Tin mới

Thái Nguyên: Người có uy tín góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc

(Mặt trận) -Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện có 51 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là trên 384.000 người, chiếm gần 30% dân số toàn tỉnh. Nhận thức sâu sắc về những giá trị văn hóa truyền thống, thời gian qua, người dân cũng như chính quyền các địa phương trong tỉnh đã cùng nhau gìn giữ, phát huy và lan tỏa những nét đẹp văn hóa của đồng bào các dân tộc. Trong đó có đóng góp không nhỏ của những người có uy tín.

'Điểm tựa' giúp đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên

Sóc Trăng: Nâng cao chất lượng cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số

Đakrông (Quảng Trị): Phát huy vai trò người có uy tín trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

 Hàng năm, phường rối Tày Thẩm Rộc, xã Bình Yên,đều tham gia biểu diễn tại Lễ hội Lồng Tồng ATK Định Hóa. Ảnh: Ngọc Chuẩn

Từ năm 2012 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 10.596 lượt người có uy tín được bầu chọn từ cơ sở và được UBND tỉnh phê duyệt. Riêng năm 2023 có tổng số 821 người có uy tín. Là những người có vị trí quan trọng trong đời sống của đồng bào DTTS ở các khu dân cư, thời gian qua, đội ngũ người có uy tín trên địa bàn tỉnh không chỉ phát huy vai trò của mình trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, mà còn tích cực tham gia công tác gìn giữ, bảo tồn những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc. Qua đó đã có nhiều nét văn hóa truyền thống như trang phục, chữ viết, các làn điệu múa, hát... được khôi phục và phát triển.

Xã Bình Yên (Định Hóa) hiện có gần 1.000 hộ dân, trong đó đồng bào dân tộc Tày chiếm trên 80%. Bà con người Tày ở đây được nhiều người trong và ngoài tỉnh biết đến với nghệ thuật múa rối cạn (múa rối Tày Thẩm Rộc). Nghệ thuật múa rối cạn đã trở thành một món ăn tinh thần quan trọng đối với cộng đồng người Tày trong nhiều năm qua. Múa rối cạn là người biểu diễn dùng các que tre để điều khiển những con rối được làm từ gỗ, kết hợp với tiếng đàn tính, sáo và hát then để tạo nên một vở kịch. Năm 2015, múa rối cạn đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Để gìn giữ, phát huy và quảng bá nghệ thuật múa rối cạn đến với đông đảo người dân, thời gian qua, ông Ma Quang Tiều, dân tộc Tày, người có uy tín ở xóm Yên Hòa đã cùng với người dân xã Bình Yên thành lập phường rối Tày Thẩm Rộc và ông giữ chức Phó trưởng phường từ năm 2012 đến nay. 

Chia sẻ về việc giữ gìn và phát huy giá trị nghệ thuật múa rối cạn, ông Tiều cho biết: Nghệ thuật múa rối cạn được lưu truyền theo hình thức cha truyền con nối, do đó trong những năm qua, tôi tích cực truyền dạy cho các con, cháu trong dòng họ Ma Quang. Đến nay, 16 thành viên trong phường rối đa phần đều là con, cháu họ hàng trong gia đình. Ngoài ra, các thành viên trong phường rối thường xuyên làm mới các con rối, gặp gỡ những người cao tuổi trong cộng đồng dân tộc Tày để học hỏi, ghi chép, sưu tầm tài liệu về múa rối cạn...

 Trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Sán Chay ở huyện Phú Lương.

Còn ông Vũ Văn Đôn, dân tộc Tày, người có uy tín ở xóm Làng Muông, xã Yên Ninh (Phú Lương) không chỉ trực tiếp tham gia bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc mình mà còn tích cực tuyên truyền, vận động bà con các dân tộc khác trong xóm tham gia bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. 

Ông Đôn chia sẻ: Trong xóm hiện có 4 DTTS cùng chung sống là Tày, Nùng, Dao và Sán Chay, với những nét văn hóa đặc trưng như múa Tắc xình, hát Sấng cọ của đồng bào Sán Chay, hát Then của đồng bào Tày, hát Pả dung của đồng bào Dao. Thời gian qua, tôi và đại diện các đoàn thể của xóm đã tích cực tuyên truyền đến bà con về vai trò cũng như tầm quan trọng của những nét văn hóa truyền thống này, để bà con cùng nhau giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa. Đồng thời, vận động bà con tham gia các đội văn nghệ, câu lạc bộ văn hóa truyền thống trong và ngoài xã để giao lưu, học hỏi cũng như góp phần quảng bá những nét văn hóa truyền thống đến với đông đảo quần chúng nhân dân.

Không chỉ ông Tiều, ông Đôn mà nhiều người có uy tín trên địa bàn tỉnh đã và đang trực tiếp tham gia gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, vận động bà con ở các khu dân cư cùng tích cực tham gia thực hiện, như: Ông Triệu Tiến Tho, xóm Nác, xã Liên Minh (Võ Nhai); ông Lục Văn Sáu, xóm Đá Bạc, xã Bàn Đạt (Phú Bình); ông Lý Văn Sài, xóm Đồng Tâm, xã Động Đạt (Phú Lương)...

Sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội, nhất là trong giai đoạn hội nhập quốc tế, bùng nổ thông tin hiện nay đã tác động không nhỏ đến văn hóa truyền thống. Một số nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS đang đứng trước nguy cơ mai một. Do đó, những đóng góp của đội ngũ người có uy tín trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc là rất đáng ghi nhận. Qua việc làm thiết thực này góp phần quan trọng trong giáo dục truyền thống dân tộc, giúp lớp trẻ thêm yêu mến, trân trọng và biết giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Theo kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh, Trung ương và tỉnh sẽ dành một nguồn kinh phí lớn để đầu tư bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các DTTS gắn với phát triển du lịch. Đây sẽ là nguồn lực to lớn giúp bà con và đội ngũ người có uy tín trên địa bàn tỉnh bảo tồn, khai thác, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống...

Vũ Công 

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản