(Mặt trận) -Huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 83%, trình độ dân trí không đồng đều, nhận thức về chính trị, pháp luật còn hạn chế. Do đó, thời gian qua công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Tân Sơn luôn được quan tâm, chú trọng, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân.
|
Cán bộ xã Văn Luông hướng dẫn người dân tìm hiểu kiến thức pháp luật tại Tủ sách pháp luật. |
Văn Luông là xã còn nhiều khó khăn của huyện, hiện có gần 8.000 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 90%. Những năm qua, được sự quan tâm của các cấp, ngành trong đầu tư cơ sở hạ tầng, văn hoá xã hội, đời sống của người dân xã từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, việc tiếp cận kiến thức pháp luật của người dân nơi đây vẫn còn có những hạn chế nhất định. Để khắc phục tình trạng này, thời gian qua, xã đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng của huyện tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật cho người dân. Đặc biệt quan tâm bồi dưỡng, phát huy vai trò của đội ngũ người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật…
Bà Nguyễn Thị Thanh Hoa - Phó Chủ tịch UBND xã Văn Luông, cho biết: Để nâng cao hiểu biết pháp luật cho người dân, xã đã quan tâm đầu tư, khai thác tốt các thiết chế văn hóa cơ sở, như tủ sách pháp luật, hệ thống loa truyền thanh, các CLB pháp luật, tổ hoà giải ở cơ sở... Thông qua đội ngũ báo cáo viên, nhiều chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đã được phổ biến ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nghe, giúp người dân nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật. Qua đó, từng bước phát huy hiệu quả trong việc đưa pháp luật đến với người dân, đồng bào các dân tộc thiểu số.
|
Cán bộ xã Xuân Sơn đến tận nhà người dân để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. |
Để công tác tuyên truyền hiệu quả, ngay từ đầu năm, UBND huyện đã ban hành kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Yêu cầu các địa phương, phòng, ban chuyên môn của huyện khảo sát, đánh giá thực trạng, nhu cầu tuyên truyền pháp luật của người dân các xã, từ đó lựa chọn nội dung hiệu quả; tích cực đổi mới hình thức tuyên truyền, gắn với các sự kiện, tình huống pháp lý cụ thể và phù hợp với nhóm đối tượng, địa bàn, lĩnh vực. Chú trọng phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng đặc thù mà trọng tâm là người dân ở vùng dân tộc thiểu số, các xã đặc biệt khó khăn. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Bên cạnh đó, huyện tiếp tục rà soát, củng cố, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật các cấp; tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật mới và kỹ năng, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật chuyên sâu theo từng lĩnh vực, địa bàn quản lý cho đội ngũ này. Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp tăng cường thông tin, định hướng công tác tuyên truyền phù hợp với thực tiễn. Nhờ vậy, đã kịp thời nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, góp phần giải quyết được những tồn tại, bức xúc…
Với các giải pháp tuyên truyền phù hợp, đến nay công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn huyện ngày càng hiệu quả; không ngừng nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân trên địa bàn. Qua đó, góp phần giải quyết dứt điểm những mâu thuẫn ở cơ sở, tránh được các vụ việc khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp, giữ vững trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tú Anh