Tin mới

Quảng Ninh: Nhiều giải pháp bảo đảm an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) -Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn ưu tiên dành nhiều nguồn lực để phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi, biên giới, hải đảo.

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

 Ðường liên thôn tại xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu được đầu tư khang trang, kiên cố.

Quảng Ninh có gần 163.000 người DTTS hiện đang cư trú tại những địa bàn có vị trí trọng yếu về quốc phòng - an ninh, biên giới quốc gia. Những năm qua, các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến địa phương cùng các ban, ngành, đoàn thể luôn tích cực quan tâm, chăm lo cho đồng bào DTTS, từng bước góp phần nâng cao đời sống của người dân và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Tiêu biểu như Ban thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 29/5/2013 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác dân tộc trong sự nghiệp phát triển KT-XH nhanh, bền vững gắn với bảo vệ vững chắc quốc phòng an ninh tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”. HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 50/2016/NQ-HĐND ngày 7/12/2016 về “Bố trí nguồn lực đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135”, Quyết định số 196/QĐ-UBND, ngày 17/1/2017 về phê duyệt Đề án “Nhiệm vụ và giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135” (gọi tắt là Đề án 196). Đây là cách làm riêng, sáng tạo của tỉnh trong thực hiện Chương trình 135 khi bố trí nguồn lực vượt trội gần 1.800 tỷ đồng đưa toàn bộ 17 xã, 54 thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn. Đặc biệt, từ nguồn lực hỗ trợ của Chương trình 135, Đề án 196 và các nguồn vốn lồng ghép khác đã góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng, điều kiện sống và hỗ trợ tạo lập sinh kế bền vững cho người dân.

Nhờ vậy, đời sống người dân vùng đồng đồng bào DTTS từng bước được nâng lên. Diện mạo nông thôn, miền núi có nhiều khởi sắc. Công tác giảm nghèo đạt kết quả tích cực, tỷ lệ giảm nghèo trung bình hàng năm giai đoạn 2016-2020 là 1,87%/năm, số hộ đồng bào DTTS nghèo giảm từ 7.285 hộ năm 2016 xuống còn 415 hộ năm 2020.

Để tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS một cách bền vững, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo Ban Dân tộc xây dựng và hoàn thiện Đề án phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng – an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Đề án dự kiến sẽ được trình và cho ý kiến tại Kỳ họp giữa năm của HĐND tỉnh. Đề án đề ra những nhiệm vụ, giải pháp nhằm giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo; thúc đẩy phát triển kinh tế tại khu vực này. Đồng thời, chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch; bố trí, sắp xếp ổn định dân cư và tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững mạnh…

Mới đây, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh vừa ban hành Nghị quyết số 06 - NQ/TU ngày 17/5/2021 “Về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.Nghị quyết được ban hành có ý nghĩa quan trọng nhằm đẩy mạnh phát triển KT-XH nhanh, bền vững vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo; đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo, chênh lệch vùng, miền; cải thiện rõ rệt và nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân. Xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, chủ quyền biên giới quốc gia, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển...

Nghị quyết xác định rõ mục tiêu cụ thể đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, cụ thể như: Phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh tăng tối thiểu 2 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 3%/năm; không còn nhà ở tạm, nhà dột nát; cơ bản giải quyết dứt điểm nhu cầu cấp thiết về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS nghèo, khó khăn. Đến hết năm 2022 không còn xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo tiêu chí mới. Trên 98% đồng bào DTTS có BHYT. 100% hộ đồng bào DTTS được xem truyền hình, nghe đài phát thanh Quốc gia và tỉnh Quảng Ninh; trên 95% người dân được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (trong đó phấn đấu hết năm 2021, xóa "vùng lõm" sóng điện thoại di động ở các khu vực có dân cư sinh sống thuộc địa bàn miền núi, biên giới, hải đảo. Đến hết năm 2022, có 100% số xã thuộc phạm vi Đề án đạt chuẩn nông thôn mới. Đến năm 2025, có trên 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và trên 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 100% đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới…

Đến năm 2030, các vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh có hệ thống kết cấu kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể, kết nối thuận lợi với các vùng phát triển của tỉnh; 100% số xã vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh tối thiểu bằng 1/2 thu nhập bình quân chung của tỉnh; duy trì giảm tỷ lệ hộ nghèo trung bình 1,5%/năm.

Tại nghị quyết, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã nêu rõ 7 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Trong đó, tập trung phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trọng tâm là đào tạo nghề cho lao động trẻ để chuyển đổi cơ cấu lao động, cơ cấu nông thôn gắn với tạo việc làm, tăng thu nhập và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS và người công tác tại vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư; tổ chức lại sản xuất vùng DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo, gia tăng giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, lấy công nghiệp, dịch vụ thúc đẩy nông nghiệp, lấy đô thị dẫn dắt nông thôn. Huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo; thực hiện tốt chính sách an sinh, nâng cao phúc lợi xã hội ở vùng đồng bào dân tộc, miền núi, biên giới, hải đảo; chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS và phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em. Tăng cường xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận lòng dân vững chắc ở vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền, phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, trách nhiệm của hệ thống chính trị./.

Minh Cảnh

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản