Tin mới

Tạo động lực thúc đẩy vùng dân tộc thiểu số và miền núi xứ Thanh phát triển

(Mặt trận) -Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021-2030 có ý nghĩa quan trọng, đóng góp vào việc thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và tạo ra những ảnh hưởng tích cực đến đời sống của người dân vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng

Những kết quả nổi bật trên hành trình giảm nghèo bền vững ở Vĩnh Linh

Phát huy vai trò người có uy tín ở xã Trung Sơn

 Cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo (Quan Sơn) và Ban quản lý bản Ché Lầu thăm hỏi người có uy tín ở bản Ché Lầu.

Thanh Hóa tập trung triển khai thực hiện chương trình

Thực hiện Quyết định số 1719/QĐ-TTg, ngày 14-10-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (giai đoạn 1 từ 2021-2025), Tỉnh ủy Thanh Hóa ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025; HĐND tỉnh thông qua nghị quyết ban hành quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương, thông qua nghị quyết đã phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025. Ban chỉ đạo các chương trình MTQG các cấp đã chủ động trong công tác chỉ đạo, điều hành, phân công và thực hiện các nhiệm vụ, nội dung của chương trình theo đúng các quy định.

Đặc biệt, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 281/KH-UBND, ngày 16-12-2021 về triển khai thực hiện Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch số 257/KH-UBND, ngày 1-11-2022 về triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN năm 2022; Kế hoạch số 106/KH-UBND, ngày 5-5-2023 về triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN năm 2023 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa (gọi tắt chương trình).

Chương trình gồm 10 dự án như: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt. Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết. Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS&MN và các đơn vị sự nghiệp công của lĩnh vực dân tộc. Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch. Chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS. Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS&MN...

Tại Thanh Hóa, tổng nguồn vốn ngân sách Trung ương giao giai đoạn 2021-2025 thực hiện chương trình là 1.231,275 tỷ đồng. Năm 2022, tổng vốn ngân sách Trung ương giao cho tỉnh là 394,483 tỷ đồng (trong đó vốn đầu tư 238,108 tỷ đồng; vốn sự nghiệp là 156,375 tỷ đồng). Năm 2023, tổng vốn ngân sách Trung ương giao cho tỉnh là 759,892 tỷ đồng (trong đó vốn đầu tư phát triển là 310,809 tỷ đồng, vốn sự nghiệp là 449,083 tỷ đồng).

Nhằm triển khai thực hiện chương trình, thời gian qua tỉnh Thanh Hóa đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong xã hội và Nhân dân. Tập trung xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách, hướng dẫn triển khai thực hiện chương trình. Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương đẩy nhanh hoàn thành các thủ tục đầu tư và giải ngân nguồn vốn thực hiện. Tổ chức rà soát, tham mưu sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan đến vùng đồng bào DTTS&MN và chính sách dân tộc; kịp thời đề xuất, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các văn bản có liên quan không còn phù hợp để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung của chương trình. Tổ chức kiểm tra, giám sát quá trình tổ chức triển khai thực hiện chương trình đảm bảo đúng mục tiêu đã được phê duyệt.

Năm 2023, căn cứ Kế hoạch số 106/KH-UBND, ngày 5-5-2023 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện chương trình, UBND các huyện, thị xã đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chương trình năm 2023. Kế hoạch nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu gắn với phân công nhiệm vụ cho các phòng, ban của huyện và UBND các xã, thị trấn thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của huyện về phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN năm 2023, đảm bảo đúng tiến độ và hiệu quả.

Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho Nhân dân

Bám sát Kế hoạch số 106/KH-UBND, ngày 5-5-2023 của UBND tỉnh (thực hiện nội dung số 01 và nội dung số 02 thuộc Tiểu dự án 01, Dự án 10: Biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của người có uy tín; phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý và tuyên truyền vận động đồng bào DTTS), các đơn vị, địa phương đã và đang tập trung triển khai thực hiện các nội dung của Tiểu dự án 01.

Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cầm Bá Tường cho biết: Ban Dân tộc tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 861-KH/BDT thực hiện nội dung số 01 và nội dung số 02, thuộc Tiểu dự án 01, Dự án 10 Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Theo kế hoạch, đối với nội dung số 01 về biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của người có uy tín, sẽ được tổ chức quy mô cấp tỉnh, thực hiện trong quý IV-2023. Đối với nội dung số 02 về phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý và tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS, Ban Dân tộc phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức 7 hội nghị tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân tại các thôn bản đặc biệt khó khăn tại các huyện: Lang Chánh, Quan Sơn, Thạch Thành, Ngọc Lặc. Thời gian triển khai các hội nghị được thực hiện vào quý III, quý IV năm 2023. Cùng với đó, Ban Dân tộc phối hợp tổ chức hội thi tìm hiểu pháp luật cho học sinh Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Như Thanh và huyện Thạch Thành dưới hình thức sân khấu hóa. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Thông qua các nội dung tuyên truyền nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình; nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác vận động phát huy vai trò của người có uy tín; biểu dương tôn vinh, ghi nhận công lao và sự đóng góp của các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS&MN trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao nhận thức pháp luật cho đồng bào vùng DTTS&MN của tỉnh, nhất là người dân ở vùng đặc biệt khó khăn.

Theo Báo cáo số 99/BC-UBND, ngày 29-5-2023 của UBND tỉnh về tình hình triển khai thực hiện các chương trình MTQG giai đoạn 2021-2023; giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2023-2025 và định hướng triển khai trong giai đoạn 2026-2030: Các chương trình MTQG đã có đóng góp quan trọng vào thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH của tỉnh Thanh Hóa, tạo ra những ảnh hưởng tích cực và có ý nghĩa đến đời sống của người dân.

Giai đoạn 2021-2023, Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN góp phần thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng so với bình quân chung của cả nước. Giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn, quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng. Nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người DTTS. Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các DTTS đi đôi với xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu. Xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực DTTS năm 2022 giảm 7,33%; thu nhập bình quân của người dân là đồng bào DTTS&MN năm 2022 đạt 34,6 triệu đồng.

Ngọc Huấn

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản