Tin mới

Tiếp lực cho đồng bào dân tộc vươn lên thoát nghèo

(Mặt trận) -Dọc dài theo dãy Trường Sơn, giữa bạt ngàn rừng xanh, những bản làng của đồng bào dân tộc thiểu số ở phía Tây tỉnh Quảng Bình ngày càng đổi mới. Góp phần giúp đồng bào vươn lên xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, Mặt trận các cấp tỉnh Quảng Bình đã kiên trì tuyên truyền, vận động, hỗ trợ đồng bào đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế bằng những mô hình, việc làm cụ thể.

Phú Yên: Đẩy mạnh hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất

Đức Cơ nỗ lực giúp người nghèo an cư

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

Bàn giao công trình sửa chữa 87 ngôi nhà ở cho tộc người Rục ở xã Thượng Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình). 

Hỗ trợ sinh kế

Nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và chào mừng Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, những ngày giữa tháng 5 vừa qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình phối hợp với huyện Minh Hóa tổ chức lễ khánh thành công trình sửa chữa 87 nhà ở cho các hộ nghèo đồng bào Rục trên địa bàn 4 bản của xã Thượng Hóa (huyện Minh Hóa).

Ngày bàn giao ngôi nhà mới, vợ chồng ông Cao Lệ (ở bản Ón) vui mừng đón nhận. Nắm chặt bàn tay Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình Phạm Thị Hân, ông Lệ rưng rưng: “Gia đình rất cảm ơn Đảng, Nhà nước và Mặt trận đã sửa lại ngôi nhà để ở. Có nhà ở kiên cố, miềng hứa sẽ nuôi thêm nhiều con lợn, con gà và trồng thêm rau, thêm bắp để vợ con không còn lo đói”.

Được biết, từ năm 2014 đến tháng 5/2020, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình phối hợp với Ban Vận động Quỹ Vì người nghèo tỉnh, Ban Cứu trợ các cấp đã hỗ trợ xây dựng 1.015 căn nhà Đại đoàn kết, nhà tình thương cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh với số tiền trên 31,5 tỷ đồng. Đặc biệt, Mặt trận tỉnh đã hỗ trợ xây dựng 146 nhà ở cho hộ nghèo là đồng bào DTTS bị thiệt hại do thiên tai tại 9 xã gồm Lâm Hóa, Thanh Hóa (huyện Tuyên Hóa); Tân Trạch, Thượng Trạch (huyện Bố Trạch); Trọng Hóa, Dân Hóa (huyện Minh Hóa; riêng ở xã Thượng Hóa thì sửa nhà); Trường Sơn (huyện Quảng Ninh); Lâm Thủy (huyện Lệ Thủy) với số tiền gần 13,5 tỷ đồng.

Không chỉ hỗ trợ “con cá”, mà còn giúp đồng bào “cần câu”

Với phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà”, “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, Mặt trận các cấp tỉnh Quảng Bình đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước; vận động đồng bào DTTS đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế đạt hiệu quả cao. Từ năm 2014 đến nay, Mặt trận các cấp đã chủ trì và phối hợp tổ chức 40 lớp tập huấn cho hơn 2.100 đối tượng là cán bộ Mặt trận các cấp làm công tác dân tộc, 413 cuộc tuyên truyền về tư tưởng đại đoàn kết dân tộc, các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về dân tộc, về các phong trào, các cuộc vận động trong đồng bào DTTS thu hút được 32.422 lượt người tham gia.

Không chỉ hỗ trợ bằng “con cá”, Mặt trận còn nỗ lực giúp đồng bào “cần câu” để mưu sinh. Cán bộ Mặt trận các cấp đã “cầm tay chỉ việc”, từng bước làm thay đổi nhận thức của đồng bào. Từ tập quán canh tác lạc hậu “phát, đốt, cốt, trỉa”, sản xuất “tự cung, tự cấp” đến nay đồng bào DTTS ở Quảng Bình đã biết thâm canh tăng vụ, kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm với cải tạo vườn đồi, vườn rừng, tạo ra các mô hình phát triển kinh tế tổng hợp, đa dạng.

Theo thống kê, Mặt trận tỉnh Quảng Bình đã hỗ trợ 5.331 hộ nghèo đồng bào DTTS về phân bón, giống cây trồng, vật nuôi, máy móc thiết bị với số tiền 40 tỷ đồng. Đến nay, đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh đã biết trồng lúa nước 2 vụ/ năm trên diện tích hơn 290 ha với sản lượng bình quân đạt 40 tạ/ha.

Đặc biệt, thực hiện Đề án về hỗ trợ bò giống sinh sản cho hộ nghèo bị thiệt hại do lũ lụt năm 2016 và vùng thường xuyên bị thiên tai để phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững, đã có 500 hộ đồng bào DTTS được hỗ trợ 500 con bò lai sinh sản.

Làm giàu để xây dựng bản làng đổi mới

Đến nay, nhiều hộ đồng bào DTTS ở tỉnh Quảng Bình đã biết cải tạo vườn đồi, trồng rừng kinh tế kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm tạo thành các mô hình kinh tế trang trại tổng hợp. Toàn tỉnh hiện có hơn 700 hộ làm ăn khá giả. Trong đó có trên 500 hộ cho thu nhập 30 triệu đồng/năm trở lên, gần 200 hộ có thu nhập 70 triệu đồng/năm trở lên.

Tiêu biểu như gia đình ông Hồ Văn Pan ở bản Cây Bông, xã Kim Thủy (huyện Lệ Thủy). Gia đình ông đã mạnh dạn đầu tư phát triển 20 ha rừng trồng keo lai phủ xanh đất trống đồi núi trọc để phát triển kinh tế; đồng thời chọn những loại giống lúa có năng suất cao để thâm canh trồng lúa nước. Vì vậy, mỗi vụ mùa, gia đình thu về 5 tấn lúa. Ông còn chăn nuôi lợn nái, lợn thịt; cùng với đàn bò Laisind 20 con, đàn dê 15 con, gia cầm 150 con và 4 ao nuôi cá nước ngọt. Mỗi năm, gia đình ông Pan thu nhập trên 200 triệu đồng.

Những hộ gia đình làm giàu từ đất rừng và chăn nuôi phải kể đến như ông Hồ Viên ở bản Cà Xen, xã Thanh Hóa (huyện Tuyên Hóa); ông Đinh Hợp, người Ma Coong ở xã Thượng Trạch (huyện Bố Trạch); Ông Hồ Soa ở bản Khe Dây, xã Trường Xuân; Ông Trần Văn Phúc ở bản Khe Cát, xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh). Ông Hồ Khanh, bản La Trọng 1, xã Dân Hóa (huyện Minh Hóa)…

Triển khai thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” ở vùng đồng bào dân tộc, ở Quảng Bình đã xuất hiện nhiều điển hình tiêu biểu tình nguyện hiến đất, hiến tài sản. Như ông Hồ Soa ở bản Khe Ngang (xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh) hiến 729 m2 đất để làm nhà sinh hoạt cộng đồng cho bà con trong bản. Ông Hồ Việt ở bản Khe Ngang (xã Trường Xuân) hiến hơn 400 m2 đất để làm nhà văn hoá của bản.

Cùng chung tay thực hiện Cuộc vận động, Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình đã xây dựng mô hình điểm tại bản Khe Khế (xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy). Mặt trận tỉnh đã hỗ trợ bản xây dựng 2 đoạn đường bê tông, 35 giếng nước sạch; 16 công trình vệ sinh; đồng thời hỗ trợ 5 con bò trị giá 75 triệu đồng cho 5 hộ nghèo để phát triển sản xuất. Đến nay, bản Khe Khế đã có điện chiếu sáng, đồng bào đã biết trồng lúa nước để đảm bảo lương, do đó, cuộc sống của đồng bào từng bước được đổi thay.

Ông Hoàng Văn Minh, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình cho biết: Hiện nay, đồng bào các DTTS ở trên địa bàn tỉnh sinh sống ở 106 thôn, bản thuộc 17 xã miền núi, vùng cao của các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh và Lệ Thủy. Với trách nhiệm của mình, bằng những việc làm thiết thực, cụ thể, Mặt trận tỉnh Quảng Bình đã động viên đồng bào đoàn kết, tích cực tăng gia sản xuất, thực hiện hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, góp phần xây dựng bản làng ngày càng giàu đẹp.

Quảng Nghĩa

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản