Tin mới

Thanh Hóa: Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) -Trong những năm qua, kinh tế - xã hội ở 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã miền xuôi có xã miền núi ngày một phát triển; an ninh - quốc phòng được đảm bảo, giữ vững. Có được kết quả đó là nhờ sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước; sự nỗ lực vượt khó vươn lên của đồng bào các dân tộc trên địa bàn, trong đó có sự đóng góp xứng đáng công sức, trí tuệ của người có uy tín (NCUT) trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Thanh Hóa.

Bình Phước: Biến Chương trình mục tiêu quốc gia thành động lực mạnh mẽ phát triển KTXH bền vững

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

 Ông Bùi Xuân Lộc, NCUT thôn Bái Đang, xã Thành Tân (Thạch Thành) (người ngoài cùng bên phải) thăm mô hình kinh tế trang trại tổng hợp của người dân trong thôn.

“Cánh tay nối dài” trong tuyên truyền, vận động

Đồng chí Lê Thị Huyền, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa, nhận định: NCUT là “cánh tay nối dài” giúp Mặt trận các cấp trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các DTTS chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua vùng đồng bào DTTS; giữ gìn an ninh trật tự, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc; phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới (XDNTM); giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và khối đại đoàn kết toàn dân tộc... Vì vậy, thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, hệ thống dân vận, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện để NCUT phát huy tốt vai trò của mình, đóng góp công sức trong công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội cả tỉnh nói chung, vùng DTTS nói riêng.

Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa có 1.281 NCUT trong đồng bào DTTS, trong đó dân tộc Mường 627 người, dân tộc Thái 484 người, dân tộc Kinh 83 người, dân tộc Mông 43 người, dân tộc Thổ 29 người, dân tộc Dao 13 người và dân tộc Khơ Mú 2 người. Đó là những người được thôn, bản bình chọn, suy tôn, gắn bó mật thiết với Nhân dân; có ảnh hưởng lớn trong công tác vận động đồng bào tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị ở địa phương; không quản ngại khó khăn, gian khổ đi từng ngõ, gọi cổng từng nhà, nắm tay từng người, vận động bà con thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo; bài trừ hủ tục; đấu tranh, tố giác tội phạm; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp; hòa giải, giải quyết tốt mọi vướng mắc nảy sinh trong cộng đồng; vận động Nhân dân tích cực tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc; tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, xây dựng thôn, bản đoàn kết, bình yên, phát triển...

Nhiều NCUT tích cực tham gia công tác tại thôn/bản, đảm nhiệm các chức vụ như bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng khu dân cư, Trưởng ban Công tác Mặt trận... là thành viên mẫu mực của các tổ chức chính trị - xã hội thôn, bản, được người dân trong bản tin yêu, quý trọng. Tiêu biểu trong lĩnh vực này có các ông, bà: Giàng Seo Vảng, dân tộc Mông, ở bản Khằm 2, xã Trung Lý (Mường Lát); Hà Thị Khiêm, ở Khu phố 3, thị trấn Hồi Xuân (Quan Hóa); Thao Văn Dia, dân tộc Mông, NCUT bản Mùa Xuân, xã Sơn Thủy, (Quan Sơn)... Thông qua NCUT, bà con DTTS ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước, không ngừng ra sức thi đua lao động, sản xuất, phấn đấu vươn lên trong cuộc sống và góp sức xây dựng quê hương.

Trong giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội của địa phương, bảo vệ biên cương Tổ quốc, nhiều NCUT đã tích cực trong việc vận động Nhân dân tham gia thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, mô hình “Tự quản đường biên, mốc giới và an ninh trật tự khu vực biên giới”; chấp hành nghiêm túc quy chế biên giới... Nhiều người đã kịp thời phát hiện, cung cấp nhiều nguồn tin quan trọng cho các ngành chức năng trong công tác điều tra, xử lý vi phạm. Tích cực tham gia cùng chính quyền địa phương trong việc đấu tranh, ngăn chặn nhiều hoạt động trái pháp luật; truyền đạo trái phép; tham gia giải quyết nhiều vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân, trong dân tộc và tôn giáo; tích cực vận động con cháu trong gia đình, dòng họ tránh xa ma túy, không vi phạm pháp luật, không nghe và tin theo luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của kẻ xấu... Tiêu biểu trên lĩnh vực này có các ông: Lò Văn Khằng, dân tộc Khơ Mú, NCUT khu phố Đoàn Kết, thị trấn Mường Lát, huyện Mường Lát; Mùa A Lo, dân tộc Mông, NCUT bản Suối Tôn, xã Phú Sơn, huyện Quan Hóa; Lê Trọng Đính, dân tộc Thái, thôn Tân Thành, xã Tân Phúc, huyện Lang Chánh...

Tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội

Trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, XDNTM, rất nhiều NCUT đã mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh vươn lên làm kinh tế, là những tấm gương có ảnh hưởng tích cực đến công tác xóa đói, giảm nghèo ở địa phương. Nhiều NCUT đã góp công, góp sức, ủng hộ về vật chất, tài chính, đất đai và vận động Nhân dân tham gia hàng nghìn ngày công lao động, hiến hàng nghìn m2 đất làm đường, đóng góp hàng tỷ đồng làm đường bê tông giao thông nông thôn; kiên cố hóa kênh mương; cải tạo, xây dựng nhiều nhà văn hóa thôn, tu sửa phòng học, trạm y tế xã... tạo điều kiện cho địa phương từng bước hoàn thành các tiêu chí XDNTM. Tiêu biểu là các ông, bà: Hà Văn Tiu, dân tộc Thái, NCUT xã Trung Hạ (Quan Sơn); Vi Thị Bông, chi hội phó Hội Phụ nữ thôn Cón, xã Ái Thượng (Bá Thước); Trương Công Hải, trưởng thôn, phó ban công tác mặt trận thôn Thái Long, xã Cẩm Phú (Cẩm Thủy); Nguyễn Thị Thương, dân tộc Mường, bí thư chi bộ, trưởng thôn Minh Lương, xã Minh Sơn (Ngọc Lặc); Hoàng Thị Định, dân tộc Thổ, NCUT thôn Xuân Hợp, xã Xuân Bình (Như Xuân)...

 Được sự tuyên truyền của NCUT, diện mạo thôn 5, xã Ngọc Liên - thôn NTM kiểu mẫu đầu tiên của huyện Ngọc Lặc ngày càng khang trang, sạch đẹp. Ảnh: Phan Nga

Ngoài ra, còn có rất nhiều tấm gương NCUT tiêu biểu trong giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Họ truyền dạy cho các thế hệ con cháu và cộng đồng các nghề truyền thống như: dệt thổ cẩm, chế biến lâm sản, truyền dạy các điệu khặp, ném còn, kéo co, bắn nỏ, đẩy gậy... Vận động bà con duy trì và phát triển các lễ hội, điệu hát, múa, nhạc cụ mang bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc như: Khặp, múa sạp, khua luống của dân tộc Thái, Mường; múa khèn, thổi khèn, ném còn, đánh cù của dân tộc Mông; lễ Cấp sắc của dân tộc Dao... Tiêu biểu trong lĩnh vực này có các ông, bà: Thào Khái Mìn, NCUT bản Xa Lung, xã Mường Lý (Mường Lát); Triệu Văn Nguyên, dân tộc Dao, NCUT thôn Bình Sơn, xã Cẩm Bình (Cẩm Thủy); Triệu Văn Minh, NCUT trong đồng bào DTTS thôn Sơn Lập, xã Cẩm Châu (Cẩm Thủy)... Chính những việc làm thiết thực đó, đã góp phần tích cực thực hiện có hiệu quả Chương trình XDNTM. Đến nay, ở 11 huyện miền núi đã có 61 xã đạt chuẩn NTM (trong đó có 7 xã đạt NTM nâng cao), 645 thôn, bản được công nhận là chuẩn NTM (trong đó có 51 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu), 72 sản phẩm được công nhận OCOP cấp tỉnh...

Những công lao đóng góp của già làng, trưởng bản, NCUT đã góp phần cải thiện đời sống Nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, góp phần củng cố niềm tin của đồng bào đối với sự lãnh đạo của Đảng và điều hành quản lý của Nhà nước; thực sự là “chỗ dựa” đáng tin cậy, là “cầu nối” giữa các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ với Nhân dân trong việc xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi, đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững của tỉnh.

Gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua, các cuộc vận động

Ông Bùi Khánh Nghịch, Bí thư chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn 12, xã Xuân Du, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa

Là đại tá quân đội nghỉ hưu, hơn 10 năm đảm trách cương vị bí thư chi bộ, trưởng ban công tác mặt trận thôn 12, xã Xuân Du, huyện Như Thanh, tôi thường xuyên cùng tập thể cán bộ thôn đổi mới về phương pháp làm việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, được Đảng, chính quyền tín nhiệm và Nhân dân tin tưởng, quý mến. Trong XDNTM kiểu mẫu, tôi đã vận động Nhân dân tham gia đóng góp hơn 11 tỷ đồng, hiến hàng nghìn m2 đất, hàng trăm cây ăn quả, hàng nghìn mét tường bao, công trình phụ, hàng nghìn công lao động để mở rộng đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng; xây dựng tường rào; xây dựng nhà văn hóa thôn; thực hiện việc cưới, việc tang theo nếp sống mới; tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường...

Bên cạnh đó, tôi còn phối hợp với ban phát triển thôn, các chi hội, đoàn thể tham gia giải quyết có hiệu quả các vụ tranh chấp, mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân, không để phát sinh vấn đề phức tạp; gương mẫu đi đầu trong vận động quần chúng tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, phát hiện, tố giác tội phạm, nâng cao tinh thần cảnh giác, không nghe, không tin kẻ xấu xúi giục... Năm 2021, thôn 12 là thôn thứ 2 của xã Xuân Du đạt thôn NTM kiểu mẫu. Hiện, thu nhập bình quân người dân trong thôn đạt 64,2 triệu đồng/năm; toàn thôn chỉ còn 1 hộ nghèo, 2 hộ cận nghèo. Với những đóng góp tích cực trong các phong trào thi đua, các cuộc vận động, nhiều năm liên tục tôi được các cấp, các ngành tặng giấy khen; đặc biệt, năm 2022, tôi được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen trong thực hiện tốt phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”.

Giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống

Ông Triệu Văn Nguyên, NCUT ở thôn Bình Sơn, xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Thủy

Là NCUT ở thôn Bình Sơn, xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Thủy, tôi không chỉ gương mẫu đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ được giao mà còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, luôn giữ vai trò nòng cốt trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng nếp sống văn hóa mới. Tôi đã cùng đội ngũ cán bộ thôn tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện nếp sống trong việc cưới, việc tang, đám cưới không thuốc lá, hạn chế rượu, không rải vàng mã ra đường, không ăn cỗ ở các đám hiếu, không phúng viếng bằng cỗ. Với một thôn có 100% là người dân tộc Dao nên công tác vận động Nhân dân giữ gìn phong tục, tập quán của người Dao như: Tết năm cùng, Tết Thanh minh, Lễ hội tháng Bảy, Tết nhảy, Lễ cấp sắc; tổ chức các lớp dạy chữ Dao cho bà con và các cháu thiếu niên... Cùng với đó, các hủ tục như ăn cỗ cưới lâu ngày và thách cưới bằng các hiện vật lớn của người Dao dần được hủy bỏ.

Trong XDNTM, tôi đã vận động Nhân dân đóng góp hơn 1 tỷ đồng, hiến hơn 1.000m2 đất, bê tông hóa 100% đường nội thôn, xây dựng kênh mương nội đồng, nâng cấp chỉnh trang nhà văn hóa thôn; trồng 230 gốc cau trên trục đường chính của làng; trồng hoa hai bên đường thay thế cỏ dại; giữ gìn vệ sinh môi trường; tích cực tham gia các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục, thể thao. Với sự nỗ lực của bản thân và bà con Nhân dân, năm 2017, thôn Bình Sơn đạt thôn NTM. Hiện thu nhập bình quân của người dân đã đạt hơn 53 triệu đồng/năm, toàn thôn chỉ còn 3 hộ nghèo. Hiện người dân trong thôn đang nỗ lực hoàn thiện, nâng cao các tiêu chí, cùng với xã Cẩm Bình phấn đấu về đích xã NTM nâng cao năm 2023.

Đoàn kết để đồng bào Khơ Mú ổn định cuộc sống và thoát nghèo bền vững

Ông Lò Văn Khằng, Già làng khu phố Đoàn Kết, thị trấn Mường Lát, huyện Mường Lát

Khu phố Đoàn Kết, thị trấn Mường Lát, huyện Mường Lát, hiện có 169 hộ, 786 khẩu là đồng bào dân tộc Khơ Mú sinh sống. Những năm qua, trên cương vị là NCUT, già làng khu phố Đoàn Kết, tôi luôn sát cánh cùng các cán bộ khu phố tuyên truyền, vận động bà con phát triển kinh tế, thực hiện nếp sống mới trong việc cưới, việc tang, lễ hội; loại bỏ những hủ tục lạc hậu; di dời chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm xa nơi ở, không di cư tự do, phòng chống ma túy; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào Khơ Mú... Từ kinh nghiệm của bản thân, tôi thấy, người dân nơi đây muốn đủ ăn, từng bước thoát nghèo là phải chuyển đổi tập quán canh tác từ “chọc lỗ, tra hạt” sang trồng lúa nước, trồng sắn; thanh niên đi học nghề để vào làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp, thực hiện kế hoạch hóa gia đình... Để vận động, thuyết phục được bà con, tôi xác định phải “miệng nói, tay làm” bởi bà con chỉ tin và làm theo khi thấy những việc làm thiết thực có hiệu quả. Bản thân gia đình tôi cũng tiên phong đi đầu trong việc chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng lúa...

Tuy vẫn còn đó không ít khó khăn, nhưng giờ đây cuộc sống của đồng bào khu phố Đoàn Kết đã đổi khác, có cái ăn, nơi ở, có trường, có lớp, con cháu được học chữ, những ngôi nhà sàn khang trang dần thay thế những căn nhà tranh tre, nứa lá. Hiện khu phố đã có 1 hộ thoát nghèo, chỉ còn 4 hộ cận nghèo; có 18 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, 200 lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; không có người nghiện hút, vi phạm pháp luật... Mừng hơn là sự thay đổi trong nhận thức của người dân về tinh thần tự lực cánh sinh, đoàn kết, kiên cường bám bản, giữ đất, vươn lên xóa đói nghèo, dựng xây cuộc sống mới.

Tuyên truyền, vận động bà con phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới

Ông Hà Văn Tiu, NCUT bản Lang, xã Trung Hạ, huyện Quan Sơn

Với nhận thức bản thân là “cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, tôi thường xuyên tuyên truyền, vận động gia đình, dòng họ, bà con trong bản thực hiện có hiệu quả những chủ trương, đường lối của Đảng, chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước. Thực hiện chương trình xóa đói, giảm nghèo, tôi đã vận động bà con mạnh dạn vay vốn phát triển sản xuất thông qua chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, vươn lên làm giàu chính đáng.

Thực hiện chương trình XDNTM, tôi thường xuyên “đến từng ngõ, gõ cửa từng nhà” để tuyên truyền về mục tiêu, ý nghĩa, vai trò chủ thể của người dân trong XDNTM tới toàn thể người dân trong bản. Là bản có 95% các hộ là đồng bào dân tộc Thái sinh sống, vì vậy, tôi đã phối hợp với các đoàn thể của bản tổ chức được nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động đồng bào xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Thái. Với những nỗ lực, cố gắng của bản thân và bà con, hiện bản Lang đã xóa hết nhà tranh tre, tạm bợ; 100% các hộ dân không nuôi nhốt gia súc, gia cầm dưới gầm nhà sàn; các phong trào sạch làng, tốt ruộng, giữ gìn vệ sinh môi trường, giúp đỡ các hộ khó khăn về công lao động được bà con nhiệt tình hưởng ứng. Người dân trong bản hiến gần 1.000m2 đất nắn thẳng đường liên thôn dài hơn 1km. Năm 2020, bản Lang đã đạt bản NTM. Năm 2022, thu nhập bình quân của người dân trong bản đạt 30 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 34%, phấn đấu đạt bản NTM kiểu mẫu năm 2023.

Vận động Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa

Bà Hoàng Thị Định, NCUT thôn Xuân Hợp, xã Xuân Bình, huyện Như Xuân

Phát huy vai trò NCUT trong giữ vững an ninh, chính trị và trật tự, an toàn xã hội, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, tôi luôn tích cực tuyên truyền, vận động con cháu, gia đình, dòng họ và bà con Nhân dân tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, thực hiện nếp sống mới, đóng góp XDNTM. Bên cạnh đó, tôi còn tích cực vận động Nhân dân trồng rừng, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường...

Bản thân tôi và gia đình gương mẫu đi đầu trong việc chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi; mạnh dạn đầu tư trồng và chăm sóc 30 ha rừng keo, bạch đàn, cao su, nuôi 200 lợn thịt, 10 lợn nái, 200 con gà; mang về nguồn thu từ 200 - 300 triệu đồng/năm (đã trừ chi phí), tạo việc làm cho 6 lao động trong thôn với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng. Và với kinh nghiệm bản thân, tôi đã hướng dẫn, giúp đỡ bà con tiếp cận, nhân rộng mô hình để phát triển kinh tế. Với 110 hộ dân, trong đó có tới hơn 70% là đồng bào dân tộc Thổ, hiện thu nhập bình quân người dân thôn Xuân Hợp đã đạt 43 triệu đồng/năm; toàn thôn chỉ còn 9% hộ nghèo. Năm 2019, Xuân Hợp đạt thôn NTM.

Phan Nga

 

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản