Tin mới

Tạo động lực để đồng bào Khmer vươn lên

(Mặt trận) -Tỉnh Vĩnh Long phấn đấu đến năm 2024 cơ bản hỗ trợ cho 100% đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và đặc biệt khó khăn có nhà và đất ở ổn định, giảm tỷ lệ hộ nghèo dân tộc của tỉnh bình quân hàng năm từ 3-4%.

Phú Yên: Đẩy mạnh hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất

Đức Cơ nỗ lực giúp người nghèo an cư

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

 Ngày mùa.

Khắc phục khó khăn trong thực hiện chính sách

Theo Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Long, tình hình phát triển kinh tế trong vùng đồng bào dân tộc Khmer tuy có phát triển nhưng vẫn còn chậm, chưa đồng đều, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo có giảm nhưng còn cao so với hộ nghèo chung của tỉnh. Hiện nay, đa phần các hộ gia đình nghèo trong vùng có nghề nghiệp không ổn định, đông con, thiếu vốn và thiếu tư liệu sản xuất nên khi được hỗ trợ chính sách lại gặp nhiều lúng túng, không biết sử dụng nguồn vốn như thế nào để làm ăn hiệu quả. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh và giá cả không ổn định cũng tác động đến hiệu quả của các chính sách.

Phó Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn, ông Ngô Vĩnh Tuân, cho rằng, những chính sách hỗ trợ vừa qua đã giúp cho nhiều hộ dân của xã có điều kiện phát triển kinh tế. Tuy nhiên, do đa phần người dân chưa xây dựng được phương án sản xuất phù hợp, hiệu quả nên trong các dự án hỗ trợ vốn, người dân đều tập trung vào chăn nuôi bò. Điển hình như thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2017 - 2020, có 80 hộ vay thì 76 hộ vay chăn nuôi bò. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu nguồn thức ăn nhưng lại dư nguồn cung, khó tiêu thụ. Ngoài ra, tình hình dịch bệnh trên bò những năm qua cũng diễn biến phức tạp đã khiến nhiều hộ dân chăn nuôi từ nguồn vốn vay bị thiệt hại. Mặc dù các trường hợp này đều được khảo sát, ghi nhận và có chính sách hỗ trợ, tuy nhiên người dân vẫn thiệt hại, đồng thời mang tâm lý lo lắng không dám mạnh dạn tiếp tục chăn nuôi.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long Trần Thanh Lâm, trong năm 2020, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã tổ chức đoàn phối hợp cùng các ngành liên quan giám sát các chương trình, dự án hỗ trợ đồng bào dân tộc Khmer tại địa phương. Qua khảo sát và giám sát thực tế tại các địa phương, nhất là gặp trực tiếp các hộ dân cho thấy, những chương trình hỗ trợ bước đầu phát huy hiệu quả, mở ra hướng đi mới cho đồng bào Khmer phát triển đời sống, vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn những khó khăn, hạn chế như công tác khảo sát, thẩm định hộ nghèo đôi lúc thực hiện chưa tốt, từ đó dẫn đến tình trạng một số hộ không đảm bảo về điều kiện chuyển đổi nghề phù hợp với tình hình phương án làm ăn của hộ gia đình.

 Bà Thạch Thị Dện ở xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn (Vĩnh Long) chăm sóc đàn bò do đề án hỗ trợ nuôi bò sinh sản cho hộ nghèo hỗ trợ.

Khuyến khích để người dân tự lực vươn lên

Tỉnh Vĩnh Long phấn đấu từ nay đến năm 2024 cơ bản hỗ trợ cho 100% đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đặc biệt khó khăn có nhà, đất ở ổn định, giảm tỷ lệ hộ nghèo dân tộc của tỉnh bình quân hàng năm từ 3-4%. 

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long Trần Thanh Lâm, để đạt được mục tiêu này, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện các chính sách của Trung ương, tỉnh Vĩnh Long cần tích cực giám sát các chương trình, dự án đặc thù của tỉnh, có những điều chỉnh kịp thời để phù hợp với tình hình thực tế. Đặc biệt, cần chú trọng hỗ trợ theo phương châm “trao cần câu hơn xâu cá” để tạo động lực trong đồng bào Khmer tự thân vươn lên thoát nghèo, không còn ỷ lại từ nguồn vốn hỗ trợ của chính quyền.

Là địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống, huyện Trà Ôn đã xác định ba khâu đột phá thực hiện trong giai đoạn 2020-2025 nhằm phát triển kinh tế xã hội địa phương, trong đó có định hướng chỉ tiêu về hộ nghèo giảm bình quân hàng năm 1,5%, giảm tỷ lệ hộ nghèo đồng bào Khmer hàng năm 3%.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Trà Ôn Nguyễn Chí Hiếu cho rằng, trong giai đoạn tới, khi áp dụng tiêu chí bình xét hộ nghèo mới, tỷ lệ hộ nghèo của huyện dự kiến tiếp tục tăng lên. Do đó huyện sẽ đẩy mạnh tuyên truyền để đồng bào tự lực vươn lên, đồng thời chỉ đạo các ngành, địa phương hỗ trợ người dân chuyển đổi đa dạng các nghề, tạo điều kiện để người dân được học nghề và giới thiệu việc làm, từ đó có điều kiện chăm lo phát triển kinh tế gia đình, tự vươn lên thoát nghèo.

Phó Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ Ngô Vĩnh Tuân nhấn mạnh, với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 4%, trong đó hộ nghèo trong đồng bào dân tộc còn dưới 8%, góp phần đưa xã Tân Mỹ đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2024, xã khuyến khích động viên hộ nghèo, hộ cận nghèo phát huy nội lực, tự lực vươn lên nâng cao chất lượng cuộc sống. Trong thời gian tới, xã tiếp tục quản lý chặt chẽ các nguồn vốn, các chương trình, dự án đầu tư hỗ trợ hộ nghèo, đánh giá kỹ về hiệu quả các phương án sản xuất trước khi cho vay vốn. Đồng thời, xã tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế trong đồng bào Khmer, tăng cường hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật để người dân nắm bắt, từ đó sử dụng đồng vốn vay  hiệu quả.

Theo Trưởng ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Long Thạch Dương, từ nay đến năm 2024, tỉnh Vĩnh Long tiếp tục đẩy mạnh giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc, giảm dần vùng đặc biệt khó khăn, từng bước hình thành các trung tâm kinh tế, văn hóa vùng dân tộc thiểu số. Theo đó, Ban Dân tộc phối hợp với các ngành, các địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách nhằm phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, nâng cao đời sống, giảm nghèo trong đồng bào Khmer; tập trung thực hiện lồng ghép các chương trình, đề án, kế hoạch của Chính phủ gắn với huy động nhiều nguồn lực để đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, tỉnh tiếp tục quan tâm thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, cho vay vốn phát triển sản xuất để nâng cao chất lượng cuộc sống đồng bào Khmer.

Ngoài ra, Ban Dân tộc phối hợp với Ủy ban MTTQ , đoàn thể các cấp tranh thủ vận động và phát huy vai trò của lực lượng cốt cán, người có uy tín trong đồng bào Khmer, thông qua đó để hướng dẫn đồng bào dân tộc chấp hành, thực hiện tốt các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Tích cực vận động và phát huy vai trò của đồng bào Khmer trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực, nhất là phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh”... góp phần xây dựng vùng đồng bào dân tộc Khmer ngày càng phát triển. 

LÊ HẰNG

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản