Tin mới

Tết Chol Chnam Thmay ở Hậu Giang rộn ràng, ấm áp

(Mặt trận) -Những ngày gần đây, không khí chuẩn bị đón Tết Chol Chnam Thmay trong đồng bào dân tộc Khmer ở tỉnh Hậu Giang trở nên rộn ràng, nhộn nhịp hẳn lên.

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

Hiệu quả Chương trình MTQG 1719 ở tỉnh Thái Nguyên

Tuy chưa đến tết nhưng mấy ngày qua, khi đi từng phum sóc sẽ dễ dàng cảm nhận được không khí rộn ràng, náo nức chuẩn bị đón tết cổ truyền của đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Bởi mọi gia đình đồng bào dân tộc Khmer đều tranh thủ quét dọn nhà cửa sạch sẽ; trong các chùa được treo băng rôn, cờ, khẩu hiệu có dòng “Sua Sđey Chnăm Thmây”, “Chúc mừng năm mới”...

 Chùa Pô Thi Vongsa, ở ấp 4, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang làm đài sen Phật để đón Tết Chol Chnam Thmay.

Không khí chuẩn bị đón tết rộn ràng

Chùa Pô Thi Vongsa, ở ấp 4, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, là một trong những ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer lớn và thu hút phật tử đến vào mỗi dịp lễ, tết nhiều nhất tỉnh. Để chuẩn bị đón Tết Chol Chnam Thmay năm nay, Ban quản trị chùa phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức nhiều hoạt động cần thiết.

Theo đó, hơn 1 tuần qua, mỗi ngày có khoảng 10 phật tử đến chùa để vệ sinh, trang trí, chuẩn bị một số hoạt động đón tết. Điểm nhấn trong các hoạt động năm nay, là chùa làm đài sen Phật và 2 con hổ bằng cát. “Năm tuổi con nào chúng tôi sẽ làm hình con đó nhằm thu hút phật tử đến tham quan, cúng bái, vui chơi. Qua đây, thể hiện ý nghĩa tích phúc đức mong cầu được điều lành, lộc tài cho con cháu”, ông Danh Hình, Trưởng Ban quản trị chùa Pô Thi Vongsa, cho biết.

Ngoài ra, chùa còn phối hợp xã Xà Phiên tổ chức một số môn thể thao như: bóng chuyền, kéo co, nhảy bao, đập bóng nước. Mấy ngày qua, nhiều phật tử còn đến chùa tập nhảy lâm thôn và một số bài hát để biểu diễn trong đêm 14 và 15-4. “Hiện chánh điện, sa-la của chùa đã xây dựng xong. Nhất là tình hình dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát nên Tết Chol Chnam Thmay năm nay tại chùa hứa hẹn sẽ rộn ràng, vui tươi”, ông Danh Hình cho biết thêm.

Không rộn ràng, náo nhiệt như chùa Pô Thi Vongsa, nhưng việc chuẩn bị đón Tết Chol Chnam Thmay của chùa Mahamăngkol, ở phường III, thành phố Vị Thanh cũng rất chu đáo, trang trọng. Khi mà gần 1 tuần qua, nhiều bà con phật tử đến chùa quét dọn, vệ sinh khuôn viên; treo cờ phật; sơn phết cổng, chánh điện... Đại đức Tăng Xà Luốt, trụ trì chùa Mahamăngkol, cho rằng: “Đây là tết lớn nhất trong năm của đồng bào dân tộc Khmer nên chúng tôi phải chuẩn bị trang hoàng nhất, với hy vọng năm mới bà con phật tử hưởng mọi điều tốt lành, hạnh phúc”.

Việc chuẩn bị tại chùa là vậy, còn tại nhà bà con phật tử cũng tất bật, rộn ràng, ấm áp. Theo đó, bà con phật tử quét dọn bàn thờ ông bà, cha mẹ, lau chùi lại nhà cửa, làm bánh, mua đồ mới cho con cháu cũng như lên kế hoạch chúc tết người thân, họ hàng...

Mấy ngày qua, tuy bận việc đồng áng nhưng hộ ông Danh Nghe, ở khu vực 4, phường III, thành phố Vị Thanh, vẫn dành thời gian gói bánh, vệ sinh lại bàn thờ ông bà để đón tết. Hộ ông Danh Nghe còn mua một số vật dụng như tủ, ti vi với tổng giá trị trên 30 triệu đồng. Dự kiến tết này, ngoài việc đến chùa, ông sẽ chuẩn bị mâm cơm cúng ông bà, sau đó mời người thân, hàng xóm đến chung vui, đón tết.       

Ông Danh Nghe chia sẻ: “Năm nay, mùa màng thuận lợi, đời sống gia đình tôi từng bước nâng lên nên tết này phải chuẩn bị thật chu đáo, sung túc. Ngoài ra, 3 đứa con của tôi đi làm ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng về nhà sum họp gia đình, mong muốn năm mới an lành, hạnh phúc”.

Đời sống đồng bào Khmer chuyển biến tích cực

Theo truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer, trong những ngày Tết Chol Chnam Thmay, không khí ở các phum sóc, chùa náo nhiệt suốt ngày đêm. Vào thời khắc mở đầu năm mới, bà con đi dâng hoa, nghe lời kinh, niệm phật. Sau phần lễ, bà con bước vào không khí tưng bừng của ngày tết, đó là phật tử đến chùa chiêm bái, tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí. Ngoài ra, đồng bào dân tộc Khmer còn được thưởng thức những tiết mục văn nghệ như: múa rô băm, điệu nhảy lâm thôn... dưới dàn nhạc ngũ âm.

Tết Chol Chnam Thmay cũng là dịp để giáo dục con cháu về lòng hiếu thảo đối với ông, bà, cha, mẹ; đồng thời, là điều kiện để sum họp gia đình, gặp gỡ bè bạn, mừng tuổi, mừng thành quả qua một năm lao động sản xuất, học tập… Qua đó, hướng mọi người làm những việc thiện để năm mới bản thân và gia đình được hưởng an vui, hạnh phúc, góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp hơn.

Ban Dân tộc tỉnh thông tin, năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng đời sống đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh chuyển biến tích cực. Công tác giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc Khmer có nhiều tiến bộ, chất lượng giáo dục trẻ em, học sinh dân tộc Khmer ở các cấp học tiếp tục được nâng lên; công tác chăm sóc sức khỏe, phòng, chống dịch bệnh được triển khai đồng bộ, chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên; chính sách bảo hiểm y tế được thực hiện đúng quy định.

Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong vùng đồng bào tiếp tục ổn định; tình đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc tiếp tục được củng cố và tăng cường. “Để đạt kết quả đó, ngoài các chương trình, dự án, chính sách cho đồng bào dân tộc được Trung ương và tỉnh thực hiện kịp thời, chính là nhờ bà con đồng lòng, nhất trí chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Từ đó, xuất hiện nhiều hộ tiêu biểu trong sản xuất, kinh doanh, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh”, ông Ký Hiếu Thanh, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh, lý giải.

Cũng theo Ban Dân tộc tỉnh, nhằm tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc Khmer đón tết vui tươi, ấm áp, đơn vị còn phối hợp với ngành chức năng, địa phương tổ chức một số hoạt động như: Họp mặt các vị sư sãi, cán bộ hưu trí, gia đình liệt sĩ, thương binh, người có công cách mạng và người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số là người dân tộc Khmer; tổ chức đoàn đi thăm, chúc tết, tặng quà Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh, 15 chùa Khmer, 2 trường dân tộc nội trú trong tỉnh, Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ và các sinh viên là người dân tộc Khmer của tỉnh đang học tại 2 trường này ở Cần Thơ...

“Chúng tôi mong rằng các vị chư tăng, cán bộ, chiến sĩ đồng bào dân tộc Khmer trong tỉnh tổ chức các hoạt động, lễ hội văn hóa truyền thống đón tết thật vui vẻ, an toàn và thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, tích cực lao động, sản xuất, học tập, công tác; lập nhiều thành tích xuất sắc hơn nữa, góp phần xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển”, ông Ký Hiếu Thanh nhấn mạnh.

Tết Chol Chnam Thmay là Tết “chịu tuổi” của đồng bào dân tộc Khmer năm nay diễn ra từ ngày 14 đến ngày 16-4. Tối ngày 14, các vị chư tăng tụng kinh chúc phúc bà con phật tử. Trưa ngày 15 phật tử dâng cơm cho các vị chư tăng và được nghe tụng kinh hồi hướng phước báo đến những người quá cố; tối ngày 15 phật tử đến chùa nghe các vị chư tăng tụng kinh chúc bà con phật tử. Sáng ngày 16 bà con phật tử dâng cơm cho các vị chư tăng và được nghe tụng kinh hồi hướng phước báo đến những người quá cố, sau đó làm lễ tắm Phật.

NHẬT TÂN

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản