Tham dự Hội nghị tập huấn có 80 đại biểu đại diện Ban Thường trực, cán bộ chuyên trách công tác dân tộc, công tác dân chủ-pháp luật; Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng và người uy tín tiêu biểu đến từ Ủy ban MTTQ 8 tỉnh khu vực phía Bắc gồm: Bắc Kạn, Thái Nguyên, Yên Bái, Tuyên Quang, Bắc Giang, Hòa Bình, Phú Thọ, Quảng Ninh.
|
Quang cảnh Hội nghị |
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe phổ biến chuyên đề về công tác dân tộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chuyên đề vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay; chuyên đề tổng quan về Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021-2030; chuyên đề giám sát Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021-2030.
Công tác dân tộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số của MTTQ Việt Nam
Phổ biến, hướng dẫn một số nội dung trọng tâm của công tác dân tộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số của MTTQ Việt Nam hiện nay, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh, công tác dân tộc và đoàn kết các dân tộc luôn có vị trí chiến lược quan trọng trong cách mạng Việt Nam. Trong giai đoạn từ Đại hội VI đến nay, chủ trương, đường lối về công tác dân tộc, chính sách dân tộc được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đặc biệt quan tâm và ban hành bằng những văn bản cụ thể, làm cơ sở cho Nhà nước thể chế hóa thành chính sách dân tộc.
|
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam hướng dẫn chuyên đề tại Hội nghị |
Công tác dân tộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi của MTTQ Việt Nam là hệ thống các hoạt động của Mặt trận trong việc đề ra và thực hiện các chủ trương, nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch về công tác dân tộc theo chức năng, nhiệm vụ của mình nhằm góp phần to lớn vào thực hiện thành công nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, tập hợp, tổ chức đồng bào các dân tộc tham gia thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đất nước; nắm và phát huy vai trò người có uy tín tiêu biểu trong cộng đồng các dân tộc; ngăn chặn, đấu tranh, làm thất bại các âm mưu, thủ đoạn phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc của Đảng, góp phần xây dựng, củng cố, phát huy khối đoàn kết dân tộc trong công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước.
Theo Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh, để tăng cường công tác dân tộc của MTTQ Việt Nam đảm bảo phương châm Chân thành, tích cực, thận trọng, kiên trì, tế nhị và vững chắc, trong thời gian tới, cần triển khai một số nội dung cụ thể sau: Đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên hệ thống các cơ quan báo chí, Fangage của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; tăng cường phối hợp triển khai, thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua phù hợp với vùng đồng bào dân tộc thiểu số; phối hợp tốt trong thực hiện công tác giám sát và phản biện xã hội đối với các chủ trương, chính sách về dân tộc và công tác dân tộc; triển khai thực hiện và giám sát Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021-2025; tích cực tham gia thực hiện công tác đối ngoại nhân dân của Mặt trận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường phối hợp thực hiện, tham gia xây dựng cơ chế, chính sách, phát huy vai trò người có uy tín tiêu biểu, nâng cao năng lực cán bộ Mặt trận vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Phổ biến, quán triệt tổng quan về Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021-2030, ông Vũ Đăng Minh, Trưởng ban Dân tộc UBTƯ MTTQ Việt Nam cho biết, ngày 14/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1719 về phê duyệt Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030. Chương trình MTQG theo 1719 bao gồm 10 dự án thành phần, 14 tiểu dự án, 36 nội dung hỗ trợ (tích hợp 118 chính sách về DTTS và công tác Dân tộc trước đây); trong đó Chính phủ đề nghị MTTQ Việt thực hiện trách nhiệm giám sát việc triển khai các dự án thành phần. Đây là chủ trương lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Mục tiêu của Chương trình đến năm 2025 phấn đấu mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng trên 2 lần so với năm 2020; tỉ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm trên 3%; phấn đấu 50% số xã, thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 70% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 99% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; 90% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình và nghe đài phát thanh; cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ở các xã đặc biệt khó khăn (khu vực III) và thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; hoàn thành cơ bản công tác định canh, định cư; sắp xếp, bố trí ổn định 90% số hộ di cư không theo quy hoạch;… Để đạt được những mục tiêu này, Chương trình đưa ra một số mục tiêu cụ thể và 10 dự án trọng tâm với dự kiến tổng mức vốn để thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 là 137.664,959 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương là 104.954,011 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương là 10.016,721 tỷ đồng; vốn vay tín dụng chính sách 19.727,020 tỷ đồng; vốn huy động hợp pháp khác 2.967,207 tỷ đồng.
Giám sát các công trình, dự án thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi
Hướng dẫn chuyên đề về giám sát Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021-2030, ông Nguyễn Văn Pha, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho biết, giám sát đầu tư của cộng đồng đối với các công trình, dự án thành phần của Chương trình là hoạt động tự nguyện của dân cư sinh sống trên địa bàn xã, phường, thị trấn nhằm theo dõi, kiểm tra việc chấp hành các quy định về quản lý đầu tư của cơ quan, đơn vị liên quan trong quá trình đầu tư các công trình, dự án thành phần của Chương trình; phát hiện, kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý các vi phạm về đầu tư các công trình, dự án thành phần của Chương trình (trừ các chương trình, dự án bí mật quốc gia theo quy định của pháp luật).
Các công trình, dự án thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn I (2021 - 2025) đều được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách do vậy giám sát đầu tư của cộng đồng đối với các công trình, dự án thành phần của Chương trình được thực hiện như giám sát đầu tư của cộng đồng đối với các công trình, dự án đầu tư công, được áp dụng thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công và Nghị định số 29/NĐ-CP, ngày 26/3/2021 của Chính phủ.
Tại Hội nghị, các học viên cũng đã được nghe, trao đổi, nâng cao nhận thức, chia sẻ kinh nghiệm, những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện. Qua các chuyên đề được trình bày tại Hội nghị tập huấn, các học viên đã nắm rõ những nội dung cần thiết, cơ bản, những phương pháp thực hiện trong công tác dân tộc, quy trình giám sát các công trình, dự án thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số của MTTQ Việt Nam.
Phương Hà