Tin mới

Thái Nguyên: Người có uy tín - “Cầu nối đắc lực” giữa chính quyền và người dân

(Mặt trận) -Những năm qua, đội ngũ người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Thái Nguyên là những người cùng chung tâm huyết, hết lòng vì quê hương, tích cực vận động bà con nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Họ là những tấm gương tiêu biểu trong mọi phong trào, hoạt động phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Phú Yên: Đẩy mạnh hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất

Đức Cơ nỗ lực giúp người nghèo an cư

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

 Ông Triệu Thanh Bình, Trưởng xóm Đồng Đình, xã Kim Phượng, huyện Định Hóa (người thứ 6 từ trái sang phải) cùng các đại biểu cắt băng khánh thành Nhà văn hóa xóm Đồng Đình.

"Trưởng xóm phải dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước nhân dân" là khẳng định chắc như "đinh đóng cột" của ông Triệu Thanh Bình (dân tộc Dao), Trưởng xóm và là người có uy tín của xóm miền núi Đồng Đình, xã Kim Phượng, huyện Định Hóa.

Xóm Đồng Đình có 4 dân tộc (Dao, Tày, Sán Chay và Kinh), trong đó dân tộc Dao chiếm tới 53%, Tày chiếm 38%. Trong những năm qua, xóm luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó phải kể đến phong trào xây dựng nông thôn mới, vận động nhân dân hiến đất, đối ứng tiền cũng như ngày công để làm đường bê tông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương nội đồng… Đến nay, các đường trục chính nội thôn, đường ngõ xóm liên gia, hệ thống kênh mương của xóm đã được bê tông hóa từ 90-100%. Nhà văn hóa và sân thể thao được xây mới góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân.

Bí quyết để có thành công này được Trưởng xóm Triệu Thanh Bình chia sẻ: "Bên cạnh việc tuyên truyền, vận động người dân để họ hiểu về quyền lợi và trách nhiệm của mình trong các phong trào ở địa phương, Trưởng xóm cũng như cán bộ, đảng viên phải là người tiên phong trong mọi hoạt động, phải công khai, minh bạch trước nhân dân, đối với công việc phải tận tụy, trách nhiệm, phải thường xuyên nắm bắt tư tưởng và nguyện vọng của nhân dân, để kịp thời giải quyết công việc ngay từ trong xóm".

"Luôn đặt lợi ích tập thể lên trước lợi ích cá nhân" là kinh nghiệm của ông Đặng Quý Ngân, dân tộc Dao, Bí thư Chi bộ xóm Suối Bốc, xã Yên Ninh, huyện Phú Lương, trong việc thực hiện công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Xóm Suối Bốc có 95% người dân tộc thiểu số, người dân sinh sống chủ yếu bằng nghề nông, xây dựng và dịch vụ nhỏ lẻ, trình độ nhận thức của một số bộ phận nhân dân không đồng đều, mức sống chưa được nâng cao. Để người dân nhận thức đúng và đủ về công tác giảm nghèo, việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được Bí thư Chi bộ xóm và các đảng viên đặt lên hàng đầu. Xóm đã điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo; xây dựng danh sách hộ nghèo, cận nghèo bằng hình thức chấm điểm. Trong đó, phân tích kỹ các hộ có nguy cơ rơi xuống nghèo, cận nghèo, có khả năng thoát nghèo, thoát cận nghèo. Danh sách phân loại được niêm yết công khai trong 7 ngày trước toàn thể nhân dân nhằm đảm bảo trung thực, khách quan, công bằng. Những hộ nằm trong danh sách được ưu tiên thụ hưởng những cơ chế hỗ trợ của huyện, của xã trong việc giảm nghèo.

Với cách làm đó, những hộ nghèo và cận nghèo đã giảm hơn so với năm trước. Đặc biệt, bản thân Bí thư Chi bộ xóm Suối Bốc Đặng Quý Ngân cũng đã trực tiếp giúp đỡ nhiều hộ trong xóm về khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm trong sản xuất và vốn để vươn lên thoát nghèo bền vững. "Phát triển kinh tế phải có tính bền vững, trong đó đảng viên phải là "đầu tàu" trong mọi công việc, là tấm gương để quần chúng làm theo", Bí thư Chi bộ xóm khẳng định.

Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện có gần 900 người có uy tín, đại diện cho trên 384 nghìn đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm qua, đội ngũ người có uy tín luôn tích cực tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia các phong trào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc… Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân mỗi năm từ 3 đến 4%/năm. Toàn tỉnh đã có 73/110 xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới...

Ông Hoàng Văn Chính, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên khẳng định, trong thời gian qua, đội ngũ người có uy tín trên địa bàn đã nêu cao vai trò "cầu nối đắc lực" giữa chính quyền và người dân, gương mẫu đi đầu trong việc chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực phát triển sản xuất, ổn định đời sống và đặc biệt là kiên quyết đấu tranh ngăn chặn những hành vi sai trái đi ngược lại lợi ích của quốc gia, dân tộc, chống mọi âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đội ngũ này gương mẫu đi đầu trong việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, cùng với nhân dân các dân tộc trong tỉnh đóng góp sức lực, trí tuệ vào sự nghiệp xây dựng quê hương tỉnh Thái Nguyên giàu đẹp. Trong thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh và cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn sẽ tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng nội dung hoạt động, hướng tới nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số. Để hoàn thành nhiệm vụ này có vai trò rất lớn của những người có uy tính, điển hình tiên tiến trong đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên.

Thu Hằng

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản