Tin mới

Quảng Ngãi: Phát huy hiệu quả chính sách hỗ trợ cho miền núi

(Mặt trận) -Huyện Ba Tơ , tỉnh Quảng Ngãi có hơn 85% người dân là đồng bào dân tộc Hrê. Trong những năm qua, huyện đã tập trung triển khai nhiều chính sách hỗ trợ dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, giúp đồng bào Hrê cải thiện cuộc sống.

 

Phú Yên: Đẩy mạnh hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất

Đức Cơ nỗ lực giúp người nghèo an cư

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

Trời chớm thu. Con đường dẫn về huyện Ba Tơ phủ một màu xanh mướt của cây nguyên liệu. Hai bên đường, những căn nhà mới được xây dựng khang trang như tô điểm thêm cho cuộc sống khởi sắc nơi đây.

Chính sách đi vào cuộc sống

Tổ trưởng tổ dân phố Uy Năng, thị trấn Ba Tơ Đinh Thị Thu chia sẻ, trước đây, cuộc sống gia đình tôi chủ yếu nhờ vào làm nông, canh tác theo phương thức lạc hậu nên thiếu trước hụt sau. Từ khi huyện Ba Tơ triển khai nhiều dự án phát triển hạ tầng, sản xuất dành cho vùng đồng bào DTTS, tôi đã áp dụng kỹ thuật vào nuôi bò lai, trồng keo nguyên liệu và lúa nước. Đến nay, gia đình tôi có 4ha keo nguyên liệu, 8 sào lúa, 3 con bò sinh sản, 1 con bò đực giống và hàng chục con gà, heo... Bình quân mỗi năm, gia đình tôi thu nhập gần 100 triệu đồng.

 Từ nhiều nguồn vốn đầu tư, diện mạo thị trấn Ba Tơ (Ba Tơ) ngày càng khang trang. Ảnh: Bùi Thanh Trung

Sau khi cuộc sống gia đình mình khấm khá, chị Thu đã mạnh dạn tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân trong tổ dân phố làm theo. Nhiều người đã linh hoạt áp dụng kỹ thuật mới vào trồng trọt, chăn nuôi; đồng thời sử dụng cây, con giống mới phù hợp với thị trường như nuôi gà re, trồng đậu phụng trên đất lúa một vụ, trồng keo lai... đem lại năng suất, hiệu quả cao. Từ đó góp phần nâng cao đời sống người dân.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng giá trị sản xuất của huyện Ba Tơ đạt trên 956 tỷ đồng, đạt gần 51% kế hoạch năm, tăng khoảng 11% so với cùng kỳ năm 2021; thu ngân sách đạt hơn 373 tỷ đồng (gần 84% dự toán tỉnh giao). Riêng chương trình xây dựng nông thôn mới, bình quân mỗi xã của huyện đạt trên 12 tiêu chí.

Không những vậy những năm gần đây, chị Thu còn tham gia hòa giải thành công 20 vụ tranh chấp đất đai, mâu thuẫn gia đình, góp phần giúp tổ dân phố Uy Năng không có đơn thư vượt cấp. Các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan đã giảm dần; người dân luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau trong cuộc sống.

Theo thống kê của Phòng Dân tộc huyện Ba Tơ, toàn huyện hiện có 84 người có uy tín trong đồng bào DTTS. Những người này có cuộc sống khấm khá, trở thành tấm gương sáng, là cầu nối giúp nhiều hộ dân thực hiện chủ trương, chính sách của Nhà nước để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Trưởng phòng Dân tộc huyện Ba Tơ Phạm Văn Dũng chia sẻ, Phòng Dân tộc huyện đã và đang triển khai thực hiện có hiệu quả 3 chính sách, gồm: Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS trên địa bàn huyện Ba Tơ”; chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS và chính sách cấp không thu tiền một số mặt hàng thiết yếu cho đồng bào DTTS miền núi tỉnh, giai đoạn 2019 - 2025. Những năm qua, các chính sách này đã giúp đồng bào Hrê cải thiện cuộc sống; tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đã hạn chế. Trong các làng, xóm, nhiều người có uy tín và trở thành cầu nối để đưa ý Đảng hợp với lòng dân...

Làng quê khởi sắc

Từ thị trấn Ba Tơ, dọc theo Quốc lộ 24, chúng tôi đi quãng đường dài 26km để đến xã Ba Tiêu, một xã vùng sâu, vùng xa nằm ở phía tây của huyện Ba Tơ. Diện mạo xã Ba Tiêu hiện có nhiều đổi thay, cuộc sống người dân đỡ nhọc nhằn hơn xưa.

 Nhờ chính sách hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, diện mạo huyện Ba Tơ ngày càng khởi sắc.

Bí thư Đảng ủy xã Ba Tiêu Phạm Văn Trỏ cho biết, nhờ nguồn vốn từ các Chương trình 30a, 135, Quyết định 289, Quyết định 102 của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ đồng bào DTTS, hộ gia đình chính sách, hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn đã góp phần quan trọng giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Đến nay, toàn xã có trên 80% thôn có đường ô tô đến tận nơi; trường học, trạm y tế đã xây dựng kiên cố; 100% hộ sử dụng điện lưới quốc gia; tỷ lệ được phủ sóng truyền hình hơn 82%... Nhờ đó, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống tinh thần của đồng bào được nâng lên rõ rệt.

Theo Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Phạm Xuân Vinh, từ nguồn vốn hỗ trợ của các chính sách dành cho miền núi, huyện đã triển khai các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, các mô hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực; nông - lâm nghiệp tập trung phát triển sản xuất hàng hóa, đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn. Ngoài ra, nhiều chương trình, dự án hỗ trợ trực tiếp cho người dân đã giúp họ vươn lên trong cuộc sống.

MAI HẠ

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản