(Mặt trận) -Xã Trọng Hóa (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) là xã vùng biên của tỉnh Quảng Bình, có gần 100% đồng bào Chứt sinh sống. Từ nguồn đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi giai đoạn 2021-2030; giai đoạn 1: 2021-2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719), nhiều mô hình sinh kế cho đồng bào đã và đang được triển khai với mục tiêu giúp đồng bào thoát nghèo bền vững.
|
Trọng Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) là xã vùng biên có gần 100 đồng bào Chứt sinh sống |
Xã Trọng Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) là xã vùng biên có gần100% đồng bào Chứt sinh sống. Thực hiện tiểu dự án 2, thuộc Dự án 3 (Chương trình MTQG 1719) về hỗ trợ các mô hình trồng trọt, chăn nuôi. Ủy ban nhân dân xã Trọng Hóa đã xây dựng Dự án nuôi dê cỏ sinh sản triển khai trong phạm vi 21 hộ đồng bào Chứt.
Với tổng kinh phí gần 400 triệu đồng, trong đó nguồn vốn từ Chương trình MTQG 1719 đầu tư gần 300 triệu đồng, vốn đối ứng của người dân tham gia mô hình đối ứng 100 triệu đồng. Với mục tiêu, hỗ trợ phát triển sản xuất và chuyển giao khoa học kỹ thuật để đồng bào phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo. Theo đó, mỗi hộ gia đình tham gia dự án sẽ được cấp 4 con dê giống, trong đó có 3 dê cái và 1 dê đực. Tất cả 84 con dê cấp theo dự án đều theo tiêu chuẩn là dê cỏ; Có nguồn gốc lý lịch rõ ràng; Có giấy kiểm dịch của cơ quan thú y và đã được tiêm chủng các loại vắc xin theo quy định hiện hành. Dê từ 6 tháng tuổi trở lên có trọng lượng từ 15 -20kg/con; Có ngoại hình thanh mảnh, mình dài, phần sau phát triển hơn phần trước, da mỏng lông nhỏ mịn…đủ tiêu chuẩn làm dê giống.
Theo kế hoạch, Dự án nuôi dê cỏ sinh sản ở xã Trọng Hóa sẽ được triển khai trong tháng 8/2023. Đến nay, danh sách các hộ gia đình được hỗ trợ dê giống theo Dự án đã được Ủy ban nhân dân xã phê duyệt. Khi tham gia dự án, các hộ gia đình ngoài được hỗ trợ dê giống còn được hỗ trợ thức ăn cho dê. Định kỳ, cán bộ thú y sẽ kiểm tra tốc độ sinh trưởng của dê, ngoài ra, đồng bào còn được chuyển gia kỹ thuật nuôi dê để có hiệu quả kinh tế.
Hộ gia đình ông Hồ Văn Thông là một hộ nghèo ở xã Trọng Hóa. Từ trước tới nay, nguồn thu nhập chính của gia đình ông chỉ trông chờ vào rẫy sắn và ít đất rừng trồng keo. Thiếu sinh kế nên cái nghèo cứ đeo bám gia đình ông từ nhiều năm nay không có lối thoát. Khi biết mình sắp được hỗ trợ dê giống, ông Thông không giấu được niềm vui.
“Tôi rất vui khi biết gia đình mình sắp được hỗ trợ dê giống để nuôi. Ở bản đất rộng, dê lắm cái ăn lại được cán bộ thú y kiểm tra thường xuyên chắc chắn dê sẽ nhanh lớn lắm”. Ngưng lại một lúc rồi ông Thông cho biết thêm, hiện gia đình tôi đang chuẩn bị vật tư để làm chuồng cho dê đây.
Theo cách tính của địa phương thì nuôi dê cỏ sinh sản cho hiệu quả kinh tế cao. Nếu phát triển bình thường, sau 12 tháng nuôi, đàn dê cỏ của Dự án cho lợi nhuận trên 230 triệu đồng, bình quân mỗi hộ nuôi có lợi nhuận hơn 11 triệu đồng.
Trao đổi với phóng viên báo Dân tộc và Phát triển, ông Hồ Phin, Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa Cho biết: “Dự án nuôi dê cỏ sinh sản là một dự án có ý nghĩa dân sinh rất lớn, địa phương rất tâm huyết để triển khai. Các hộ được thụ hưởng Dự án rất vui, khi dê được cấp phát cho đồng bào sẽ tạo thêm sinh kế để đồng bào vươn lên thoát nghèo bền vững”.
Chương trình MTQG 1719 đã và đang tác động tích cực đến đời sống đồng bào Chứt ở Trọng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình). Tại bản Lòm, dự án trồng lúa nước có quy mô 6ha với tổng mức đầu tư hơn 5 tỷ đồng cũng đang gấp rút để triển khai giai đoạn 2. Khi dự án hoàn thành, trung bình mỗi hộ gia đình sẽ được cấp 1,5 sào đất trồng lúa nước. Người Chứt ở bản Lòm đang mong chờ được cày cấy trên ruộng lúa nước của chính mình. Ngoài ra, Chương trình MTQG 1719 còn đầu tư xây dựng nhiều công trình như: Cải tạo phòng học, khuôn viên trường phổ thông DTBT TH & THCS số 2 Trọng hóa tại bản Dộ- Tà Vờng; Nhà văn hóa bản La Trọng 1....Đặc biệt, Chương trình MTQG 1719 cũng đầu từ làm nhà cho 27 hộ đồng bào Chứt trên địa bàn xã Trọng Hóa.
Khánh Ngân