Tin mới

Sóc Trăng: Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, góp phần ổn định chính trị - xã hội của địa phương

(Mặt trận) -Việc tổ chức, triển khai, quán triệt quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách. Pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS hiệu quả sẽ góp phần nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc và có vai trò rất quan trọng đối với sự ổn định chính trị - xã hội của tỉnh Sóc Trăng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

 Đường giao thông nông thôn được đầu tư khang trang. (Trong ảnh: Đường giao thông ở xã Thuận Hòa, huyện Châu Thành)

Các thế lực thù địch tìm mọi cách lợi dụng vấn đề dân tộc nhằm chống phá Đảng và chế độ ta. Mục đích của chúng là lợi dụng sự chênh lệch về mức sống và thu nhập giữa các vùng dân tộc, trình độ dân trí của một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) còn thấp... để tuyên truyền, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, kích động đồng bào tham gia các cuộc biểu tình, bạo loạn chống đối chính quyền, gây thiệt hại về kinh tế, mất ổn định về chính trị - xã hội (CT-XH), chia rẽ khối Đại đoàn kết toàn dân tộc.

Vì thế, việc tổ chức, triển khai, quán triệt quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào DTTS hiệu quả sẽ góp phần nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc và có vai trò rất quan trọng đối với sự ổn định CT-XH của địa phương trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhận rõ vấn đề đó, những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể CT-XH tỉnh Sóc Trăng phối hợp triển khai đồng bộ, quyết liệt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS, nên đời sống của đồng bào ngày càng được nâng lên, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội trong vùng đồng bào DTTS.

Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 17,89% (năm 2016) xuống còn 2,66% (năm 2020), trong đó, hộ nghèo DTTS giảm còn 3,77%. Kết cấu hạ tầng vùng có đông đồng bào DTTS, vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn được tập trung đầu tư, xây dựng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân. Đến nay có 21/41 xã vùng đồng bào DTTS được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ DTTS có điều kiện thuận lợi hơn trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội.

Chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo được nâng lên, đến nay, có 37/55 trường tại vùng DTTS đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 67,27%, 2.464/2.472 học sinh người DTTS dự thi, đỗ tốt nghiệp THPT năm 2021 đạt tỷ lệ 99,68%. Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú được quan tâm đầu tư xây dựng. Công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào vùng DTTS, vùng đặc biệt khó khăn tiếp tục được chú trọng thực hiện; bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của đồng bào các DTTS được giữ gìn và phát huy. Hệ thống chính trị ở cơ sở vùng đồng bào DTTS tiếp tục được củng cố, kiện toàn.

 Từ các nguồn vốn của Nhà nước, mạng lưới trường, lớp vùng đồng bào DTTS được xây dựng khang trang đồng bộ. (Trong ảnh: Trường Mầm non Mỹ Tú, huyện Mỹ Tú dược xây mới khang trang)

Tuy nhiên, phát triển kinh tế vùng DTTS trong tỉnh còn chậm. Việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án, công trình về kết cấu hạ tầng, chuyển giao công nghệ, khoa học - kỹ thuật còn chậm. Công tác giảm nghèo trong đồng bào Khmer chưa thật sự bền vững. Công tác đào tạo nghề chưa gắn kết chặt chẽ với giải quyết việc làm và nhu cầu sử dụng lao động. Tình hình an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội từng lúc, từng nơi còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định.

Trên cơ sở Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2020 - 2030, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và những hạn chế được chỉ ra, ngày 9/7/2021, Tỉnh ủy Sóc Trăng ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về lãnh đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS, giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

Nghị quyết Tỉnh ủy nêu 5 quan điểm chỉ đạo phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS. Nhấn mạnh, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và người dân; đầu tư phát triển KT-XH vùng DTTS là đầu tư cho phát triển bền vững, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân; tập trung giải quyết tốt những vấn đề bức thiết; đẩy mạnh đào tạo nghề, giải quyết việc làm; phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS phải gắn với xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh.

Mục tiêu là, đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững. Thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào DTTS so với bình quân chung của tỉnh. Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm, chăm sóc sức khỏe nhân dân; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các DTTS. Xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người DTTS.

6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thể hiện tính khoa học, toàn diện, khả thi gồm: Đẩy mạnh công tác quán triệt, triển khai thực hiện; tập trung mọi nguồn lực đầu tư phát triển KT-XH; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội và giảm nghèo trong vùng đồng bào DTTS; phát triển giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp; nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị; tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội...

Để tạo sự thống nhất về tư tưởng và hành động trong nội bộ, sự đồng thuận trong nhân dân đối với quá trình thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy, cần quan tâm chú ý: Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, công chức và đồng bào các dân tộc về nội dung, tầm quan trọng, sự cần thiết phải đầu tư phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS, giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030; từ đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm, tính tích cực, tự giác trong tổ chức thực hiện.

Việc tuyên truyền, giáo dục phải được tiến hành thường xuyên, bằng nhiều hình thức, biện pháp sinh động, thiết thực, phù hợp để cán bộ, công chức và bản thân từng hộ, từng người trong đồng bào DTTS có quyết tâm vươn lên lao động sản xuất, kinh doanh thoát nghèo.

Thực hiện tốt chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước và của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là chủ trương, chính sách, dự án liên quan đến ĐBDTTS, trọng tâm là Nghị quyết số 88/2019/QH14, ngày 18/11/2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Nghị quyết số 120/2020/QH14, ngày 19/6/2020 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Nghị quyết số 120/NQ-CP, ngày 15/2/2020 của Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 gắn với thực hiện Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới, Quyết định số 402/QĐ-TTg, ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trong thời kỳ mới…

 Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt là vùng có đông đồng bào DTTS được quan tâm thực hiện. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

Đây là giải pháp có ý nghĩa rất quan trọng, làm cơ sở trong tổ chức thực hiện, bảo đảm theo đúng định hướng và trúng với từng đối tượng, giúp đồng bào DTTS nâng cao đời sống, tạo niềm tin vào sự lãnh đạo của cấp ủy, quản lý điều hành của chính quyền; đồng thời, hạn chế các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước ta.

Tăng cường nguồn lực trong tiếp cận thông tin, hỗ trợ kiến thức để chuyển giao khoa học - kỹ thuật phát triển sản xuất, phát huy tiềm năng, lợi thế vùng đồng bào DTTS; làm tốt công tác vận động, thuyết phục đồng bào thực hiện chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng phát triển những sản phẩm có giá trị kinh tế cao theo chuỗi giá trị; hỗ trợ nguồn vốn xây dựng mô hình theo Chương trình OCOP của từng địa phương, đơn vị.

Tập trung giải quyết tốt chính sách lao động, việc làm và thu nhập, nhằm bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, phấn đấu đến năm 2025 thu nhập bình quân của người DTTS đạt từ 70 triệu đồng trở lên. Thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững; giải quyết tốt tình trạng hộ nghèo DTTS thiếu đất ở, nhà ở và các chính sách an sinh xã hội; phấn đấu giải quyết trên 90% tình trạng thiếu đất ở, nhà ở cho hộ nghèo đồng bào DTTS, hàng năm, giảm hộ nghèo trong đồng bào DTTS từ 3 - 4%.

Tập trung nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề, chú trọng đào tạo những ngành nghề phù hợp với sự phát triển của địa phương và thị trường lao động nhằm khắc phục tình trạng đào tạo nghề chưa gắn với nhu cầu sử dụng lao động trong đồng bào DTTS. Phấn đấu đến năm 2025, có 65% người DTTS trong độ tuổi lao động được đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm.

Quan tâm, đầu tư phát triển giáo dục vào đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và trình độ dân trí, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, tiếng nói, chữ viết và truyền thống tốt đẹp của đồng bào Khmer, Hoa… Tập trung đầu tư xây dựng, nâng cao chất lượng tiêu chí và số lượng trường phổ thông tộc nội trú đạt chuẩn quốc gia; thực hiện tốt công tác xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS.

Phấn đấu đến năm 2025, 100% trường phổ thông dân tộc nội trú đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS làm việc tại các cơ quan cấp tỉnh từ 20% trở lên; cấp huyện, thị xã, thành phố từ 25% trở lên; cấp xã, phường, thị trấn 15% trở lên; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, tạo điều kiện để đồng bào, nhất là trẻ em phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ. Phát huy giá trị văn hóa, đời sống sinh hoạt của các dân tộc, từng bước hình thành các sản phẩm du lịch đặc thù, nâng cao tầm vóc của các sự kiện lễ hội độc đáo của 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa.

Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, quản lý của chính quyền trong tổ chức thực hiện kết hợp phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS với quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân, bảo đảm cho chủ trương kết hợp phát triển KT-XH với công tác quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân đi vào thực tiễn một cách thực chất và hiệu quả, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch xuyên tạc, phủ định các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc./.

P.V

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản