Theo Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị, những năm gần đây, vùng đồng bào DTTS của tỉnh Quảng Trị đã được ưu tiên dành nhiều cơ chế, nguồn lực tập trung cho việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, do đó diện mạo đã có nhiều đổi mới. Cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn, xã vùng khó khăn từng bước được đầu tư, cải thiện, chính sách an sinh xã hội cơ bản được đảm bảo, chương trình giảm nghèo đạt nhiều kết quả tích cực. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, ổn định và nâng cao hơn trước. Nếp sống văn hóa được duy trì, nhiều phong tục tập quán tốt đẹp được giữ vững. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội đảm bảo, chủ quyền an ninh biên giới được bảo vệ vững chắc.
|
Những năm gần đây, vùng đồng bào DTTS của tỉnh Quảng Trị được ưu tiên dành nhiều cơ chế, nguồn lực tập trung cho việc phát triển kinh tế - xã hội. |
Cụ thể, đã có 100% xã, thôn bản có điện lưới quốc gia; 100% xã có đường giao thông đến trung tâm xã được cứng hóa; 77% số thôn, bản có đường giao được cứng hóa đến trung tâm xã; 100% xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia; 100% số xã có trường TH, 75% số xã có trường THCS, 38 trường đạt chuẩn Quốc gia; tỷ lệ học sinh DTTS đúng độ tuổi bậc tiểu học đạt 95%, bậc THCS đạt 96%; Tỷ lệ xã có nhà văn hóa là 40,4%; tỷ lệ thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng đạt 88%; Tỷ lệ hộ gia đình người DTTS sử dụng nước hợp vệ sinh là 66%; Tỷ lệ học sinh DTTS đi học đúng độ tuổi ở cấp TH và THCS đạt trên 95%, ở cấp THPT đạt trên 87%. Chất lượng giáo dục ở vùng đồng bào DTTS được nâng lên rõ rệt…
Tuy nhiên, so với mặt bằng chung của tỉnh Quảng Trị, đời sống của đồng bào DTTS vẫn còn gặp nhiều khó khăn, kinh tế - xã hội phát triển chậm, thiếu thốn các điều kiện về kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo và nguy cơ tái nghèo cao và phải đối mặt với các khó khăn, thách thức đặc trưng riêng của từng khu vực. Công tác định canh định cư chưa thật vững chắc do ảnh hưởng của thiên tai. Địa bàn các xã đặc biệt khó khăn đã được quan tâm, đầu tư phát triển mạnh mẽ trong thời gian gần đây, thu nhập bình quân đầu người được nâng lên đáng kể, song vẫn chưa tương xứng với vị trí, tiềm năng.
|
Thời gian qua, MTTQ Việt Nam các cấp đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch và nhiệm vụ nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi tại tỉnh Quảng Trị. |
Sau khi Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định 1719/QĐ-TTg, trên cơ sở Kế hoạch của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị đã nhanh chóng triển khai nhiều nội dung liên quan.
Theo đó, trong năm 2022, Ủy ban MTTQ Việt Nam các huyện có đồng bào DTTS và miền núi đã tổ chức 345 cuộc tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong việc thực hiện Chương trình cho hơn 2.000 người dân thông qua các gương điển hình, các già làng, trưởng bản, người uy tín; phát hành 3 bản tin Mặt trận (1.000 cuốn/bản tin), 8 phóng sự, 150 buổi phát thanh về gương người tốt, việc tốt trong việc triển khai thực hiện và thực hiện giám sát Chương trình; tuyên truyền, vận động nhân dân khu vực biên giới thực hiện đúng quy định của Nhà nước về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, không để lây lan trong cộng đồng...
Tổ chức 2 lớp tập huấn cho 250 cán bộ Mặt trận và Ban công tác mặt trận, già làng, trưởng bản, người uy tín về hướng dẫn nghiệp vụ về giám sát thực hiện chương trình tại địa phương, trong đó nội dung chủ yếu là giám sát thực hiện phân bổ đối tượng hưởng thụ, các công trình đầu tư trên địa bàn và cách thu thập các thông tin phản ánh của người dân đối với việc triển khai chương trình…
Đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Quảng Trị, trong những năm qua, MTTQ Việt Nam các cấp cũng đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch và nhiệm vụ nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trong tỉnh với những việc làm thiết thực, hiệu quả. Đã thể hiện được vai trò là "cầu nối" giữa Đảng, chính quyền với nhân dân, tạo điều kiện hỗ trợ cho vùng đồng báo DTTS và miền núi thực hiện các dự án giảm nghèo bền vững, tạo điều kiện nguồn vốn cho đồng bào đầu tư phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; động viên nhân dân đoàn kết chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khôi phục và mở rộng các ngành nghề, làng nghề truyền thống, tạo ra nhiều sản phẩm cung cấp cho thị trường mang lại hiệu quả, giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động, góp phần tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế.
Thông qua CTMTQG giảm nghèo bền vững và phát triển nông thôn mới, MTTQ Việt Nam các cấp đã huy động hỗ trợ nguồn lực, hỗ trợ đầu tư sửa chữa và xây mới 7 căn nhà tránh lũ và sinh hoạt cộng đồng với giá trị gần 10 tỷ đồng, 1 công trình nước sạch, 3 tuyến đường giao thông, 2 kênh mương nội đồng và hỗ trợ sửa chữa, xây mới 5 công trình trường học mẫu giáo với tổng giá trị 4 tỷ đồng. Hỗ trợ các mô hình cho gần 1.500 hộ dân phát triển sản xuất, 40 mô hình sản xuất với tổng giá trị gần 28,4 tỷ đồng….
Thực hiện vai trò của mình, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị cũng đã tăng cường công tác giám sát các chương trình, dự án đang triển khai ở khu dân cư, phát huy vai trò giám sát trực tiếp của nhân dân, đặc biệt quan tâm các hoạt động giám sát việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nơi đồng bào DTTS trực tiếp được thụ hưởng Chương trình 135, Chương trình 134, Chương trình 30a....
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị cho biết, với những việc làm thiết thực hiệu quả, MTTQ Việt Nam các cấp tỉnh Quảng Trị đã tham gia thực hiện tốt các nội dung của CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội ở vùng DTTS và miền núi, thu hẹp dần khoảng cách giữa các vùng miền cần nhiều giải pháp và nhiệm vụ cần thực hiện.
Tin tưởng rằng, với sự vào cuộc của các cấp các ngành, sự chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Trị, việc triển khai thực hiện và thực hiện giám sát có hiệu quả các CTMTQG trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới sẽ làm thay đổi, thu hẹp dần khoảng cách giữa các vùng miền với vùng DTTS và miền núi trên các lĩnh vực.
Miền núi tỉnh Quảng Trị có diện tích 313.675 ha, chiếm 68% diện tích tự nhiên của tỉnh. Toàn tỉnh có 44 xã, thị trấn thuộc địa bàn 2 huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông và các huyện có xã miền núi Gio Linh, Vĩnh Linh, Cam Lộ, trong đó có 38 xã có đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Vân Kiều và Pa Cô tập trung sinh sống. Tính đến đầu năm 2022, dân số miền núi của tỉnh có 45.546 hộ, 192.298 khẩu; Tổng số hộ DTTS 20.984 hộ, 94.981 khẩu (chiếm tỷ lệ 13,32% dân số toàn tỉnh).
Thành Trung