Tin mới

Thoát nghèo nhờ hiểu biết pháp luật

(Mặt trận) -Đồng bào dân tộc Khmer cư trú tập trung chủ yếu ở Nam Bộ, có truyền thống văn hóa phong phú về phong tục, tập quán, lối sống, tôn giáo, tín ngưỡng.

Tăng cường gắn kết giữa các tôn giáo, dân tộc

Tuyên Quang: Gặp mặt chức sắc, chức việc các tôn giáo nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025

An cư cho đồng bào dân tộc thiểu số

 Đồng bào Khmer lắng nghe cán bộ tuyên truyền về pháp luật

Tuy nhiên, một bộ phận người dân trong cộng đồng này còn có trình độ và mức độ hiểu biết pháp luật hạn chế và đây cũng là một kẽ hở để các thế lực thù địch lợi dụng tuyên truyền những nội dung xấu, nhằm phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Để lấp những kẽ hở này, chính quyền các cấp đã kịp thời có giải pháp giúp người dân tiếp cận các chương trình, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, từ đó từng bước nâng cao nhận thức cho mỗi đồng bào.

Những thủ đoạn thâm độc

Thời gian qua, các thế lực thù địch, các hội nhóm, tổ chức phản động trong người Khmer lưu vong, nhất là tổ chức phản động lưu vong “Liên đoàn Khmer Krôm” đã và đang tiến hành nhiều thủ đoạn hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc Khmer để chống phá đối với nước ta.

Cụ thể: Các tổ chức phản động, cực đoan bên ngoài đã âm mưu, tổ chức các hoạt động tách Phật giáo Nam tông Khmer ra khỏi Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thành một hệ phái “độc lập”, coi đó là hệ tư tưởng cho “Nhà nước Khmer Kampuchia Krôm độc lập tự trị”. Chúng tuyên truyền xuyên tạc chính sách của Đảng, Nhà nước ta, vu cáo Việt Nam đàn áp Phật giáo Nam tông Khmer, không cho người Khmer được thực hành nghi lễ, cài người giám sát hoạt động của sư sãi… nhằm kích động tư tưởng “tự ti dân tộc” của sư sãi, Phật tử nơi đây.

Cùng với đó, chúng tuyên truyền, xuyên tạc, chia rẽ đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ với người Kinh.

Bên cạnh đó, các tổ chức phản động này còn tiến hành kích động, chỉ đạo sư sãi Khmer cực đoan nhen nhóm lập các hội đối lập với Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước, tiến tới hình thành tổ chức tôn giáo thoát ly sự quản lý của Nhà nước. Chúng tích cực tìm kiếm sự hậu thuẫn từ bên ngoài, móc nối với các tổ chức phản động để khuếch trương thanh thế, kêu gọi thành lập tổ chức Phật giáo Nam tông Khmer độc lập để “bảo tồn và phát triển lịch sử, tôn giáo và văn hóa người Khmer”.

Tính từ năm 2010 đến nay, trong vùng đồng bào Khmer đã hình thành khoảng 6 hội, nhóm trái pháp luật, với lý do là “bảo tồn văn hóa dân tộc; giúp đỡ chùa chiền, sư sãi gặp khó khăn; thực hiện các nghi lễ tôn giáo theo đúng truyền thống của Phật giáo Nam tông Khmer"… Song, thực chất của việc làm đó là “liên kết các sư sãi, tăng sinh có tư tưởng cực đoan thành một khối” để bôi nhọ, hạ uy tín những chức sắc, sư sãi có tư tưởng tiến bộ.

Ngoài ra, các tổ chức này tìm cách móc nối, mua chuộc, lôi kéo những người có uy tín trong cộng đồng các tôn giáo, đồng bào các dân tộc thiểu số; tài trợ cho sư sãi, tăng sinh Khmer ra nước ngoài tu học với ý đồ chống phá nước ta lâu dài. Theo số liệu báo cáo của các địa phương, hiện nay, có trên 1.000 sư sãi Khmer đi tu học nước ngoài; trong đó, có 66 trường hợp bị tổ chức phản động lưu vong Khmer Kampuchia Krôm đưa đi huấn luyện, đào tạo.

Nâng cao vai trò người uy tín

Đồng bào dân tộc Khmer đang cư trú, lao động, sinh hoạt ở Nam Bộ, vì nhiều nguyên nhân về lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội nên trình độ dân trí về pháp luật còn nhiều hạn chế.

Một kết quả điều tra xã hội học cho thấy: Có tới 62,76% người dân Khmer được hỏi trả lời rằng, chỉ biết một số quy định của pháp luật có liên quan trực tiếp đến cuộc sống, công việc hàng ngày, như các quyền, nghĩa vụ của công dân; 8,19% trả lời là họ hầu như không biết đến các quy định của pháp luật; tổng cộng có tới 80,95% người dân Khmer khẳng định chỉ biết ít hoặc không biết đến các quy định của pháp luật.

 Mô hình cho vay vốn nuôi bò phát triển kinh tế hộ ở vùng đồng bào Khmer

Xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu, nơi có phần lớn đồng bào Khmer sinh sống được xem là một trong những địa phương tiêu biểu trong việc thực hiện tốt chính sách dân tộc, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, phát huy truyền thống sức mạnh của khối đại đoàn kết các dân tộc.

Vai trò tích cực của người uy tín nơi đây được xem là nhân tố quyết định sự phát triển kinh tế, ổn định xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước. Từ đó đời sống về vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; tình hình an ninh chính trị luôn được giữ vững, trật tự an toàn xã hội đảm bảo ổn định.

Nhận thức được vị trí, vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer, những năm qua, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các hội, đoàn thể xã luôn quan tâm đến công tác xây dựng, bồi dưỡng, phát huy vai trò của người có uy tín; triển khai và thực hiện Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 6/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ "về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số".

Giai đoạn 2018 - 2022, xã đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu phê duyệt 06 người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer. Đó là những người gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, là cầu nối quan trọng giữa chính quyền với nhân dân, là địa chỉ tin cậy của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân, có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Để nâng cao nhận thức của người dân, thông qua các dịp lễ, hội truyền thống, hoạt động văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt tín ngưỡng tại các điểm chùa… xã đã tuyên truyền, góp phần đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân, giáo dục gia đình, người dân không vi phạm pháp luật, các tệ nạn xã hội, cảnh giác với âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, tuyên truyền, xuyên tạc chống phá sự nghiệp cách mạng nước ta, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Ông Danh Thanh Lâm, xã Hưng Hội chia sẻ: “Thời gian qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước với nhiều chính sách dành cho đồng bào dân tộc, đời sống của bà con khấm khá hơn trước. Vì vậy, khi có những buổi tuyên truyền, sinh hoạt pháp luật thì bà con tham gia rất đông, qua đó tình trạng vi phạm pháp luật trong đồng bào tại xã rất ít xảy ra, bà con ai cũng lo làm ăn, tranh chấp, kiện tụng hầu như không có…”.

Anh Lê Hữu Vương, một cán bộ tư pháp tham gia tuyên truyền pháp luật cho đồng bào Khmer cho biết, do đời sống còn nhiều khó khăn nên trước đây đồng bào dân tộc tại địa phương ít quan tâm đến việc tìm hiểu các kiến thức pháp luật. Do vậy, khi gặp những vấn đề liên quan đến pháp lý thì bà con rất lúng túng, còn cán bộ tư pháp cũng gặp khó trong việc giải thích cho bà con hiểu rõ các quy định.

Hiện nay, bằng các biện pháp tuyên truyền với nhiều hình thức, kết hợp cùng với hoạt động của các hội, đoàn thể tại địa phương, đã có nhiều hoạt động thiết thực trong công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật. Xã đã tổ chức các buổi sinh hoạt pháp luật tại các chùa Khmer trên địa bàn, thành lập câu lạc bộ pháp luật, tủ sách pháp luật để bà con dân tộc tham gia, tìm hiểu kiến thức pháp luật. Qua đó nhận thức pháp luật của đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn đã có nhiều thay đổi tích cực.

Có thể thấy, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật cho đồng bào dân tộc Khmer tại các địa phương thời gian qua đạt được nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số khó khăn, đòi hỏi phải có sự quan tâm, hỗ trợ hơn nữa từ các ngành chức năng và chính quyền địa phương. Từ đó góp phần đưa kiến thức pháp luật đến với đồng bào dân tộc, ổn định tình hình an ninh chính trị, tập trung phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Đ.T

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản