Tin mới

Từ chủ trương, chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước đến thực tiễn đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam hiện nay

(Mặt trận) -Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc, đồng bào các tôn giáo là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thực hiện nhất quán chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước.

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

Hiệu quả Chương trình MTQG 1719 ở tỉnh Thái Nguyên

Đoàn công tác Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Ủy ban Đoàn kết công giáo, Sở Nội vụ tỉnh Bắc Giang thăm, chúc mừng Lễ phục sinh các chức sắc, chức việc tại Giáo xứ Tiên Lục (Lạng Giang). (Ảnh: ANH NGỌC) 

Ở Việt Nam, từ khi Đảng ta lãnh đạo cách mạng đã luôn thực hiện nhất quán chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo phù hợp từng giai đoạn cách mạng, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết các tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong bối cảnh đất nước vừa mới giành được độc lập, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ, ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ quan điểm mang tính nguyên tắc trong chính sách tôn giáo của Việt Nam: “Tôi đề nghị Chính phủ tuyên bố tín ngưỡng, tự do và lương-giáo đoàn kết”, thể chế quan điểm đó, ngày 14/6/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 234/SL, gồm 5 chương, 16 điều, văn bản pháp quy đầu tiên, quy định trách nhiệm của Chính phủ trong việc bảo đảm quyền tự do tôn giáo của người dân và trách nhiệm, nghĩa vụ của chức sắc tôn giáo và tín đồ về hoạt động tôn giáo tại Việt Nam. “Chính phủ bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và tự do thờ cúng của nhân dân. Không ai được xâm phạm đến quyền tự do ấy.

Mọi người Việt Nam đều có quyền tự do theo một tôn giáo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các nhà tu hành được tự do giảng đạo tại các cơ quan tôn giáo như nhà thờ, chùa, thánh thất, trường giáo lý,... Khi truyền bá tôn giáo, các nhà tu hành có nhiệm vụ giáo dục cho các tín đồ lòng yêu nước, nghĩa vụ của người công dân, ý thức tôn trọng chính quyền nhân dân và pháp luật của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa…”.

Quan điểm tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Đảng, Nhà nước ta được thể hiện trên nguyên tắc Hiến định, được quy định trong các bản Hiến pháp từ năm 1946 đến Hiến pháp sửa đổi năm 2013, thể hiện quan điểm xuyên suốt nhất quán của Đảng, Nhà nước ta về công tác tôn giáo. Đảng ta khẳng định: “Tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng với dân tộc”, đoàn kết tôn giáo, hòa hợp dân tộc là yêu cầu quan trọng của quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam.

Trong 20 năm qua, Nhà nước ta ban hành hơn 30 văn bản pháp quy quy định về các hoạt động, tín ngưỡng, tôn giáo, sửa đổi các điều Luật quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân.

Để bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo chính đáng của nhân dân ngay trong thực tiễn, trong từng giai đoạn phát triển của đất nước, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới từ 1990 đến nay, Đảng đã ban hành nhiều văn bản Chỉ thị, nghị quyết, như: Nghị quyết số 25/NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác tôn giáo trong tình hình mới, đã ghi rõ: “Mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh là điểm tương đồng để gắn bó đồng bào các tôn giáo với sự nghiệp chung. Mọi công dân không phân biệt tín ngưỡng, tôn giáo đều có quyền và nghĩa vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Trong 20 năm qua, Nhà nước ta ban hành hơn 30 văn bản pháp quy quy định về các hoạt động, tín ngưỡng, tôn giáo, sửa đổi các điều Luật quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân.

Pháp lệnh 21/2004/PL-UBTVQH11 “Quy định về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo”. Chính phủ ban hành Nghị định số 22/2005/NĐ-CP, ngày 1/3/2005 “Hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo; Chỉ thị 1940/CT-TTg ngày 31/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về nhà đất liên quan tôn giáo.

Hiến pháp năm 2013, điều 25 quy định:

(1) Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật”.

(2) Nhà nước tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Nơi thờ tự của tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ.

(3) Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được cụ thể hóa trên nguyên tắc hiến định về các quan điểm của Đảng hiện thực trong thực tiễn, đạt mục tiêu cao nhất phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đáp ứng, giải quyết nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo chính đáng của mọi người.

Quốc hội khóa XIV đã ban hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần XIII của Đảng ta khẳng định “Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống “tốt đời đẹp đạo”, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định của pháp luật và Hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận…”.

Những chủ trương và chính sách, pháp luật nêu trên đã góp phần giải quyết nhiều vấn đề mà thực tiễn công tác tín ngưỡng, tôn giáo đòi hỏi như điều kiện để tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo; điều kiện công nhận tổ chức tôn giáo; điều kiện thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trực thuộc; điều kiện thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo… và quy định trình tự, thủ tục, thẩm quyền, và quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã, phường, thị trấn trong việc giải quyết kiến nghị của cá nhân, tổ chức tôn giáo và đặc biệt luật quy định rõ về thời hạn giải quyết, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, hạn chế và loại bỏ sự nhũng nhiễu, chậm trễ, tắc trách của công chức, trong việc thực thi công vụ và đã được quy định cụ thể trong pháp luật, tạo hành lang pháp lý, ổn định, thuận lợi cho các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người ngày càng tốt hơn.

Thực tế cũng cho thấy, chỉ tính trong gần 20 năm qua (2003-2022), số lượng chức sắc, chức việc, cơ sở thờ tự của các tôn giáo gia tăng đáng kể, phản ánh nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo chính đáng của người dân, khẳng định chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta về bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người.

Qua thống kê cho thấy, năm 2003 cả nước có 6 tôn giáo 15 tổ chức, với 17 triệu tín đồ, khoảng 20 nghìn cơ sở thờ tự; 34 nghìn chức sắc, 78 nghìn chức việc.

Đến năm 2022, Nhà nước ta đã công nhận 43 tổ chức, thuộc 16 tôn giáo khác nhau, với khoảng 27 triệu tín đồ, trên 53 nghìn chức sắc, khoảng 135 nghìn chức việc; hơn 29 nghìn cơ sở thờ tự…

Ngoài ra, hằng năm có hơn 8.000 lễ hội về tín ngưỡng, tôn giáo, với hàng vạn tín đồ tham gia và trong 10 năm thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã cấp hàng trăm ha đất để xây dựng cơ sở thờ tự như Thành phố Hồ Chí Minh đã giao 7.500m2 đất cho Tổng Liên hội thánh Tin lành Việt Nam (miền nam) xây dựng Viện thánh kinh thần học; tỉnh Đắk Lắk giao hơn 11.000m2 đất cho Tòa Giám mục Buôn Ma Thuột; thành phố Đà Nẵng giao hơn 9.000m2 đất cho Tòa Giám mục Đà Nẵng; tỉnh Quảng trị giao thêm 15ha cho Giáo xứ La vang…

Chỉ tính năm 2022, chính quyền các cấp đã cấp phép xây dựng, sửa chữa, cải tạo cho 152 cơ sở thờ tự tôn giáo; cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung cho 183 điểm nhóm; cấp quyết định xuất bản cho 140 xuất bản phẩm, với 684.250 bản in.

Các hoạt động phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, thuyên chuyển chức sắc, chức việc; các hoạt động thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc; sửa đổi hiến chương, điều lệ; đăng ký chương trình hoạt động hằng năm, theo đúng quy định của pháp luật; chấp thuận cho 646 người được phong phẩm, suy cử làm chức sắc; 3.238 người được bổ nhiệm, bầu cử, suy cử làm chức việc; 424 chức việc các tôn giáo được thuyên chuyển…

Đó là bằng chứng sinh động trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, là nguyên tắc nhất quán xuyên suốt của Đảng, Nhà nước Việt Nam, vì cuộc sống tinh thần của hàng triệu tín đồ các tôn giáo, thể hiện đầy đủ bản chất Nhà nước dân chủ, pháp quyền.

Thực tế, những chủ trương, chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo không những khẳng định ở Hiến pháp, pháp luật mà còn được thể hiện sinh động trong cuộc sống hằng ngày, vì đây là một trong những quyền cơ bản của người dân.

Hầu hết các tổ chức tôn giáo đều có xu hướng đồng hành cùng dân tộc, đồng thời là nhân tố bồi đắp, gìn giữ văn hóa Việt Nam ngày càng đa dạng, phong phú.

Việc thể chế chính sách tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, Nhà nước, đã khẳng định vai trò của Nhà nước pháp quyền luôn tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, với mục tiêu “Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân”, Nhà nước được tổ chức và hoạt động trên cơ sở Hiến pháp và pháp luật, bảo đảm Hiến pháp và các đạo luật giữ vị trí tối thượng trong đời sống xã hội, tôn trọng và bảo đảm quyền công dân, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được xác định là quyền cơ bản của mọi người “không ban ơn-xin cho”, các tôn giáo và những người có tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật, Nhà nước không thiên vị một tôn giáo nào về mặt pháp luật, điều đó thể tính nghiêm túc trong việc chấp pháp.

Đảng, Nhà nước ta chủ trương xóa bỏ mặc cảm, định kiến, không phân biệt đối xử về thành phần giai cấp, dân tộc, tôn giáo, tôn trọng ý kiến khác nhau, không trái với lợi ích đất nước, lợi ích dân tộc, đề cao truyền thống nhân nghĩa, khoan dung, vì sự ổn định, phát triển của đất nước. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng

Thể chế chính sách tôn giáo của Đảng, khẳng định rõ mối quan hệ của Nhà nước pháp quyền và tôn giáo là một thực tế khách quan, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu của một bộ phận nhân dân, luôn tồn tại trong đời sống xã hội, do đó không thể tách rời sự hướng dẫn, quản lý của Nhà nước, nhằm bảo đảm các hoạt động hướng tới vì lợi ích thỏa mãn nhu cầu tinh thần lành mạnh, chính đáng, không kỳ thị vì lý do tôn giáo; hạn chế, xóa bỏ các hoạt động mê tín, lệch lạc ảnh hưởng giá trị đạo đức và thuần phong mỹ tục tốt đẹp của dân tộc; tạo hành lang pháp lý ổn định để các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo không tách rời pháp luật và quy định trách nhiệm của chính quyền trong việc hướng dẫn, giải quyết kiến nghị của tổ chức, cá nhân tôn giáo, bảo đảm sự minh bạch, công khai thực thi công vụ, công chức và quyền lực Nhà nước, được cá nhân, tổ chức tôn giáo giám sát khi thực hiện, đồng thời giúp cho công tác quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo được thuận lợi.

Luật pháp đã quy định chính quyền các cấp có thời hạn trả lời các hồ sơ, kiến nghị của tổ chức, cá nhân tôn giáo theo cơ chế một cửa, công khai, minh bạch, tiết kiệm chi phí, giảm thời gian đi lại, hạn chế phiền hà…

Đảng, Nhà nước ta chủ trương xóa bỏ mặc cảm, định kiến, không phân biệt đối xử về thành phần giai cấp, dân tộc, tôn giáo, tôn trọng ý kiến khác nhau, không trái với lợi ích đất nước, lợi ích dân tộc, đề cao truyền thống nhân nghĩa, khoan dung, vì sự ổn định, phát triển của đất nước.

Thực hiện các chủ trương của Đảng và sự hướng dẫn, quản lý của Nhà nước, hoạt động của các tôn giáo đã có nhiều đóng góp tích cực trong đời sống xã hội, vận động đồng bào có đạo chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước.

Văn kiện Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định “Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống 'tốt đời đẹp đạo', đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định pháp luật và Hiến chương điều lệ được nhà nước công nhận”.

Theo thống kê cho thấy, trong 3 năm qua (2018-2020), Ban Tôn giáo Chính phủ tổ chức 148 hội nghị tuyên truyền phổ biến Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162/NĐ-CP, quy định một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo cho cán bộ trong hệ thống chính trị với 26.278 lượt người tham gia; 132 hội nghị cho chức sắc, chức việc, nhà tu hành với 27.793 lượt người tham gia; tích cực chủ động phối hợp các bộ, ngành chức năng Trung ương đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về tôn giáo.

Các tôn giáo đều xây dựng đường hướng hành đạo, gắn bó với dân tộc như: “Hộ quốc an dân” của Phật giáo; “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc” của Công giáo “Sống phúc âm phụng sự Thiên chúa, phụng sự Tổ quốc và dân tộc” của Tin lành; hoặc “ Nước vinh đạo sáng” của Cao Đài,.... Những đường hướng này phù hợp giáo lý, truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Trong những năm qua, bằng các hoạt động giao lưu với các tổ chức tôn giáo đồng đạo trên thế giới như trao đổi đoàn ra nước ngoài học tập, dự hội nghị, hội thảo, tham gia các diễn đàn tôn giáo thế giới và khu vực; đăng cai, phối hợp tổ chức các hội nghị, diễn đàn tôn giáo trong khuôn khổ Liên hợp quốc, ASEAN, quốc tế... đã góp phần tăng cường vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế và thúc đẩy ngoại giao nhân dân.

Tại các diễn đàn song phương, đa phương các tổ chức tôn giáo Việt Nam đã thể hiện rõ tinh thần yêu chuộng hòa bình và lòng tự hào dân tộc, tích cực ủng hộ và đóng góp sáng kiến vào các tuyên bố chung, góp phần xây dựng thế giới hòa bình, giảm xung đột, bạo lực và chiến tranh vì lý do tôn giáo, sắc tộc.

Vận động các tôn giáo đồng đạo trên thế giới ủng hộ Việt Nam xây dựng phát triển đất nước, khẳng định truyền thống đoàn kết, yêu nước của đồng bào tôn giáo luôn được vun bồi, phát huy và tỏa sáng trong lòng dân tộc Việt Nam.

Các tổ chức tôn giáo đóng vai trò quan trọng góp phần đưa chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đi vào cuộc sống. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng

Nhiều hoạt động tôn giáo đã góp phần giới thiệu đất nước, hình ảnh con người Việt Nam như Giáo hội Tin lành đã tổ chức thành công lễ kỷ niệm 500 năm cải chánh đạo Tin lành; giáo hội Công giáo tổ chức Tổng hội Dòng Đa minh thế giới với đại biểu của hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia; Hội đồng giám mục châu Á; Giáo hội Phật giáo tổ chức Đại lễ Phật đản Vesak Liên hợp quốc, với 570 đoàn quốc tế, 1.650 đại biểu đến từ 112 quốc gia và vùng lãnh thổ... những hoạt động nêu trên đã góp phần giới thiệu về đất nước, con người, lịch sử, văn hóa của Việt Nam đến với bạn thế giới khẳng định chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quy tụ kiều bào có tín ngưỡng, tôn giáo trong nước và ngoài nước đoàn kết để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đấu tranh phản bác thế lực, luận điệu xấu tuyên truyền, xuyên tạc chủ trương chính sách tôn giáo của Việt Nam.

Các tổ chức tôn giáo đóng vai trò quan trọng góp phần đưa chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đi vào cuộc sống. Thông qua các sinh hoạt tôn giáo, chức sắc, chức việc các tôn giáo đã hướng dẫn tín đồ cách làm giàu, vươn lên thoát nghèo, đời sống vật chất từng bước được cải thiện, nêu cao tinh thần yêu nước, ý thức tự lực tự cường, chung sức đồng lòng cùng với Đảng, Nhà nước xây dựng quê hương, đất nước.

Từ năm 2004 đến nay, Hội đồng trị Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đưa hoạt động phòng, chống HIV/AIDS vào chương trình hoạt động Phật sự.

Năm 2015, lãnh đạo của 40 tổ chức tôn giáo thuộc 14 tôn giáo tại Việt Nam đã cùng Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường ký kết Chương trình phối hợp bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu (giai đoạn 2015-2020), các tôn giáo đã xây dựng được 1.014 mô hình về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giảm nhẹ rủi ro thiên tai… phù hợp điều kiện cụ thể của từng tôn giáo, đem lại hiệu quả thiết thực.

Từ trong các phong trào thi đua yêu nước đó, đã xuất hiện ngày càng nhiều gương người tốt, việc tốt, tấm gương điển hình tiên tiến, xuất sắc trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và lan tỏa trong đời sống xã hội đã góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa dân tộc, đạo đức truyền thống nhân văn của con người Việt Nam, góp phần ngăn ngừa suy thoái đạo đức, lối sống thực dụng, vô cảm.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tôn giáo vẫn còn tiềm ẩn phức tạp. Đó là: Thực tiễn cho thấy, với xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng, các tôn giáo trên thế giới gia tăng, thúc đẩy việc truyền giáo phát triển tín đồ sang các quốc gia khác nên các hoạt động tôn giáo không ngừng biến đổi tác động trực tiếp đến tình hình tôn giáo ở Việt Nam; thế lực thù địch bên ngoài vẫn âm mưu lợi dụng tôn giáo để gây rối an ninh trật tự, móc nối với số phần tử cực đoan trong tôn giáo, định kiến với Đảng, Nhà nước và chế độ xuyên tạc, chủ trương chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, phát tán trên không gian mạng, vu cáo Việt Nam đàn áp tôn giáo, vi phạm dân chủ, nhân quyền là thiếu khách quan.

Có thể khẳng định, thành tựu về thực hiện chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và thực tiễn đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam ngày càng sôi động đã củng cố niềm tin của chức sắc, tôn giáo và đồng bào có đạo với Đảng, Nhà nước ta, tăng cường khối đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, phát huy dân chủ ở cơ sở, tạo không khí phấn khởi tin tưởng trong các tầng lớp nhân dân nói chung và chức sắc tôn giáo và đồng bào có đạo nói riêng, phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết thực hiện thắng lợi nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

TS.Vũ Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ

Theo Báo Nhân Dân

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản