(Mặt trận) -Tỉnh Thái Nguyên đã triển khai đồng bộ và có hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vừng giai đoạn 2021- 2025 và các chương trình, dự án chính sách dân tộc. Qua đó đã phát huy các tiềm năng, lợi thế tại địa phương, giúp người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.
|
Ngày hội việc làm gắn với giảm nghèo bền vững đem lại nhiều cơ hội việc làm cho thanh niên dân tộc thiểu số và người dân. |
Theo báo cáo của UBND tỉnh Thái Nguyên, thời gian qua tỉnh đã triển khai, thực hiện có hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững nên đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong tỉnh được nâng cao, số hộ nghèo và cận nghèo giảm nhanh. Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 14.624 hộ nghèo, tỷ lệ 4,35%.
Thực tế cho thấy, Thái Nguyên đã thực hiện tốt nhiều chính sách hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo như: 100% người nghèo, người thuộc hộ cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế, trong đó tỉnh hỗ trợ thêm 30% mức đóng bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo; miễn giảm học phí cho học sinh, sinh viên, người DTTS và người nghèo; trợ cấp xã hội cho học sinh vùng khó khăn; hỗ trợ về nhà ở cho 1.238 hộ nghèo, hộ cận nghèo; tạo việc làm mới cho lao động nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Có được những kết quả này là do tỉnh Thái Nguyên đã đưa ra nhiều giải pháp để hỗ trợ người nghèo phát triển kinh tế, xóa nghèo đa chiều. Cùng với việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tỉnh còn chú trọng hỗ trợ vốn, khoa học kỹ thuật giúp người dân, đặc biệt là người nghèo nâng cao năng lực từ đó xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế giúp xóa đói giảm nghèo hiệu quả.
Để tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo, ngày 27/4/2023, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Kế hoạch số 75/KH-UBND về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu giảm 4.711 hộ nghèo, hộ cận nghèo. Trong đó hộ nghèo là 3.365 hộ và hộ cận nghèo là 1.346 hộ theo chuẩn nghèo đa chiều của quốc gia. Hỗ trợ xây dựng, nhân rộng ít nhất 20 mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Phấn đấu hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có khả năng tham gia lao động có việc làm bền vững. Tăng cường công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo đặc biệt là khu vực nông thôn, miền núi, vùng đồng bào DTTS sinh sống. Lồng ghép các hoạt động giảm nghèo trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Ngoài các cơ chế, chính sách, dự án hỗ trợ giảm nghèo theo quy định của Chính phủ, xuất phát từ tình hình thực tiễn địa phương, tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống” tại 4 huyện: Đồng Hỷ, Võ Nhai, Định Hóa, Phú Lương.
Ông Phan Đức Cường, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên cho biết, với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, việc thực hiện chính sách dành cho đồng bào DTTS nói riêng và công tác thực hiện chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững nói chung trên địa bàn tỉnh đã đem lại nhiều kết quả thiết thực. Cơ sở hạ tầng nông thôn miền núi được đầu tư xây dựng cơ bản, nhiều công trình giao thông, công trình nước sinh hoạt, thủy lợi... được xây dựng, nhiều hộ được hỗ trợ đất sản xuất. Từ đó, tạo mọi điều kiện tốt nhất giúp người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
T.T