.

Theo Chủ tịch Hội LHPN xã Đức Lân Phạm Thị Tám, lớp học nghề được mở thông qua khảo sát nhu cầu của các lao động tại địa phương. Trong đó, ưu tiên cho các đối tượng là người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi, hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, lao động có thu nhập thấp. Thời gian học là 21 buổi, với 64 tiết học, đảm bảo cho học viên sau khi hoàn thành sẽ nắm vững những kiến thức cơ bản về chăn nuôi và thú y. Tham gia lớp học, các học viên được hỗ trợ tài liệu kham khảo, giải đáp các vấn đề kỹ thuật. Kết thúc khóa học, các học viên sẽ được cấp giấy chứng nhận nghề.

Bà Phạm Thị Tám cho biết, để hỗ trợ cho các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo tự tin vươn lên phát triển kinh tế, sau khi hoàn thành lớp dạy nghề, Hội LHPN xã sẽ xem xét, tạo điều kiện cho chị em ở các hộ này vay vốn để đầu tư chăn nuôi, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo.

Thực hiện Tiểu dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn thuộc dự án Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, năm 2022, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã phối hợp với các địa phương trong tỉnh tổ chức tuyển sinh, khởi động một số lớp nghề. Ngoài ra, các địa phương đã và đang rà soát, thống kê nhu cầu đào tạo, ngành nghề đào tạo để phối hợp các cơ sở triển khai thực hiện, chú trọng phát triển mô hình gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, hợp tác xã... với tổng kinh phí thực hiện gần 4 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp.

Tiểu dự án Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021- 2025, có tổng kinh phí thực hiện hơn 43,2 tỷ đồng từ ngân sách trung ương và 6,4 tỷ đồng từ ngân sách địa phương.

Nâng cao chất lượng đào tạo nghề

Sở LĐ-TB&XH nhận định, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 - 2025 góp phần giải quyết vấn đề xóa đói giảm nghèo một cách có trọng tâm, trọng điểm, cấp bách, có đối tượng rõ rệt và tạo ra động lực phát triển cho các địa phương, bản thân người lao động và người nghèo. Nội dung về đào tạo nghề và giải quyết việc làm được "thiết kế" thành một dự án riêng. Đây là một trong những thay đổi trong cách tiếp cận để giải quyết vấn đề giảm nghèo bền vững. Theo đó, tiếp cận ở góc độ người lao động có kỹ năng, có việc làm một cách thỏa đáng, bền vững, góp phần giải quyết các vấn đề khác như: Thiếu hụt về thu nhập, thiếu hụt về tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản...

“Một trong những chuẩn nghèo đa chiều mới là chiều thiếu hụt về việc làm. Đây là tiêu chí đầu tiên trong các chiều về dịch vụ xã hội cơ bản, vì khi một hộ gia đình có ít nhất một người có việc làm bền vững, thu nhập tốt thì cơ hội thoát nghèo cũng cao hơn rất nhiều. Do đó, giáo dục nghề nghiệp chính là một trong những yếu tố then chốt, có tính chất quyết định thành công trong giảm nghèo bền vững”, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Ánh Lan cho biết. Vì vậy, mục tiêu phát triển giáo dục nghề nghiệp cho vùng nghèo, vùng khó khăn được xác định cả về quy mô và chất lượng đào tạo, nhằm hỗ trợ đào tạo nghề cho người nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn các địa phương, gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với tạo việc làm, sinh kế bền vững, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Sở LĐ-TB&XH thông tin, trước đây, với đối tượng nghèo ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, chủ yếu chỉ hướng đến đào tạo cho họ kỹ năng cơ bản, tức là đào tạo trình độ sơ cấp hay đào tạo ngắn hạn dưới 3 tháng. Còn chương trình lần này sẽ hỗ trợ đào tạo trình độ nghề bậc trung cấp, cao đẳng để lao động có được kỹ năng cao, có năng suất, việc làm tốt hơn.

Xác định con người là yếu tố trung tâm, thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH cùng các đơn vị, địa phương tiếp tục tập trung đầu tư cho công tác đào tạo nghề nhằm nâng cao tay nghề, kỹ năng, qua đó giúp người dân có nghề nghiệp với thu nhập ổn định, cải thiện kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo, thực hiện có hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

HẢI YẾN

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản