Tin mới

Tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nước của đồng bào dân tộc Mông trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

(Mặt trận) -Đồng bào dân tộc Mông cư trú chủ yếu ở những vùng núi cao, dọc tuyến biên giới Việt - Trung, Việt - Lào, Việt - Campuchia, là những nơi có nhiều cửa khẩu thông thương sang các nước láng giềng nên có vị trí chiến lược rất quan trọng về quốc phòng - an ninh và là vùng trọng điểm bảo vệ môi trường sinh thái rừng đầu nguồn thuộc các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc, khu vực Trung Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên. Đồng bào Mông có truyền thống đoàn kết, yêu nước, gắn bó lâu đời với các dân tộc anh em trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam và có nhiều đóng góp lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

 Trẻ em tung tăng đi chơi Tết trong trang phục truyền thống sặc sỡ. (Ảnh: Thanh Hà/TTXVN)

 Theo Tổng điều tra dân số năm 2019, đồng bào dân tộc Mông ở nước ta có 1.393.547 người (chiếm hơn 1,2% dân số toàn quốc) với khoảng gần 259 nghìn hộ, sinh sống tập trung ở 18 tỉnh. Trong thời kỳ trước khi Đảng ra đời, do bị chế độ thực dân và phong kiến đàn áp nên đồng bào dân tộc Mông ở một số nơi đã tổ chức nhiều cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp xâm lược, như: cuộc nổi dậy trong năm 1886 - 1887 của hai anh em Dương Chính Hồng, Dương Chính Vinh ở Bắc Hà (Lào Cai) đã lãnh đạo đồng bào các dân tộc chống Pháp và phong trào đã lan tỏa, ảnh hưởng đến đồng bào Mông sinh sống ở các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang. Năm 1904, đồng bào Mông ở Cao Bằng, Lạng Sơn nổi lên đấu tranh chống chế độ thuế khóa hà khắc của thực dân Pháp. Năm 1911, Sùng Mí Chảng, dân tộc Mông ở Đồng Văn đã cùng đồng bào Mông nổi dậy chống Pháp, chỉ trong một thời gian ngắn đã tập hợp được gần một ngàn người, trang bị súng kíp, tiến hành đấu tranh vũ trang, tập kích đồn Thèng Phùng (Hà Giang), gây cho địch nhiều tổn thất và hoảng loạn tinh thần nên thực dân Pháp phải huy động quân chi viện, càn quét hơn một năm, đến khi Sùng Mí Chảng bị bắt (tháng 4/1912) phong trào mới tạm rút vào hoạt động bí mật. Giai đoạn 1918 - 1922, đồng bào Mông ở Tây Bắc đã tổ chức đấu tranh vũ trang chống Pháp do thủ lĩnh Giàng Tả Chay chỉ huy đã lan rộng sang vùng thượng Lào. Đồng bào Mông đánh địch đồng loạt đều khắp vùng Mường Phăng, Điện Biên, Long Hạ thuộc Tây Bắc và các tỉnh ở Lào như: Xiêng Khoảng, Xêphôn, Nậm Hu… Cuộc khởi nghĩa của thủ lĩnh Giàng Tả Chay đã gây cho giặc Pháp nhiều thiệt hại nặng nề, chúng đã phải phái tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương trực tiếp huy động quân chi viện và chỉ huy đàn áp cuộc khởi nghĩa… Các cuộc khởi nghĩa của đồng bào dân tộc Mông do chưa có đường lối lãnh đạo đúng đắn nên đều đi đến thất bại và bị đàn áp dã man.

Từ khi Đảng ra đời, để tập hợp đoàn kết toàn dân tộc chống phong kiến và đế quốc, Đảng đã tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc, trong đó có đông đảo đồng bào Mông tham gia khởi nghĩa giành chính quyền, điển hình là Đội du kích người Mông trong khu căn cứ Cao Phạ (Yên Bái) do đồng chí Lý Nụ Chu chỉ huy đã làm chủ tuyến đường kháng chiến Nghĩa Lộ, Mù Căng Chải, Than Uyên… làm cho giặc Pháp bị thiệt hại nặng nề nên thực dân Pháp đã tăng cường bao vây nhằm tiêu diệt du kích, nhưng du kích người Mông Cao Phạ vẫn tự giải thoát, cướp vũ khí giặc giải cứu đồng bào bị địch kìm kẹp, bắt bớ ở vùng Nghĩa Lộ. Ở Điện Biên, Đội du kích Pú Nhung chủ yếu là người Mông đã chiến đấu ngoan cường khắp vùng Tuần Giáo làm cho thực dân Pháp thiệt hại nặng nề. Trong các cuộc khởi nghĩa, đồng bào Mông ở Tây Bắc đã nêu cao tinh thần đoàn kết, yêu nước, gắn bó giữa các dân tộc anh em, gắn bó với Tổ quốc Việt Nam và trong chiến đấu đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu như anh hùng Sùng Phái Sinh, đội trưởng đội du kích Giàng A Páo, đặc biệt tấm gương hy sinh bất khuất, kiên cường của lão du kích liệt sĩ Vàng Lao Tả và liệt sĩ thiếu niên dân tộc Mông - Vừ A Dính… Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ và cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, đồng bào Mông đã sát cánh chiến đấu cùng bộ đội và các dân tộc anh em trong công cuộc thống nhất đất nước và bảo vệ biên giới thiêng liêng đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu trong nhiều lĩnh vực…

Thực hiện công cuộc đổi mới đất nước với hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn quan tâm phát huy vai trò đoàn kết, yêu nước của đồng bào Mông để thực hiện các nhiệm vụ cách mạng. Đảng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo hệ thống chính trị các cấp quan tâm đến công tác ở vùng đồng bào dân tộc Mông. Cụ thể như: Ngày 23/9/1994, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VII đã Ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW về một số công tác ở vùng dân tộc Mông. Sau Hội nghị tổng kết 12 năm thực hiện Chỉ thị số 45 (tháng 12/2006), ngày 9/3/2007, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X đã có Thông báo Kết luận số 64-TB/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VII. Thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hệ thống chính trị các cấp ở các địa phương vùng đồng bào Mông sinh sống đã tích cực triển khai thực hiện nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Mông về mọi lĩnh vực như:

Về chính trị, số đảng viên là người Mông tăng nhanh về số lượng và chất lượng, hiện có khoảng hơn 20 nghìn Đảng viên là người Mông. Số cán bộ là người Mông tham gia vào hệ thống chính trị khoảng hơn 15 nghìn người, trong đó có nhiều đồng chí giữ các chức vụ cao trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Mặt trận và các thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ Trung ương đến địa phương.

Về kinh tế - xã hội, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự triển khai tích cực của các cấp, các ngành và các địa phương, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng dân tộc Mông sinh sống đã có những bước cải thiện đáng kể; đã có trên 90% số xã trong vùng dân tộc Mông có đường giao thông đến trung tâm, khoảng 90% số xã có điện lưới quốc gia, hơn 70% số hộ được dùng điện, khoảng 80% số xã có hạng mục công trình thủy lợi nhỏ; 100% số xã có trạm y tế và điểm bưu điện văn hóa; 99% số thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng, tỷ lệ hộ vùng dân tộc Mông được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 68%...

Về quốc phòng, an ninh, công tác tuyên truyền, giáo dục, đấu tranh với các hoạt động “ly khai tự trị” tham gia giải quyết vấn đề dân di cư tự do, đấu tranh phòng chống tội phạm về ma túy được các lực lượng công an, biên phòng phối hợp chặt chẽ với Mặt trận, đoàn thể triển khai thực hiện. Để tạo bước chuyển quan trọng trong việc nâng cao đời sống mọi mặt cho đồng bào Mông di canh, di cư tự do, gắn ổn định dân cư với việc bảo đảm an ninh - quốc phòng ở các vùng biên giới một số tỉnh đã vận dụng linh hoạt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vào thực tiễn địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào Mông, tích cực vận động đồng bào không du canh, du cư và ổn định đời sống nhằm đảm bảo an ninh, trật tự ở các địa phương. Trong giai đoạn 2004 - 2019, tỉnh Lào Cai đã sắp xếp dân cư được 10.668 hộ. Điện Biên đã bố trí sắp xếp 1.647 hộ/2.253 khẩu di cư tự do đến Mường nhé, thành lập 32 bản mới và bố trí xen ghép vào 6 bản ổn định. Tỉnh Đắc Nông triển khai 17 dự án ổn định dân di cư tự do, với 65,9% số hộ đồng bào dân tộc Mông được sắp xếp ổn định. Tỉnh Đắc Lắc quy hoạch 20 điểm dân cư, ổn định cuộc sống cho 54,4% số hộ đồng bào dân tộc Mông.

