(Mặt trận) - Ngày 15/6, tại tỉnh Kiên Giang, UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên - Môi trường và các tôn giáo tổ chức Hội nghị tập huấn về biến đổi khí hậu (BĐKH) và kỹ năng ứng phó với biến đổi khí hậu cho chức sắc, chức việc các tôn giáo ở khu vực Tây Nam bộ tham dự có đại diện 5 tỉnh Kiên Giang, Cần Thơ, An Giang, Bạc Liêu, Hậu Giang.
|
Ông Nguyễn Văn Thanh phát biểu tại buổi khai mạc. |
Năm 2020 là năm thứ 5 triển khai thực hiện Chương trình phối hợp phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Sau 5 năm, với sự phối hợp tích cực, UBTƯ MTTQ Việt Nam, ngành Tài nguyên - Môi trường và các tổ chức tôn giáo đã phối hợp triển khai và thực hiện có hiệu quả nhiều hoạt động bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
63/63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã ký kết Chương trình hoặc Kế hoạch phối hợp giữa Mặt trận, Sở Tài nguyên - Môi trường với các tổ chức tôn giáo ở cấp tỉnh, qua đó đã tạo ra sự vào cuộc đồng bộ của các tôn giáo trong cả nước tham gia ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và giảm nhẹ rủi ro thiên tai.
Giáo sư Phan Văn Gấm, Trưởng ban đại diện Cao Đài Tây Ninh ở Kiên Giang chia sẻ: “Trong 5 năm qua, ban đại diện đã vận động tuyên truyền cho tín đồ, chức sắc, chức việc về các vấn đề bảo vệ môi trường, thực hiện các mô hình cung cấp nước sạch.Ban đại diện cùng tín đồ trồng hơn 500 cây xanh, thực hiện xây dựng 60 lò đốt rác vận động trong đồng đạo không xả rác trên các sông ngồi kênh gạch, gom các chất thải nông nghiệp xử lý không để các chất độc hại ngấm vào đất gây ô nhiễm môi trường”.
Phát biểu tại buổi khai mạc, ông Nguyễn Văn Thanh, Uỷ viên UBTƯ MTTQ Việt Nam, Trưởng ban Tôn giáo, UBTƯ MTTQ Việt Nam cho biết: Thời gian qua các tổ chức tôn giáo trên địa bàn cả nước đã tích cực tham gia có hiệu quả vào các chương trình hành động bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH. Nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm triển khai Chương trình và nhiều khóa tập huấn đã được tổ chức ở Trung ương và các địa phương, nhằm cung cấp các thông tin và nâng cao năng lực cho các tôn giáo trong việc tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Từng tôn giáo, với những đặc điểm giáo lý, giáo luật khác nhau, đã có những hoạt động và mô hình phù hợp, cụ thể và thiết thực để tham gia thực hiện Chương trình.
Đến năm 2019, 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo ở Việt Nam đã tích cực tham gia có hiệu quả các nội dung cụ thể của Chương trình bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH thông qua nhiều hoạt động cụ thể của từng tôn giáo. Các tôn giáo trên địa bàn cả nước đã xây dựng được hơn 1014 mô hình điểm với nhiều cách làm hay, thiết thực và hiệu quả, góp phần thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và giảm nhẹ rủi ro thiên tai.
Theo ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường: BĐKH đang tác động nghiêm trọng đến cuộc sống và sự phát triển vững bền của toàn thế giới.
Ông Tấn mong muốn, các vị chức sắc, chức việc, nhà tu hành sẽ góp phần thay đổi nhận thức, thói quen của tín đồ, người dân và cộng đồng trong công tác ứng phó BĐKH.
Hông Diễm