Trước đây, để có nguồn nước sử dụng hằng ngày, người dân thôn Vực Leng, xã Tà Rụt, huyện Đakrông phải đi bộ rất xa tìm các khe, suối, thác để lấy nước hoặc hứng nước mưa dự trữ; trường hợp tắm, giặt... thì họ ra sông, suối rất nguy hiểm và nguồn nước không đảm bảo an toàn vệ sinh, nguy cơ bệnh tật cao.
Năm 2023, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong việc triển khai hỗ trợ nước sạch theo Dự án 1, thôn Vực Leng được hỗ trợ xây dựng 5 công trình nước phân tán (giếng khoan, tẹc chứa nước). Các công trình sau khi đưa vào sử dụng đã giúp cho 132 hộ/581 khẩu ở thôn có nguồn nước sạch, đảm bảo cho việc sinh hoạt hằng ngày.
|
Công trình nước sinh hoạt được Nhà nước hỗ trợ cho người dân thôn Vực Leng, xã Tà Rụt -Ảnh: K.S |
Chị Hồ Thị Mơ người dân ở thôn Vực Leng vui vẻ nói: “Từ khi có công trình nước sạch xây dựng gần nhà, người dân trong thôn ai cũng phấn khởi vì không còn cảnh vất vả đi xa tìm nước sạch, không sử dụng nguồn nước sông suối để ăn, tắm rửa, giặt giũ nữa. Có nước sạch để dùng cũng hạn chế được bệnh tật. Chúng tôi rất cám ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm đưa nước sạch về với vùng đồng bào DTTS, giúp chúng tôi yên tâm tập trung làm ăn để nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần”.
Huyện Đakrông là địa phương có trên 80% dân số là đồng bào DTTS, đời sống còn gặp nhiều khó khăn, trong đó vấn đề thiếu nước sạch rất đáng được quan tâm.
Chính vì vậy, ngay sau khi có các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên về triển khai thực hiện Dự án 1 thuộc Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN, huyện đã chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đơn vị, địa phương liên quan tiến hành rà soát thực trạng, nhu cầu nước sạch trên địa bàn, nhất là địa bàn vùng đặc biệt khó khăn để ưu tiên triển khai thực hiện.
Năm 2022, huyện phân bổ 300 triệu đồng để triển khai hỗ trợ cho 2 xã với hình thức thực hiện là hộ dân tự tạo nguồn nước gồm: xã A Bung 60 hộ (thuộc thôn Pire 1 và Pire 2) với kinh phí hỗ trợ 180 triệu đồng; xã Đakrông 40 hộ với kinh phí là 120 triệu đồng.
Năm 2023, huyện phân bổ 1.845 triệu đồng cho các xã vùng dự án trên địa bàn. Đã triển khai thực hiện, phê duyệt danh sách 615 hộ hưởng lợi, trong đó 445 hộ tự tạo nguồn nước và 160 hộ đăng ký nhận vật dụng trữ nước. Số hộ được hỗ trợ là 368 hộ với tổng kinh phí 1.104 triệu đồng. Kinh phí chuyển qua năm 2024 thực hiện là 741 triệu đồng.
Năm 2024, huyện tiếp tục thực hiện hỗ trợ các hộ đã phê duyệt trong năm 2023 với 160 bồn đựng nước cho 160 hộ, kinh phí là 313,6 triệu đồng. Số kinh phí còn lại để thực hiện lựa chọn các hộ hỗ trợ mới là 427,4 triệu đồng. Tỉ lệ giải ngân 80,07%.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông Lê Đại Lợi cho biết: “Việc hỗ trợ các công trình nước sạch cho đồng bào DTTS trên địa bàn được thực hiện đồng bộ, kịp thời, đúng mục tiêu, đối tượng, đúng quy định của nhà nước, phù hợp với thực tế tại địa phương, được người dân đồng tình hưởng ứng cao. Qua đó, góp phần đảm bảo sức khỏe cho người dân, nâng cao tỉ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh tại vùng đồng bào DTTS&MN”.
Thời gian qua, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, chương trình, dự án đối với vùng đồng bào DTTS&MN, nhiều công trình nước sạch được đầu tư xây dựng góp phần nâng cao sức khỏe và cải thiện điều kiện sống của người dân.
Tuy nhiên, qua hàng chục năm sử dụng, do nhiều nguyên nhân khác nhau, đa số các công trình nước sạch bị hư hỏng, xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu của người dân. Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025 ra đời kịp thời hỗ trợ cho nhiều hộ dân khắc phục được tình trạng “khát” nước sạch.
Từ nguồn vốn của Chương trình MTQG 1719, tính đến ngày 29/2/2024, toàn tỉnh xây dựng được 16 công trình nước sinh hoạt tập trung; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 2.613 hộ. Các công trình nước tập trung được hỗ trợ theo nguồn vốn của chương trình hiện nay đang tiếp tục triển khai thực hiện, các hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán đã được hỗ trợ các vật dụng đựng nước phù hợp theo nhu cầu sử dụng của họ. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện nội dung hỗ trợ nước sinh hoạt ở vùng đồng bào DTTS&MN gặp không ít khó khăn. Các công trình nước tập trung nằm ở vùng đồi núi, địa hình đi lại, quản lý khó khăn, cùng với đó nạn chặt phá rừng làm nương rẫy là nguyên nhân làm cạn kiệt nguồn nước. Các công trình đều do cộng đồng tự quản lý, thiếu chặt chẽ, thiếu ràng buộc trong quản lý công trình dẫn đến khó khăn trong việc khai thác và sử dụng công trình hiệu quả...
Để nâng cao chất lượng hoạt động các công trình nước sinh hoạt tập trung và tự chảy do chương trình hỗ trợ, các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan trên địa bàn tỉnh cần tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo và kiểm tra, giám sát công tác đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, khắc phục hư hỏng công trình nước sạch, đồng thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và giải pháp khắc phục.
Triển khai xây dựng các công trình đảm bảo đúng kỹ thuật. Tăng cường phát triển, bảo vệ rừng và bảo vệ nguồn nước. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, giáo dục cộng đồng về việc quản lý, sử dụng nguồn nước sau đầu tư.
T.Đ