Tin mới

Tiếp tục phát huy vai trò Người có uy tín trong giai đoạn mới

(Mặt trận) -Vùng đồng bào DTTS và miền núi đã và đang nhận được sự quan tâm, đầu tư đặc biệt của Đảng, Nhà nước, trọng tâm là triển khai thực hiện Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Để triển khai các chương trình, chính sách dân tộc hiệu quả, đi vào cuộc sống, không thể thiếu vai trò đóng góp quan trọng của đội ngũ Người có uy tín tại cơ sở. Do vậy, trong thời gian tới cần điều chỉnh một số bất cập từ chính sách để tiếp tục phát huy vai trò của Người có uy tín .

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

 Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Quốc Tuấn thăm hỏi, động viên già làng, Người có uy tín tại xã Ia Mơ, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai. Ảnh Thanh Huyền

Mở rộng kênh thông tin

Người có uy tín có mối liên hệ chặt chẽ, và là cầu nối của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị. Chính vì vậy hàng năm, Người có uy tín luôn được tập huấn, bồi dưỡng, cung cấp thông tin về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thăm quan học tập các mô hình phát triển kinh tế để tuyên truyền, vận động bà con bà con dân bản.

Tuy nhiên, nguồn kinh phí tổ chức cung cấp thông tin như bồi dưỡng, tập huấn; tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm được giao cho địa phương tự bố trí kinh phí. Việc bố trí thêm nguồn kinh phí, là rất khó khăn do điều kiện ngân sách của các địa phương còn hạn hẹp. 

Để giải quyết những vướng mắc này, nhiều địa phương đã có nhiều giải pháp gỡ khó, mang lại hiệu quả tích cực. Điển hình như tại Hoà Bình, để tổ chức cung cấp thông tin, tập huấn cho Người có uy tín hằng năm, Ban Dân tộc tỉnh đã tích cực xây dựng kế hoạch và đề xuất với UBND tỉnh cấp kinh phí.Bên cạnh đó, để toàn bộ Người có uy tín trên địa bàn vẫn có thể tiếp cận với nguồn thông tin cần thiết, được cập nhật kịp thời, Ban Dân tộc Hoà Bình triển khai cung cấp thông tin và tiếp nhận ý kiến trực tuyến cho Người có uy tín. 

Bà Đinh Thị Thảo, Trưởng Ban Dân tộc Hoà Bình cho biết: Việc thay đổi hình thức tuyên truyền, cung cấp thông tin đã giúp 100% Người có uy tín được tiếp cận với thông tin về chủ trương, định hướng của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, các mô hình hay, người tốt việc tốt, các điển hình trong đội ngũ Người có uy tín trên địa bàn tỉnh. Hoạt động hỏi đáp pháp luật, những thông tin về chính sách mới được cập nhật đã giúp cho Người có uy tín có thêm kiến thức, kỹ năng trong thực hiện vai trò của mình.

Ngoài ra, để đẩy mạnh việc cung cấp thông tin được đầy đủ và nhanh chóng, thuận tiện có nhiều ý kiến cho rằng, cần đẩy mạnh việc ứng dụng nền tảng công nghệ số thông qua các nền tảng mạng xã hội Zalo để kết nối giữa Người có uy tín với cơ quan làm công tác quản lý nhà nước về công tác dân tộc.

Ông Hoàng Anh, Phó Trưởng Ban Dân tộc Vĩnh Phúc cho rằng, đây là một giải pháp hiệu quả. Vì hiện nay hầu hết Người có uy tín đều sử dụng điện thoại di động và có khoảng 98% là điện thoại thông minh (smart phone), vì thế cần đẩy mạnh cung cấp thông tin, liên lạc với đội ngũ Người có uy tín, thông qua một ứng dụng phổ thông trên điện thoại có tính khả thi cao và đáp ứng tốt nhất cho các mục tiêu vừa nhanh chóng, kịp thời, vừa an toàn và hiệu quả.

Hoàn thiện chính sách

Dù việc triển khai chính sách dành cho Người có uy tín đã mang lại hiệu quả tích cực, nhưng trong quá trình triển khai chính sách, đã bộc lộ nhiều hạn chế, vướng mắc. Để phát huy hiệu quả vai trò Người có uy tín trong giai đoạn tới cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể trong việc vận động và phát huy vai trò của Người có uy tín, coi đây là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên. 

Cần xây dựng quy định riêng về tiêu chí xác định, lựa chọn Người có uy tín và chính sách riêng đối với Người có uy tín trong đồng bào DTTS, hỗ trợ kinh phí hoạt động, kinh phí đi lại cho Người có uy tín…

Tại Hội thảo “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách và phát huy vai trò của Người có uy tín trong đồng bào DTTS khu vực Tây Bắc” bà Mã Én Hằng, Phó trưởng Ban Dân tộc Lào Cai cho rằng, cần sửa đổi bổ sung Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí lựa chọn, công nhận Người có uy tín và chính sách cho Người có uy tín trong đồng bào DTTS.

“Cần đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức, tăng cường cung cấp thông tin cần thiết cho Người có uy tín về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tăng cường các hoạt động giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm giữa các địa phương, tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho Người có uy tín; cấp báo cho Người có uy tín trong vùng DTTS…”, bà Hằng cho biết. 

Liên quan đến các chế độ chính sách cho Người có uy tín, ông Nguyễn Phúc Hải, Phó Ban Dân tộc Hà Nội cho biết: Nhằm khuyến khích động viên Người có uy tín thực hiện vai trò của mình đối với cộng đồng nên ban hành chính sách về phụ cấp, bảo hiểm y tế cho Người có uy tín trong đồng bào DTTS

“Cần xem xét và bổ sung thêm danh mục mua bảo hiểm y tế cho những Người có uy tín trong đồng bào DTTS không thuộc thành phần hưu trí, gia đình chính sách, gia đình có công...” ông Hải cho biết.

“Hiện nay, các chế độ trợ cấp đặc thù cho Người có uy tín vẫn chưa có, trong khi nhiệm vụ của Người có uy tín phải phối hơp với cấp uỷ chính quyền tuyên truyền vận động người dân giữ gìn an ninh trật tự, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới... nên khó phát huy hết vai trò trách nhiệm của họ” ông Cầm Bá Tường, Phó trưởng Ban Dân tộc Thanh Hoá nêu quan điểm.

Theo ông Cầm Bá Tường, cần xem xét việc cấp kinh phí hỗ trợ cho người có uy tín với mức trợ cấp hàng tháng ít nhất bằng 0,3 mức lương tối thiểu.

Đặc biệt, cần thường xuyên tổ chức các hội nghị biểu dương, khen thưởng Người có uy tín đạt thành tích tiêu biểu xuất sắc ở các cấp, để nhằm tôn vinh,  nhân rộng các cá nhân Người có uy tín. Tạo mọi điều kiện để tổ chức gặp gỡ, trao đổi thường xuyên, liên tục, thông tin hai chiều giữa các cơ quan đoàn thể, cấp uỷ chính quyền địa phương với đội ngũ Người có uy tín

Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến đội ngũ Người có uy tín. Điều này được thể hiện rõ nét nhất khi Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 dành một tiểu dự án riêng để triển khai thực hiện chế độ, chính sách cho Người có uy tín.

Nhấn mạnh về vai trò của Người có uy tín, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh khẳng định: Đội ngũ Người có uy tín trong đồng bào DTTS có vị trí, vai trò hết sức quan trọng, là lực lượng nòng cốt, là cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với Nhân dân. 

Bởi vậy, trong nhiều chuyến công tác địa phương, thăm hỏi, động viên, tặng quà đồng bào DTTS, Bộ trưởng, Chủ nhiệm đều nhấn mạnh đến việc, phát huy vai trò của đội ngũ Người có uy tín có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong xây dựng khối đại đoàn kết, thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc trong giai đoạn mới. 

Có thể thấy rằng, sau một thập kỷ, việc triển khai thực hiện chính sách cho Người có uy tín đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Để tiếp tục phát huy vai trò của Người có uy tín cần hoàn thiện chế độ chính sách, mở rộng kênh thông tin để phát huy vai trò của đội ngũ này trong giai đoạn mới. 

Thuý Hồng 

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản