Củng cố niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số
Với sinh kế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, đất đai đã và luôn là tư liệu sản xuất đặc biệt quan trọng đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Vì thế, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước luôn có quan điểm, chủ trương rõ ràng về việc giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hộ dân tộc còn sống du canh, du cư. Trên cơ sở quan điểm, chủ trương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã thể chế hóa đầy đủ thành các văn bản luật, văn bản dưới luật nhằm tạo điều kiện tối đa để đồng bào dân tộc thiểu số có đất ở, đất sản xuất, bảo đảm sinh kế, vươn lên thoát nghèo.
Cụ thể, Luật Đất đai năm 2013 đã quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước về đất ở, đất sản xuất nông nghiệp đối với đồng bào dân tộc thiểu số (Điều 27); đồng thời, ban hành chính sách miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với trường hợp sử dụng đất ở, đất sản xuất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân là đồng bào đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hải đảo (Khoản 1, Điều 110).
Gần đây nhất, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, trong đó nêu rõ, đến năm 2025, giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt theo Kết luận số 65-KL/TW ngày 30.10.2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới.
Theo nguyên Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam Đỗ Hậu, thời gian qua, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã được thụ hưởng chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất. Nhờ đó, đồng bào rất phấn khởi, yên tâm lao động sản xuất, không du canh, không di cư tự do, cùng nhau nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Tại các khu, điểm định canh, định cư, tái định cư đã được quy hoạch và đầu tư đồng bộ về kết cấu hạ tầng, xây dựng khu dân cư, bố trí đất sản xuất, đáp ứng cơ bản nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của đồng bào. Đây là những kết quả quan trọng nhằm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tăng cường khối đoàn kết các dân tộc, củng cố niềm tin của đồng bào ở vùng miền núi, biên giới, vùng dân tộc thiểu số dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Hỗ trợ đồng bào sử dụng hiệu quả đất được giao
Tuy nhiên, thực trạng đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất ở, đất sản xuất, di cư tự phát… vẫn đang diễn ra, đòi hỏi phải giải quyết sớm để góp phần giảm nghèo bền vững ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo Phó Vụ trưởng Vụ Dân tộc (Văn phòng Quốc hội) Triệu Văn Bình, hiện còn khoảng 24.500 hộ dân tộc thiểu số di cư tự phát cần sắp xếp, bố trí ổn định dân cư; 122.488 hộ còn ở nhà tạm bợ, dột nát; 82.893 hộ thiếu đất sản xuất; 58.123 hộ thiếu đất ở…
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, theo nguyên Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam Đỗ Hậu, quá trình thực thi các chính sách liên quan đến hỗ trợ đất ở, đất sản xuất còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều địa phương không đủ quỹ đất để thực hiện do ở miền núi cao, địa hình phức tạp, thường xuyên bị chia cắt, có độ dốc cao. Bên cạnh đó, diện tích đất sản xuất đa phần là manh mún, hầu hết chưa được xác lập quyền sử dụng đất nên khó có giải pháp để hỗ trợ. Còn theo Chủ tịch Hội chủ rừng Việt Nam Nguyễn Bá Ngãi, hiện nay Nhà nước chưa xây dựng chính sách khuyến khích để cộng đồng dân tộc thiểu số nhận rừng nghèo, rừng ở nơi xa, khó khăn trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, trong khi cả nước còn trên 2,9 triệu hecta rừng chưa có chủ.
Ở góc độ khác, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Xuân Lương cho biết, nguyên nhân đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất là do nghèo đói nên đã chuyển nhượng, cầm cố đất đai và không có khả năng mua, chuộc lại. Mặt khác, việc rà soát, sắp xếp đất đai do các nông, lâm trường, công ty nông - lâm nghiệp, ban quản lý rừng sử dụng còn chậm và chưa hiệu quả. Một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn có tập quán du canh, du cư, chưa quan tâm đến việc đăng ký, xác lập quyền sử dụng đất nên dễ dẫn đến tình trạng lấn, chiếm, tranh chấp, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu đất sản xuất.
Để giải quyết vấn đề này, các đại biểu cho rằng, cần xác định rõ hơn mục tiêu giải quyết đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số không phải chỉ là có đất sản xuất mà phải là tạo sinh kế bền vững. Theo đó, nơi còn quỹ đất thì có chính sách, nguồn lực thu hồi đất để cấp cho đồng bào, với những nơi không còn quỹ đất thì tập trung chuyển đổi nghề, miễn sao có thu nhập ổn định, tạo sinh kế bền vững cho đồng bào. Nhiều ý kiến đề nghị, cần đẩy mạnh việc bố trí ổn định các khu dân cư, khu sản xuất cho đồng bào, bảo đảm phát triển toàn diện cả về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh; bố trí đủ vốn để tổ chức đo đạc, xác định cụ thể ranh giới, diện tích đất để giao đất sản xuất, cấp Giấy chứng nhận cho các hộ gia đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất.
Cùng với đó, phải tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật về đất đai liên quan đến quyền tiếp cận đất đai của đồng bào dân tộc thiểu số, như việc rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định của Luật Đất đai về việc giao đất rừng đặc dụng, phòng hộ và rừng sản xuất cho đồng bào, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với quy định của Luật Lâm nghiệp. Quy định chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư tại vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số như về mặt bằng sản xuất, kinh doanh; được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; được quỹ hỗ trợ đầu tư xem xét cho vay tín dụng trung hạn và dài hạn… Ngoài ra, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ để đồng bào quản lý, sử dụng có hiệu quả quỹ đất sản xuất đã giao, không cho chuyển nhượng.
Trung Thành