Tuy nhiên, hiện nay ở nhiều vùng đồng bào Mông đang phải đứng trước những thách thức như: đời sống gặp nhiều khó khăn, thiếu đất canh tác, thiếu nước sản xuất và sinh hoạt, dân số phát triển nhanh, tỷ lệ đói nghèo cao như ở các huyện: Đồng Văn 63%, Mèo Vạc 56,8%, Xín Mần 55,1%; Bảo Lạc 63,4%, Mường Nhé 71,1%... nhiều vấn đề bức xúc đang tồn tại, nảy sinh như hiện tượng tái trồng cây thuốc phiện, tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp. Một số vùng người Mông đã xuất hiện nhiều vụ án buôn bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy với quy mô lớn; tệ buôn bán phụ nữ, vượt biên trái phép, di cư tự do đã làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự trong vùng đồng bào Mông, nhất là việc các thế lực thù địch trong và ngoài nước lợi dụng hiện tượng “xưng vương” trong đồng bào Mông để lôi kéo, vận động đồng bào bỏ sản xuất, tụ tập đông người, làm rối loạn trật tự an ninh, quốc phòng, nhất là các vùng biên giới Việt - Trung, Việt - Lào. Trong thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế, các thế lực thù địch đã lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, gây mất an ninh, trật tự ở một số nơi vùng đồng bào dân tộc Mông sinh sống, gây hậu quả nghiêm trọng, nhất là vấn đề liên quan đến các tà đạo như: “Vàng Chứ”, “Dương Văn Mình”, “San sư khổ tảo”, “Chữ thập đỏ”, “Giê sùa”, “Bà Cô dợ”… đã gây ra những mâu thuẫn, bức xúc trong nội bộ nhân dân, tạo ra các nhân tố tiềm ẩn gây mất ổn định chính trị ở một số vùng có đông đồng bào Mông sinh sống. Đáng chú ý, các thế lực thù địch ngày càng ráo riết tuyên truyền cái gọi là “Vương quốc Mông” trong vùng dân tộc Mông ở Tây Bắc, gây ra các tình huống manh động, mất an ninh, trật tự. Hoạt động chống phá của các thế lực thù địch trong và ngoài nước gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trong vùng đồng bào Mông.

Để tiếp tục khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước của đồng bào dân tộc Mông trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hiện thực hóa mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hệ thống chính trị các cấp cần tiếp tục quan tâm:

Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và đồng bào Mông về các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đối với công tác dân tộc nói chung, vùng đồng bào dân tộc Mông nói riêng; có phương thức tuyên truyền, vận động linh hoạt thông qua cán bộ, đảng viên người Mông, đặc biệt là người có uy tín trong đồng bào Mông để tác động đến cộng đồng hiểu biết sâu sắc về truyền thống đoàn kết, yêu nước của dân tộc Mông từ khi theo Đảng đến nay nhằm củng cố lòng tự hào, nâng cao bản lĩnh và là cơ sở để cảm hóa, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch lợi dụng yếu tố dân tộc, tôn giáo để chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Công tác tuyên truyền, vận động phải có trọng tâm, trọng điểm theo từng lĩnh vực cụ thể, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị phù hợp với đặc điểm, trình độ nhận thức của đồng bào Mông; tránh tình trạng chồng chéo, tuyên truyền một chiều, tuyên truyền qua loa, đại khái…

Hai là, triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số nói chung và vùng đồng bào Mông nói riêng nhằm nâng cao đời sống và nâng cao dân trí cho đồng bào trên cơ sở đảm bảo nguồn lực thực hiện; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm tránh đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, tạo cớ để các thế lực thù địch kích động, chia rẽ đồng bào với chính quyền các cấp. Tăng cường công tác phối hợp giữa Mặt trận với chính quyền các cấp thực hiện hiệu quả các tiêu chí cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" phù hợp với điều kiện, đặc điểm cụ thể ở từng địa phương, đáp ứng nguyện vọng của người Mông, nhất là đối với đồng bào có đạo. Phát huy vai trò của Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư trong việc chủ trì, phối hợp thống nhất hành động giữa các tổ chức đoàn thể thực hiện hiệu quả quy chế dân chủ ở các khu dân cư đồng bào Mông sinh sống, phát huy được vai trò làm chủ, tính tự giác, tự chủ và tích cực sáng tạo của đồng bào thực hiện các phong trào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vì chính lợi ích của đồng bào ở các địa phương.

Ba là, tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện Chỉ thị số 01/2005/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số công tác đối với đạo Tin Lành ở vùng có đông đồng bào dân tộc Mông, xem xét và công nhận các điểm nhóm có đủ điều kiện; giải quyết nhu cầu về đất đai xây dựng cơ sở thờ tự, sinh hoạt tôn giáo theo đúng quy định của pháp luật. Đối với các cơ sở đã được công nhận tư cách pháp nhân về tổ chức phải tạo điều kiện có cơ sở thờ tự, chức sắc Tin Lành hướng dẫn việc đạo, kinh sách cho hoạt động tôn giáo diễn ra bình thường, thuận lợi. Tăng cường nhận thức cho cán bộ, đảng viên và chức sắc tôn giáo về âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng đạo Tin Lành để biến tướng hình thành các loại tà đạo “Giê Sùa”, “Bà Cô dợ”… trong vùng đồng bào Mông nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết giữa các dân tộc.

TS.Lò Giàng Páo, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân tộc, UBTW MTTQ Việt Nam

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản