Tin mới

Sức sống mới ở những thôn bản vùng khó

(Mặt trận) -Đến với những xóm, xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS và MN) tại Thái Nguyên, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng trước diện mạo đổi mới về cơ sở hạ tầng và đời sống của người dân. Những con đường gập ghềnh đèo dốc xưa kia, nay đã được mở rộng, trải nhựa, đổ bê tông phẳng lì; người dân được sử dụng điện lưới quốc gia. Từ chỗ độc canh một loại cây trồng, nay ở các thôn, bản đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế đem lại hiệu quả cao...

Những ngôi nhà “Ý Đảng, lòng dân” ở huyện Mường Lát

Bình Phước: Biến Chương trình mục tiêu quốc gia thành động lực mạnh mẽ phát triển KTXH bền vững

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Diện mạo khởi sắc

Từ năm 2019 trở về trước, để vào xóm Cao Biền, xã Phú Thượng (Võ Nhai), nơi có 50 hộ đồng bào dân tộc Dao sinh sống, chúng ta có thể đi theo con đường từ trung tâm xã Phú Thượng hoặc theo lối từ trung tâm xã Vũ Chấn. Tuy nhiên, cả hai con đường trên chỉ đi xe được vào những ngày nắng, còn ngày mưa bắt buộc phải cuốc bộ, bởi đường đất, trơn trượt, lổm nhổm đất, đá. Vì tách biệt với bên ngoài nên cuộc sống của đồng bào ở Cao Biền gặp không ít khó khăn.

Nhưng từ năm 2020 đến nay, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào nơi đây đã từng bước được cải thiện. Con đường bê tông từ trung tâm xã Vũ Chấn đến xóm dài khoảng 17km đã được đổ bê tông; những ngôi nhà đã sáng ánh điện. Cao Biền cũng là xóm cuối cùng trên địa bàn tỉnh có điện lưới quốc gia.

Ông Triệu Tiến Hanh, Trưởng xóm Cao Biền, chia sẻ: Nhờ con đường bê tông, giao thương hàng hóa thuận lợi hơn nhiều. Nhà nước lại đầu tư cho đồng bào thêm đường điện để thắp sáng, phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Có đường, có điện, nhiều gia đình đã mua sắm các thiết bị sinh hoạt hiện đại về dùng; đầu tư xe máy, xe tải để đi lại và phục vụ sản xuất - kinh doanh. Hiện nay, cuộc sống của đồng bào đã thay đổi rõ rệt. Nếu như năm 2016, hầu hết các hộ dân trong xóm thuộc diện nghèo, thì nay, Cao Biền chỉ còn 15/50 hộ nghèo.

Còn ở xóm đồng bào dân tộc Mông Na Sàng, xã Phú Đô (Phú Lương), từ cả chục năm trước, người dân sinh sống chủ yếu phụ thuộc cây ngô, cây sắn. Nhưng hạt ngô, củ sắn làm ra cũng chỉ đủ để phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày, chứ không có dư để bán. Không cam chịu đói nghèo, những năm gần đây, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước và sự nỗ lực vươn lên của người dân, cuộc sống ở Na Sàng đã có nhiều đổi thay. Đồng bào trong xóm tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa cây keo, cây chè vào trồng để nâng cao thu nhập cho gia đình. Hiện nay, cả xóm có trên 80ha rừng sản xuất và gần 10ha chè.

Không chỉ là những thay đổi về cơ sở hạ tầng, đời sống người dân, thời gian qua, nhờ Chương trình chuyển đổi số của tỉnh, người dân xóm Na Sàng còn được tiếp cận với sóng diện thoại và các dịch vụ viễn thông.

Chị Hoàng Thị Quỳnh, người dân xóm Na Sàng, phấn khởi: Trước đây, người dân trong xóm muốn liên lạc với nhau phải đến tận nhà. Giờ có sóng điện thoại, chúng tôi chỉ cần ngồi tại nhà để gọi điện thoại, hỏi cách làm ăn trên mạng Internet, bán hàng trực tuyến trên mạng xã hội Zalo, Facebook...

 Đồng bào DTTS bán các sản phẩm chè qua hình thức livestream trên mạng xã hội.

Chính sách lớn dành cho đồng bào

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách đối với vùng đồng bào DTTS và MN. Cùng với đó là sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, địa phương và sự nỗ lực vươn lên của đồng bào. Nhờ đó, kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS đã có bước phát triển rõ rệt.

Cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực, sinh kế của người dân ngày càng đa dạng, phong phú; thu nhập được cải thiện; an ninh trật tự được giữ vững; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường, các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy...

Đến nay, 100% các xóm trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có đường giao thông kết nối tới trung tâm xã được cứng hóa; 100% các xóm có điện lưới Quốc gia; số xã, xóm đặc biệt khó khăn giảm từ 36 xã, 542 xóm giai đoạn 2016-2020 xuống còn 14 xã và 142 xóm giai đoạn 2021-2025.

Ông Hoàng Phong, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh, cho biết: Thái Nguyên đã và đang triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021-2030 một cách hiệu quả. Toàn tỉnh phấn đấu đến hết năm 2025, đồng bào DTTS có mức thu nhập tăng trên 2 lần so với năm 2020; giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 2%/năm; giảm 50% số xã và 50% số xóm đặc biệt khó khăn; đường đến trung tâm các xóm được nhựa hóa, bê tông hóa 100%; 50% số lao động trong độ tuổi lao động được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu...

Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện có 50 DTTS cùng sinh sống, với trên 384.000 người, chiếm gần 30% dân số. Đồng bào DTTS sinh sống tập trung chủ yếu ở 5 huyện: Định Hóa, Võ Nhai, Phú Lương, Đồng Hỷ và Đại Từ. Trong giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh còn 110 xã, thị trấn vùng đồng bào DTTS và MN; 142 xóm đặc biệt khó khăn.

Vũ Công 

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản