Tin mới

Sóc Trăng đẩy mạnh phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) -Sau gần 3 năm triển khai thực hiện Dự án 5 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là Chương trình) tại tỉnh Sóc Trăng đã góp phần chuẩn hóa cơ sở vật chất của các trường phổ thông dân tộc nội trú, nâng cao chất lượng giáo dục các cấp vùng đông đồng bào DTTS.

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

Hiệu quả Chương trình MTQG 1719 ở tỉnh Thái Nguyên

 Học sinh Trường Tiểu học Đại Ân 2A, xã Đại Ân 2 (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) trong giờ sinh hoạt dưới cờ.

Ưu tiên phát triển giáo dục vùng DTTS

Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào DTTS sinh sống nên công tác giáo dục và đào tạo trong đồng bào dân tộc luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm và chỉ đạo sâu sát. Từ đó, chất lượng giáo dục không ngừng nâng cao, không còn khoảng cách giữa các vùng.

Giai đoạn 2022-2023, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) Trung học cơ sở huyện Kế Sách (tỉnh Sóc Trăng), xây dựng mới 3 nhà công vụ, 2 phòng học, 1 nhà ăn, nhà bếp, kho bếp, xây dựng mái che sân trường; mua sắm các thiết bị phục vụ chuyển đổi số giáo dục, máy vi tính phục vụ giảng dạy và quản lý, xây mới lò đốt rác, sân bi sắt, mái che khu vực nhà ăn... Tổng kinh phí hơn 6,8 tỷ đồng, từ nguồn vốn của Dự án 5.

Thầy Kiêm Hươl, Hiệu trưởng Trường PTDTNT Trung học cơ sở huyện Kế Sách chia sẻ: “Từ nguồn vốn của Chương trình, trường được đầu tư xây mới 2 phòng học và nhiều hạng mục khác nên thầy và trò rất vui. Sự đầu tư của Chương trình đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi để học sinh học tập, rèn luyện và là động lực để thầy và trò cùng nhau cố gắng hoàn thành sự nghiệp trồng người”.

Với sự quan tâm đầu tư mạnh mẽ của chính quyền địa phương, về cơ bản, hệ thống trường lớp ở tỉnh Sóc Trăng đã bảo đảm kiên cố; không còn trường học, lớp học tạm; chất lượng giáo dục của tỉnh, trong từng cấp học đang từng bước được nâng lên.

Ông Danh Hoàng Nguyên, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng cho biết: Hiện, toàn tỉnh có 10 trường PTDTNT phủ khắp hầu hết các địa phương trong tỉnh. Toàn tỉnh có 5 trường PTDTNT đạt chuẩn quốc gia. Theo định hướng phát triển, đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ có 100% trường PTDTNT đạt chuẩn quốc gia. Điều đáng chú ý là trên địa bàn tỉnh hiện nay có 149 trường dạy tiếng dân tộc Khmer. Điều này thể hiện được sự quan tâm và ưu tiên đầu tư của tỉnh đối với công tác giáo dục và đào tạo.

“Công tác nâng cao chất lượng dạy và học ở các trường PTDTNT luôn được quan tâm và chỉ đạo kịp thời. Các trường đều xây dựng kế hoạch cụ thể và triển khai đến đội ngũ cán bộ, giáo viên thực hiện tốt các cuộc vận động và phong trào thi đua của ngành; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học, tăng cường các hoạt động giáo dục cho học sinh; thông tin kịp thời kết quả học tập đến phụ huynh để cùng phối hợp dạy và học hiệu quả”. - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng Danh Hoàng Nguyên nhấn mạnh.

Theo đồng chí Lý Rotha, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng, Cơ quan Thường trực của Chương trình: Thực hiện Dự án 5 về phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực địa phương là dự án thành phần của Chương trình gồm 3 tiểu dự án. Đồng thời là dự án thành phần có kinh phí thực hiện cao nhất trong 9 dự án thuộc Chương trình giai đoạn 2021-2023, với nguồn vốn được bố trí trên 193,7 tỷ đồng. Từ nguồn vốn đầu tư đã góp phần bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị giảng dạy cho một số trường dân tộc nội trú.

“Tỉnh đã xây dựng bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng dạy học cho 5 trường PTDTNT (tại các huyện Kế Sách, Châu Thành, Mỹ Xuyên, Long Phú và Thạnh Trị), tổ chức tập huấn cho 625 đại biểu là cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường PTDTNT về công tác quản lý, năng lực quản lý tài chính, tài sản, công tác chủ nhiệm. Đồng thời, tổ chức bồi dưỡng kiến thức dân tộc, công tác dân tộc cho 1.138 lượt cán bộ, công chức, viên chức...” - ông Rotha nói.

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách đối với học sinh DTTS, tỉnh Sóc Trăng xác định trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần triển khai nhiều giải pháp như đẩy mạnh công tác truyền thông về giáo dục và đào tạo; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo.

Nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc Khmer

Những năm qua, công tác phát triển giáo dục và đào tạo ở vùng có đông đồng bào Khmer ở huyện Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) đã có nhiều đổi mới, khởi sắc hơn. Những chính sách đầu tư xây dựng hệ thống trường, lớp kiên cố, chế độ ưu đãi hỗ trợ người dạy, người học ở vùng đồng bào Khmer đã góp phần tạo động lực cho công tác giáo dục và đào tạo nơi đây ngày càng phát triển.

Theo ông Thạch Văn Mến, Trưởng phòng Dân tộc huyện Trần Đề: “3 năm qua, huyện Trần Đề tập trung nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào DTTS cũng như triển khai thực hiện chế độ, chính sách cho học sinh người DTTS; được cấp ủy, chính quyền đặc biệt quan tâm như hỗ trợ miễn giảm học phí cho trên 1.800 học sinh, với số tiền trên 1,1 tỷ đồng; hỗ trợ gạo cho 205 em (với 438.000kg); hỗ trợ tiền ăn cho 865 học sinh, với số tiền hơn 2,7 tỷ đồng; hỗ trợ học bổng hàng tháng cho 840 học sinh Trường Dân tộc nội trú, với số tiền hơn 1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhờ thực hiện tốt các chế độ, chính sách cho trẻ mầm non như chế độ hỗ trợ học tập, hỗ trợ tiền ăn... các địa phương đã huy động trẻ em người DTTS đến lớp vượt chỉ tiêu, quy mô trường lớp ngày càng tăng...”.

Những xóm ấp giờ đây đã có nhiều đổi thay, những ngôi trường khang trang phần nào làm tươi mới diện mạo nông thôn vùng đồng bào dân tộc. Đây chính là động lực để đồng bào Khmer tiếp tục quan tâm đầu tư nhiều hơn cho việc học của con em. Trường Tiểu học Đại Ân 2A, xã Đại Ân 2 (có trên 97% học sinh là đồng bào Khmer) là trường đạt chuẩn quốc gia.

Cô Trần Ngọc Dung, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đại Ân 2A cho biết: “Hiện nay, 100% giáo viên của trường đều đạt chuẩn và trường đảm bảo dạy 2 buổi từ lớp 1 đến lớp 5, nên chất lượng giáo dục của trường ngày càng được nâng lên. Đặc biệt, trang thiết bị dạy học của trường được ngành giáo dục quan tâm đầu tư, đáp ứng nhu cầu dạy theo chương trình đổi mới sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Từ đó, tỷ lệ học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi, xuất sắc ngày càng cao”.

Song song với đầu tư cơ sở vật chất, ngành giáo dục huyện cũng triển khai dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc Khmer trong các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở nhằm giáo dục ngôn ngữ, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Thầy Dương Thanh Hải, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trần Đề cho biết: “Đối với việc dạy chữ viết và tiếng nói dân tộc, hiện Trần Đề có 21 trường phổ thông có tổ chức dạy tiếng Khmer cho các em học sinh, được ngành giáo dục luôn quan tâm chỉ đạo sâu sát. Đồng thời, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách đối với học sinh dân tộc, nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục công tác ở vùng dân tộc theo quy định. Ngoài ra, các trường cũng quan tâm giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, tạo điều kiện để học sinh tham gia sinh hoạt văn hóa, học tập và trình diễn nghệ thuật truyền thống dân tộc nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc”.

Nhờ thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách của Đảng, Nhà nước cùng sự quan tâm, chăm lo của địa phương, giáo dục vùng DTTS ở tỉnh Sóc Trăng đã có những chuyển biến tích cực, nhất là chất lượng dạy và học được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đến trường cao, cơ bản khắc phục được tình trạng học sinh người DTTS bỏ học.

Uyên Phương

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản