|
Sư thầy chùa Anh Vinh (TP Tuyên Quang) hướng dẫn người dân thực hiện rửa tay trước khi vào lễ chùa. Ảnh tư liệu: Quang Đán/TTXVN |
Thời gian qua, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, sức khỏe và tính mạng của người dân, trong đó có đồng bào các tôn giáo. Trong bối cảnh đất nước gặp khó khăn do đại dịch, thực hiện lời kêu gọi của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các tổ chức tôn giáo đã thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc trong công cuộc phòng, chống dịch COVID-19. Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, Bộ ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của các tổ chức tôn giáo, chức sắc tôn giáo và đồng bào có đạo, góp phần quan trọng cùng với toàn dân đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.
Hiện nay, tình hình dịch bệnh đã từng bước được kiểm soát, các hoạt động kinh tế - xã hội dần được khôi phục trong trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn, khó lường có thể xuất hiện các chủng virus mới nguy hiểm hơn, làm cho dịch bệnh diễn biến phức tạp, đòi hỏi mọi người không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch.
Thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về việc “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, Hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế (Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế), Bộ Nội vụ đề nghị lãnh đạo các tổ chức tôn giáo hướng dẫn các tổ chức tôn giáo, các điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung, chức sắc tôn giáo và đồng bào có đạo thực hiện các hoạt động tôn giáo phù hợp với tình hình mới. Có kế hoạch và chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp đảm bảo công tác phòng, chống dịch theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế và quy định của chính quyền địa phương.
Đồng thời, hướng dẫn chức sắc, tín đồ, cơ sở thờ tự tôn giáo thực hiện nghiêm quy định về phân loại cấp độ dịch của chính quyền. Theo đó, cấp độ 1, chức sắc, tín đồ khi tham gia các hoạt động tôn giáo tại cơ sở thờ tự phải tuân thủ 5K, ứng dụng công nghệ khai báo y tế, đăng ký và dán mã QR và hướng dẫn quét mã QR tại cơ sở tôn giáo nhằm đảm bảo tốt công tác phòng dịch. Cấp độ 2 và 3, hạn chế hoạt động tôn giáo đông người không thực sự cần thiết tại cơ sở thờ tự. Cấp độ 4, ngừng triệt để mọi hoạt động tôn giáo.
Việc tổ chức các hoạt động tôn giáo tập trung tại cơ sở thờ tự, địa điểm hợp pháp phải đảm bảo các điều kiện về chuyên môn theo quy định của Bộ Y tế (như: vaccine, xét nghiệm) và tuân thủ quy định về số lượng, quy mô, thời gian, phạm vi hoạt động theo hướng dẫn của chính quyền địa phương.
Đối với các cơ sở tôn giáo đã được chính quyền huy động, sử dụng làm cơ sở cách ly tập trung bệnh nhân COVID-19, khi không còn nhu cầu sử dụng, cần thực hiện các biện pháp khử khuẩn bảo đảm cho việc hoạt động bình thường trở lại an toàn để phục vụ nhu cầu, tín ngưỡng, tôn giáo, phù hợp với quy định về các cấp độ dịch. Vận động chức sắc, tín đồ có chuyên môn về y tế, điều dưỡng, các cơ sở khám, chữa bệnh, phòng thuốc nam, tuệ tĩnh đường tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện công tác phòng dịch, chăm sóc sức khỏe cho người dân, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Bộ Nội vụ cũng đề nghị lãnh đạo các tổ chức tôn giáo hướng dẫn lực lượng tình nguyện viên của các tôn giáo sau khi tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống dịch về địa phương chấp hành quy định cách ly, theo dõi sức khỏe theo quy định của cơ quan chức năng; quan tâm động viên, khích lệ, biểu dương những nỗ lực, đóng góp của tình nguyện viên đối với cộng đồng, tạo sự lan tỏa về giá trị nhân văn, bác ái của các tôn giáo trong xã hội.
Với tinh thần yêu thương và chia sẻ, trong điều kiện cho phép, các tôn giáo, theo nghi lễ của mình, nên tổ chức các khóa lễ cầu nguyện cho những người đã bị thiệt hại về tính mạng trong đại dịch vừa qua, góp phần xoa dịu những đau thương, mất mát và tiếp thêm sức mạnh tinh thần để ổn định cuộc sống.
Theo Bộ Nội vụ, thời gian tới sẽ diễn ra nhiều hoạt động tôn giáo như: Đại lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Lễ Noel của Công giáo và Tin Lành; các đại hội nhiệm kỳ của các Hội thánh Cao Đài; đại hội Phật giáo cấp tỉnh và các tôn giáo khác… thu hút đông đảo chức sắc tôn giáo và đồng bào có đạo. Lãnh đạo các tổ chức tôn giáo sớm có chỉ dẫn qua các cuộc lễ, các trang truyền thông, website của Giáo hội để thông tin, tuyên truyền các quy định phòng, chống dịch của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Nội vụ (Ban Tôn giáo Chính phủ) và quy định của chính quyền địa phương, nâng cao trách nhiệm của chức sắc, tín đồ tôn giáo trong phòng, chống dịch, không tin, không nghe những luận điệu xuyên tạc về tình hình và công tác phòng, chống dịch COVID-19.