Tin mới

Sau hơn 5 năm thực hiện chính sách dân tộc ở tỉnh Thanh Hóa

(Mặt trận) -Nhờ thực hiện có hiệu quả chính sách dân tộc, tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có bước phát triển tích cực, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Phú Yên: Đẩy mạnh hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất

Đức Cơ nỗ lực giúp người nghèo an cư

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

 Chính sách dân tộc đã góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân thôn Giàng Vìn, xã Trí Nang (Lang Chánh).

Thông qua việc thực hiện các chính sách dân tộc, trên cơ sở lồng ghép hỗ trợ từ các chương trình, dự án, chính sách khác đã giúp đồng bào đẩy mạnh phát triển sản xuất, tạo thêm việc làm, góp phần quan trọng cải thiện đời sống, sản xuất đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn... Để cụ thể hóa quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác dân tộc, đến nay tỉnh Thanh Hóa đã có hàng loạt chính sách hỗ trợ, từ đó, đã giúp cho kinh tế - xã hội đồng bào DTTS, miền núi trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Điều dễ dàng nhận thấy nhất đó là hệ thống đường giao thông đã được cứng hóa đến từng thôn, bản; cơ sở vật chất trên các lĩnh vực y tế, giáo dục được quan tâm đầu tư; điện lưới quốc gia, nước sạch đã về hầu hết các khu dân cư, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của đồng bào... Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm giảm 4,02%/năm. Có 1/7 huyện (Như Xuân) thoát khỏi diện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Có 5 xã và 50 thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng DTTS, miền núi hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020.

Tỉnh Thanh Hóa cũng đã phê duyệt một số đề án đặc thù, nhằm thúc đẩy kinh tế khu vực miền núi phát triển, như: Đề án “Ổn định đời sống và phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Khơ Mú tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020”; “Ổn định đời sống và phát triển kinh tế - xã hội các bản đồng bào Mông, huyện Quan Sơn giai đoạn 2016-2020”; “Xây dựng điểm điển hình giảm nghèo nhanh và bền vững tại các huyện nghèo tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020”...

Cùng với phát triển kinh tế, sự nghiệp giáo dục, đào tạo và dạy nghề ở vùng đồng bào DTTS, miền núi ngày càng phát triển cả về quy mô, mạng lưới và chất lượng. Tại 11 huyện miền núi đã có 664 trường học các cấp, trong đó có 58% trường đạt chuẩn quốc gia. Chất lượng giáo dục và đào tạo từng bước được nâng lên; đã có 7/11 huyện hoàn thành phổ cập giáo dục THCS mức độ 2. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được chú trọng, phát triển cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ; chất lượng khám, chữa bệnh có chuyển biến tích cực; tỷ lệ đồng bào DTTS tham gia bảo hiểm y tế đạt 81%. Tỷ lệ trạm y tế xã có bác sĩ đạt 91,4%; 76% số dịch vụ thuộc “gói dịch vụ y tế cơ bản” theo quy định của Bộ Y tế đã được thực hiện tại tuyến xã; tỷ lệ hộ DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh tăng từ 86,5% năm 2015 lên 91% năm 2020. Tỷ lệ hộ DTTS được sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh tăng từ 48% năm 2015 lên 71% năm 2020...

Có thể thấy, việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã làm thay đổi đời sống đồng bào DTTS, giúp đồng bào ổn định đời sống, sinh hoạt, đẩy mạnh sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Và quan trọng hơn, các chương trình, chính sách này góp phần không nhỏ củng cố khối đoàn kết dân tộc, nhân lên niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Ðảng, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên vùng núi, biên giới của Tổ quốc.

Xuân Minh

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản