(Mặt trận) -Thanh Hóa có 1,5% dân số là đồng bào dân tộc Mông, với gần 3.700 hộ, sinh sống tập trung ở 44 bản, thuộc 10 xã của 3 huyện Mường Lát, Quan Hóa và Quan Sơn. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I: năm 2021 - 2025 (Chương trình), tỉnh Thanh Hóa đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền và triển khai hỗ trợ đồng bào dân tộc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.
Ngày 05/3/2021, Tỉnh uỷ Thanh Hoá ban hành Quyết định 404-QĐ/TU thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025.
|
Chương trình góp phần giúp đồng bào DTTS phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. |
Tại các huyện, thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý xã và các Ban phát triển nông thôn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đồng thời tổ chức các hội nghị triển khai, quán triệt các văn bản cấp trên, các kế hoạch của huyện đến các phòng, ban, đơn vị, UBND các xã, thị trấn thực hiện. Các phòng, ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể trong huyện căn cứ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị đã chủ động lồng ghép các chương trình, dự án, làm tốt công tác tuyên truyền về Chương trình, đặc biệt là Dự án 1 giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt…
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền về Dự án 1 và tổng thể Chương trình. Nội dung, hình thức tuyên truyền phong phú, cập nhật được các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước về Chương trình để cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng thuận trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện Chương trình.
|
Chương trình đã hỗ trợ các hộ DTTS có nhà ở khang trang hơn. |
Tại huyện Quan Sơn, tổng số vốn ngân sách Trung ương phân bổ từ năm 2022 đến 31/8/2024 là 16.413 triệu đồng, đã giao vốn 15.797 triệu đồng đạt 96,2%. Đối với hỗ trợ nhà ở, theo kết quả rà soát năm 2021 số hộ có nhu cầu về nhà ở là 144 hộ. Tổng số vốn ngân sách Trung ương giao năm 2022 là 720 triệu đồng, hỗ trợ cho 18 hộ (40 triệu/hộ), đã giải ngân được 720 triệu đồng.
Đối với hỗ trợ nước phân tán, tổng số vốn ngân sách Trung ương phân bổ từ năm 2022 - 2023 là 4.880 triệu đồng, đã giải ngân 4.880 triệu đồng. Năm 2022, huyện hỗ trợ 100 hộ dân mua téc nước, với tổng kinh phí là 296 triệu đồng, đã giao téc nước cho các đối tượng được thụ hưởng đưa vào sử dụng. Năm 2023 (đợt 1) hỗ trợ 439 hộ dân mua téc nước, với tổng kinh phí 1.317 triệu đồng. Năm 2023 (đợt 2) hỗ trợ 1.089 hộ dân mua téc nước, với tổng kinh phí 3.267 triệu đồng, đã giao vốn triển khai thực hiện năm 2024. Đối với hỗ trợ nước sinh hoạt tập trung, tổng số vốn ngân sách Trung ương phân bổ từ năm 2021 - 2023 là 10.813 triệu đồng. Năm 2022, thực hiện 01 công trình nước sinh hoạt tập trung tại bản Chung Sơn, xã Sơn Thủy với tổng mức đầu tư là 3.030 triệu đồng. Dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, kế hoạch vốn đã giao là 3.000 triệu đồng, đã giải ngân 2.875 triệu đồng.
Năm 2023, huyện thực hiện 03 công trình nước sinh hoạt tập trung. Trong đó, công trình nước sinh hoạt tập trung tại bản Cha Khót, xã Na Mèo đã hoàn thành và đưa vào sử dụng với tổng mức đầu tư 2.800 triệu đồng. Kế hoạch vốn đã giao là 2.701 triệu đồng, đã giải ngân 2.476 triệu đồng. Công trình nước sinh hoạt tập trung tại bản Thủy Sơn, xã Sơn Thủy đã hoàn thành và đưa vào sử dụng với tổng mức đầu tư 2.501 triệu đồng. Kế hoạch vốn đã giao là 2.411 triệu đồng, đã giải ngân 2.245 triệu đồng. Công trình nước sinh hoạt tập trung tại bản Xộp Huối, xã Na Mèo đã hoàn thành và đưa vào sử dựng với tổng mức đầu tư 2.800 triệu đồng. Kế hoạch vốn đã giao là 2.701 triệu đồng, đã giải ngân 2.600 triệu đồng.
Tại Huyện Bá Thước, tổng số vốn ngân sách Trung ương phân bổ từ năm 2021 đến 31/8/2024 là 29.314 triệu đồng (không tính kinh phí hỗ trợ nước sinh hoạt tập trung). Đối với hỗ trợ nhà ở, tổng kinh phí phân bổ để thực hiện nội dung hỗ trợ nhà ở từ năm 2022 đến năm 31/12/2023 là 1.880 triệu đồng. Năm 2023, thực hiện theo Quyết định 2999/QĐ-UBND ngày 11/9/2023, huyện thực hiện hỗ trợ cho 47 hộ, đến nay kinh phí đã thực hiện 1.840 triệu đồng, kinh phí chưa thực hiện 40 triệu đồng, 01 hộ chưa thực hiện (chuyển sang năm 2024).
Đối với hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán, năm 2022, huyện đã thực hiện hỗ trợ cho 414 hộ với tổng kinh phí là 1.241 triệu đồng; năm 2023, huyện đã thực hiện hỗ trợ cho 3.921 hộ với tổng kinh phí là 11.763 triệu đồng.
Nhìn chung, tiến độ giải ngân vốn ngân sách Trung ương còn chậm so với kế hoạch. Năng lực triển khai lập dự toán, tư vấn thiết kế các dự án đầu tư công theo cơ chế đặc thù của một số xã còn hạn chế, nên ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án và giải ngân vốn. Việc huy động nguồn lực của người dân để thực hiện nội dung Dự án 1 còn hạn chế.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình, tỉnh Thanh Hóa đang áp dụng cơ chế đặc thù để thực thực hiện Chương trình; trong đó cơ chế lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm; cơ chế thanh quyết toán các nội dung của chương trình chặt chẽ, phù hợp với điều kiện và năng lực của khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Cơ chế phân cấp phù hợp với nội dung của từng dự án thành phần và phù hợp với năng lực của từng cấp.
Đồng thời, triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp để huy động mọi nguồn lực thực hiện Chương trình, trong đó nguồn lực của Nhà nước giữ vai trò quan trọng, quyết định; đầu tư theo hướng ngân sách nhà nước đầu tư cho các nội dung, hoạt động trọng tâm, có sức lan tỏa và các công trình không có khả năng thu hồi vốn; huy động nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân để đầu tư các công trình có khả năng thu hồi vốn trực tiếp.
Tuấn Anh